Ủng hộ 100.000 đồng mới có giấy khen: Đừng dạy trẻ lấy tiền đo lòng nhân ái
Khi nhà trường phân biệt hình thức khen ngợi theo số tiền ủng hộ, trẻ có thể tiếp nhận 'bài học' sai lầm rằng lòng nhân ái được đo bằng độ lớn của đồng tiền.
Khi gửi giấy khen, thư khen cho những học sinh tham gia ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3, chắc chắn rằng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP.HCM) muốn kịp thời tuyên dương, động viên các em, để trẻ có thêm một bài học về tinh thần nhường cơm sẻ áo, tương thân tương ái vốn là truyền thống của người Việt. Nhưng tiếc là cái tâm phân biệt của người lớn liên quan đến giá trị đồng tiền lại gây tác dụng ngược.
Cụ thể, những học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng trở lên được nhận giấy khen, còn những em ủng hộ số tiền ít hơn chỉ nhận được thư khen từ giáo viên chủ nhiệm. Không có gì khó hiểu khi phụ huynh và dư luận bức xúc. Mức độ khen ngợi, tuyên dương dựa theo số tiền đóng góp này có thể khiến trẻ chạnh lòng, tổn thương, tạo ra sự chia rẽ khi vách ngăn giàu nghèo bắt đầu xuất hiện, và đáng lo nhất là sẽ hình thành những quan điểm sai lầm.
Vận động các em giúp đỡ người dân vùng bão lũ cũng là dạy trẻ biết sẻ chia, ai có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, vì cái chúng ta trao cho đồng bào chính là tấm lòng. Thầy cô phân biệt hình thức khen thưởng theo số tiền đóng góp như vậy, liệu có khiến những đứa trẻ còn non nớt hiểu lầm rằng, ngay cả tấm lòng cũng phân chia đẳng cấp, phải có nhiều tiền để ủng hộ mới được coi là tấm lòng vàng?
Trước đó, khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố 335 trang sao kê số tiền hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của bão lũ, cộng đồng xúc động biết bao khi thấy những khoản đóng góp rất nhỏ của nhiều học sinh, chứng tỏ các em đã nhường phần ăn vặt, tiền mua đồ chơi… của mình. Số tiền nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa to lớn khi có thêm một thế hệ học được cách sống nhân ái, vị tha.
Thế nhưng cách khen của trường tiểu học trên lại vô tình truyền đi các thông điệp sai lầm rằng lòng nhân ái được đánh giá, đo lường theo độ lớn của đồng tiền; và rằng tuy cùng hỗ trợ đồng bào khó khăn, ai có điều kiện đóng nhiều tiền hơn sẽ được coi trọng hơn.
Nhiều năm sau này khi bước vào thế giới của người lớn, những đứa trẻ ngày nay sẽ phải đối mặt với không ít thực tế trần trụi liên quan đến quyền lực của đồng tiền, nhưng đó là lúc các em đã trưởng thành, đủ sức đề kháng để giữ vững bản tâm giữa bụi bặm cuộc đời. Còn khi các em còn nhỏ, xin hãy giữ cho trẻ sự trong trắng để có thể phát triển lành mạnh thành những con người tốt bụng, coi trọng tình nghĩa.
Khi phân loại giấy khen và thư khen theo cái mốc 100.000 đồng, nhà trường dường như quên rằng, trẻ đâu đã làm ra tiền để đóng góp thật nhiều, cũng quên câu “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” mà Bác Hồ từng dạy. Việc vận động học sinh ủng hộ sẽ là thành công nhất nếu các em thực sự bớt đi phần quyền lợi, tiện nghi mà mình lẽ ra được hưởng để giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ.
Chẳng hạn, cháu A được mẹ hứa cho 30.000 đồng mua sách truyện, nay cháu quyết định đọc ké bạn để nhường số tiền đó cho đồng bào; cháu B lẽ ra cuối tuần được bố đưa đi ăn gà rán, và vì thương các bạn vùng cao nên chịu nhịn món khoái khẩu này… Như vậy mới thực sự là sự ủng hộ của chính đứa trẻ; và khi đó không chỉ đồng bào vùng thiên tai nhận được sự giúp đỡ, mà chính bọn trẻ học được bài học làm người, xã hội đẹp hơn vì có thêm nhiều người tốt…
Đó mới là cái được lớn nhất chứ đâu phải là số tiền thu về mà người lớn mang ra so bì một cách thiển cận!
Việc phát giấy khen hay thư khen không phản ánh chân thực giá trị lòng nhân ái của các em học sinh, nhưng lại vô tình để lộ mặt tối trong cách nghĩ của người lớn, và cũng là một biểu hiện của thói chạy theo thành tích vẫn luôn là căn bệnh trầm kha của ngành Giáo dục.
Để không kéo lùi thành tích của lớp, của trường, trẻ em phải chạy đua để có kết quả học tập “đẹp”, hạnh kiểm tốt, giải thưởng các cuộc thi như vở sạch chữ đẹp… cũng đã đủ áp lực rồi. Xin đừng để lòng tốt cũng lại trở thành một thang đo khiến trẻ phải so bì em nào đáng được khen nhiều, em nào đáng được khen ít nữa!