Ứng dụng khoa học vào khám, chữa bệnh bà mẹ và trẻ em

Bệnh viện Sản - Nhi An Giang là bệnh viện chuyên khoa hạng II, tuyến chuyên môn cao nhất về khám, chữa bệnh (KCB) trong lĩnh vực sản phụ khoa và nhi khoa của tỉnh, mang trọng trách chăm sóc sức khỏe cho 2 đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội (phụ nữ và trẻ em).

BS.CKII Trần Văn Lời, Giám đốc bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết, bệnh viện có quy mô 450 giường. Khối Sản có nhiều trang thiết bị hiện đại, đi vào hoạt động ổn định, khối Nhi đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân An Giang và các vùng phụ cận. Với khẩu hiệu hành động “An toàn – Thân thiện – Bệnh viện vì dân”, từ những ngày đầu hoạt động, bệnh viện chú trọng nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ. Những nỗ lực này đã mang lại nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe sản phụ khoa, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và sức khỏe trẻ em.

Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu của bệnh viện. Năm 2024, bệnh viện có 28 đề cương nghiên cứu khoa học và 13 sáng kiến cải tiến được Hội đồng Khoa học công nghệ bệnh viện thông qua. Trong đó, Hội nghị Khoa học - kỹ thuật tạo cơ hội cho bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện, thầy cô, chuyên gia bệnh viện tuyến Trung ương, địa phương công bố các công trình nghiên cứu khoa học. Qua đó, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực y tế, tiếp cận và hội nhập với sự phát triển của khoa học thế giới; biểu dương những đề tài nghiên cứu khoa học tiêu biểu, xuất sắc, có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng KCB.

Ban Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang tặng hoa cho báo cáo viên tại Hội nghị khoa học

Ban Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang tặng hoa cho báo cáo viên tại Hội nghị khoa học

Các đề tài được nghiên cứu và báo cáo tại hội nghị gần đây, như: “Tổng quan và mô hình tiên đoán sốt xuất huyết nặng” của PGS.TS.BS. Nguyễn Ngọc Rạng (Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ); “Cập nhật chẩn đoán và xử trí cao áp phổi ở trẻ em” của TS.BS. Hồ Tấn Thanh Bình (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh); “Tim bẩm sinh: Hiện tại và phát triển tại khoa Phẫu thuật tim trẻ em" (Bệnh viện Chợ Rẫy) của TS.BS.CKII Lê Thành Khánh Vân (Trưởng khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Chợ Rẫy); “Chẩn đoán và dự phòng sanh non” của BS.CKII Hồ Viết Thắng (Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Hùng Vương)... Qua đó, cập nhật tiến bộ y học mới nhất trong lĩnh vực sản phụ khoa và nhi khoa, giúp chuyên gia, bác sĩ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn.

Mang tâm huyết chia sẻ với đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng ở An Giang, PGS.TS.BS Nguyễn Ngọc Rạng cho biết, sốt xuất huyết Dengue gây biến chứng nặng nề là sốc, bởi hiện tượng thất thoát huyết tương. BS Rạng chia sẻ mô hình dự đoán sốc sốt xuất huyết dựa vào siêu âm; 2 loại vaccine ngừa sốt xuất huyết đã được phê duyệt (Dengvaxia và Qdenga); 4 chỉ số xét nghiệm dự đoán sốc sốt huyết là: Albumin, AST, APTT (INR) và natri máu; 3 dấu hiệu siêu âm dự đoán sốc xuất huyết (dịch morison, dịch dưới cơ hoành (bao gan) và dày thành túi mật).

Qua nghiên cứu, điều trị trên 248 trẻ sơ sinh non tháng (từ 26 - 34 tuần), BS Trần Phú Quý (Khoa ICU, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang) kết luận: Xuất viện 222 trẻ (89,5%), nặng xin về 17 trẻ (6,9%), tử vong 9 trẻ (3,6%). Các yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong là nhiễm khuẩn huyết, sốc, cân nặng lúc sinh thấp (p < 0,05). Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. BS Quý kiến nghị tăng cường sử dụng corticoid trước sinh cho sản phụ dọa sinh non, cải thiện chăm sóc trẻ ngay sau sinh, tăng cường phòng ngừa nhiễm khuẩn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, ổn định huyết động, hỗ trợ hô hấp phù hợp và kịp thời.

BS.CKI Lê Minh Châu (Khoa Sanh cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang) chia sẻ tỷ lệ nguy cơ cao tiền sản giật của sản phụ đến khám tại bệnh viện chiếm 9,1%. Yếu tố nguy cơ cao gồm: Tiền sử tiền sản giật, đa thai, tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường type 1 hoặc 2, bệnh thận, bệnh tự miễn. Qua đó kiến nghị, tiếp tục áp dụng chiến lược tầm soát tiền sản giật thai phụ; cân nhắc các yếu tố này khi đánh giá nguy cơ tiền sản giật, sử dụng Aspirin dự phòng cho bệnh nhân.

Với sứ mệnh thiêng liêng, ngành y tế và người dân kỳ vọng Bệnh viện Sản - Nhi An Giang tiếp tục học tập, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chẩn đoán, điều trị sản phụ khoa, với mục tiêu giảm tử vong mẹ và sơ sinh, giảm tai biến sản khoa và cải thiện hiệu quả điều trị bệnh lý phụ khoa.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-dung-khoa-hoc-vao-kham-chua-benh-ba-me-va-tre-em-a408924.html
Zalo