Ứng dụng thanh toán số vào giao thông thông minh

Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và năm 2030, phấn đấu đạt 5.000 km.

Điểm trông giữ xe ô-tô không dùng tiền mặt tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội). (Ảnh: Báo Công an nhân dân)

Điểm trông giữ xe ô-tô không dùng tiền mặt tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội). (Ảnh: Báo Công an nhân dân)

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô-tô với con số được dự báo lên đến gần 1 triệu ô-tô/năm vào năm 2028 cho thấy nhu cầu tăng cao về hạ tầng và số lượng tài khoản giao thông là tất yếu.

Đầu tư đồng bộ

Theo đánh giá của các chuyên gia, ứng dụng thanh toán số vào giao thông thông minh là xu hướng mạnh mẽ trên toàn cầu vì đặc tính hoạt động giao thông cần an toàn, nhanh chóng và chính xác. Đây là tiềm năng, cơ hội và cũng là thách thức để Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC đầu tư đồng bộ hóa về cơ sở vật chất, công nghệ và nhân lực, phù hợp với định hướng phát triển của ngành giao thông, khẳng định vị thế số 1 về thu phí không dừng (ETC) tại Việt Nam. Ngay từ khi triển khai công nghệ ETC, công ty đã tính toán ngay đến việc nâng cấp và bổ sung tính năng trung gian thanh toán cho tài khoản giao thông và phát triển ví điện tử để mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Với hơn 3,5 triệu xe ô-tô đã được dán thẻ ETC và kích hoạt tài khoản giao thông, chiếm khoảng 70% tổng số hơn 5,5 triệu xe trên cả nước, việc nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán và ứng dụng công nghệ thanh toán số, ví điện tử của VETC được xác định là "mũi tên trúng nhiều đích", đem lại đa lợi ích cho người dùng.

"Việc nâng cấp ví điện tử từ tài khoản giao thông của VETC nhằm gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC, mỗi cá nhân có thể sở hữu 1 ví điện tử trực tiếp, bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC có thể được sử dụng thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, sân bay, giao thông thông minh, dịch vụ trung gian thanh toán cho tiêu dùng khác; đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với giao dịch, số dư tài khoản ETC, bảo đảm công khai minh bạch tài khoản ETC", lãnh đạo VETC đánh giá.

Bước đầu, ví VETC kết nối với 7 ngân hàng và thẻ ATM đăng ký dịch vụ thanh toán trực tuyến của hơn 30 ngân hàng thuộc hệ thống Napas; tiếp tục hoàn tất kết nối với các ngân hàng lớn khác để mở rộng dịch vụ. Thời điểm này, khách hàng có thể sử dụng ví điện tử VETC để thanh toán thêm phí đỗ xe, xăng dầu,… và nhiều dịch vụ khác trong tương lai gần.

Theo thống kê, đến tháng 6/2024, đã có khoảng 2 triệu khách hàng tải về ứng dụng VETC trên điện thoại thông minh, ước tính mỗi ngày có khoảng 800 nghìn lượt truy cập vào ứng dụng. Việc sử dụng ETC góp phần hiện đại hóa hệ thống thanh toán và tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế số. Trong tương lai gần, người dùng ứng dụng có thể sớm được sử dụng đầy đủ các dịch vụ thanh toán do VETC phát triển.

Gửi xe không tiền mặt

Từ thành công của việc triển khai dịch vụ ETC bằng công nghệ RFID trên toàn quốc, VETC tiếp tục ứng dụng công nghệ thanh toán không dừng để thanh toán phí bãi đỗ. Trong thời gian ngắn, VETC đã khẩn trương hoàn thiện bộ giải pháp công nghệ hoàn chỉnh, hướng tới bộ giải pháp thông minh cho bãi đỗ xe không dừng, không tiền mặt. Người dân dễ dàng thanh toán phí gửi xe bằng điện thoại thông minh, không cần chuẩn bị tiền mặt hay thẻ.

Dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt của VETC sau hai tháng triển khai vừa qua đã có những tín hiệu tích cực, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân cũng như tiềm năng phát triển của loại hình này trong tương lai.

Hệ thống ứng dụng công nghệ RFID hiện đại, có thể tự động ghi nhận biển số xe và thanh toán phí qua thẻ Etag gắn trên phương tiện hoặc ví điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn cho cả chủ xe và hạn chế thất thoát doanh thu cho bãi xe. VETC cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm quá trình vận hành diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Các chủ phương tiện không cần phải xuất tiền mặt, dừng chờ thanh toán như trước đây.

Dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt của VETC sau hai tháng triển khai vừa qua đã có những tín hiệu tích cực, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân cũng như tiềm năng phát triển của loại hình này trong tương lai. Hiện tại, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã có gần 100 điểm ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt; trong đó, VETC chiếm hơn 70%, với 78 điểm (gồm 56 điểm trông giữ ô-tô và 22 điểm trông giữ xe máy). Hệ thống đã ghi nhận gần 100 nghìn lượt giao dịch với tổng giá trị hơn 1,5 tỷ đồng; tỷ lệ thanh toán qua ví VETC và mã QR đạt 100%. Chỉ với các điểm trông giữ thí điểm ban đầu, ước tính sơ bộ đã giảm hơn 10 tỷ đồng/năm cho người dân, hơn 4,2 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Đây là những con số ấn tượng, cho thấy sự nhanh nhạy và thích nghi của người dân đối với phương thức thanh toán mới này. Các trường hợp sử dụng tiền mặt chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là người cao tuổi chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện thanh toán qua các ứng dụng.

Ông Trần Ngọc Kiên, Giám đốc dự án chia sẻ, những ngày đầu thí điểm, VETC phải đối mặt với nhiều thử thách do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, với tinh thần không ngại khó, VETC luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến, lấy đó làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống, dịch vụ, cải thiện sự hài lòng của người dân. VETC đã bố trí đội ngũ hỗ trợ tại các bãi xe hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng, đăng ký tài khoản, thực hiện thanh toán và giải đáp mọi thắc mắc liên quan. Trường hợp một số ngân hàng chưa hỗ trợ chuyển khoản với hạn mức thấp 5.000 đồng, VETC đã liên hệ và kiến nghị ngân hàng điều chỉnh hạn mức phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo khảo sát, hầu hết người dân khi trải nghiệm dịch vụ đều ủng hộ vì sự minh bạch và hạn chế tình trạng thu quá mức. Hệ thống tự động hiển thị thời gian đỗ xe và mức phí tương ứng, giảm tranh chấp và bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng. Quét mã thanh toán phí gửi xe trên phố Lý Thường Kiệt, chị Hồng Hạnh (trú tại Nam Thành Công, Hà Nội) chia sẻ: "Thanh toán phí ở bãi gửi xe ứng dụng công nghệ RFID rất nhanh chóng, thuận tiện, nhân viên hỗ trợ rất nhiệt tình. Người dân chúng tôi rất mong muốn dịch vụ sớm được mở rộng ở tất cả các bãi xe trong thành phố".

Những tín hiệu tích cực sau hơn hai tháng thí điểm này là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa dịch vụ trông giữ xe. Cùng với Đề án số 06/CP của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, VETC sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội trong phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số. Bên cạnh đó, VETC đặt mục tiêu triển khai giải pháp tiên tiến này tới các tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian tới. Trong năm nay, ứng dụng sẽ được triển khai tại tất cả thành phố lớn hướng tới đến hết năm 2025 sẽ được nhân rộng trên toàn quốc.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ung-dung-thanh-toan-so-vao-giao-thong-thong-minh-5017988.html
Zalo