Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Các hợp tác xã tại Bình Dương đã và đang tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại trong trồng trọt và chăn nuôi; đồng thời không ngừng nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và đẩy mạnh phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị cho nông sản địa phương. Đây không chỉ là bước chuyển đổi cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn là chiến lược giúp nông sản của tỉnh khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51437139/4448f47acf34266a7f25.jpg)
Các hợp tác xã tại Bình Dương tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Vườn bưởi của Hợp tác xã Minh Hòa Phát
Đổi mới phương thức, gia tăng sức cạnh tranh
Nhằm nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng phát triển hiện nay, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh không chỉ mở rộng quy mô sản xuất mà còn chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật không chỉ giúp nông sản của Bình Dương đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế mà còn làm thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; thể hiện cam kết của Bình Dương hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, linh hoạt và thích ứng tốt với những xu hướng tất yếu của thời đại.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và thay đổi xu thế tiêu dùng, mục tiêu của ngành là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên hơn và ít sức lao động hơn. Ngành nông nghiệp tỉnh nhà hướng đến tối ưu hóa giá trị bằng cách tận dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và tổ chức sản xuất một cách bền vững từ kỹ thuật đến quản lý.
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao đang tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp tại Bình Dương. Tại các vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương đã giúp giảm thiểu đáng kể lượng nước sử dụng, đồng thời tăng năng suất cây trồng. Giải pháp này đưa nước và dinh dưỡng cung cấp trực tiếp đến rễ cây một cách chính xác, tránh lãng phí và hạn chế sự phụ thuộc vào thời tiết thất thường.
Nâng tầm thương hiệu
HTX Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) hiện nay có diện tích trồng cam, bưởi 150 ha. HTX đang chuyển đổi diện tích trồng cam, quýt sang trồng bưởi da xanh và sầu riêng. Để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và sức lao động, thời gian qua HTX đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào canh tác. Đến nay, 100% diện tích cây trồng của HTX đều sử dụng hệ thống tưới tự động. Bưởi da xanh của HTX cho thu hoạch 30 tấn/ha, sầu riêng 25 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi thành viên HTX có thu nhập 450-500 triệu đồng/năm.
Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Minh Hòa Phát, cho biết HTX sản xuất bưởi da xanh theo quy trình VietGAP. Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo đảm chất lượng cao, an toàn sức khỏe nên sản phẩm của HTX được khách hàng ưa chuộng. Năm 2023, sản phẩm bưởi của HTX được công nhận OCOP 3 sao, qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Đặc biệt, các thành viên HTX đã mạnh dạn chế biến sản phẩm bưởi OCOP thành rượu bưởi giúp kéo dài thời gian sử dụng, thích ứng xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
HTX Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) cũng áp dụng tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân, giúp các thành viên vừa tiết kiệm thời gian vừa giảm chi phí sản xuất. Nhớ áp dụng công nghệ tưới này, HTX đã cải thiện đáng kể năng suất và chất lượng cây trồng, giúp sản phẩm của HTX không chỉ được ưa chuộng tại địa phương mà còn mở rộng ra nhiều thị trường khác, từng bước xây dựng chuỗi giá trị bền vững và hướng đến thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến, cho hay: “Chúng tôi luôn cố gắng áp dụng các giải pháp công nghệ mới. Tưới nhỏ giọt không chỉ giúp giảm nước mà còn bảo đảm cây trồng nhận đủ dinh dưỡng vào đúng thời điểm, điều này đặc biệt quan trọng trong mùa khô hạn”.
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại trong ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế tuần hoàn trở thành chiến lược trọng tâm của Bình Dương hiện nay.
Các HTX tại Bình Dương cũng nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và đẩy mạnh phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị cho nông sản địa phương. HTX An Sơn (TP.Thuận An) nổi tiếng với đặc sản măng cụt Lái Thiêu, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, châu Âu. Thành công này có được là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, cùng với việc không ngừng cải tiến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng đạt chuẩn quốc tế. Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc HTX An Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng thị trường hiện đại đòi hỏi minh bạch và truy xuất nguồn gốc. Việc đạt chứng nhận VietGAP và mã vùng trồng đã giúp sản phẩm của HTX đứng vững trên thị trường trong nước, mở rộng ra thị trường nước ngoài”.
Hiện nay, các HTX còn chú trọng xây dựng các kênh quảng bá trực tuyến để tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiệu quả. Những thông tin về sản phẩm và quy trình sản xuất được công khai trên trang điện tử của HTX giúp tăng độ tin cậy và thu hút nhiều đối tác kinh doanh hơn.
Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ mang lại nhiều lợi ích cho các HTX, như: Giảm rủi ro thị trường, ổn định đầu ra, giúp HTX chủ động hơn trong việc phát triển kế hoạch dài hạn. Thương hiệu uy tín cũng tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Dương trên thị trường quốc tế. Nhờ vậy, các HTX, như HTX An Sơn không chỉ thành công trong việc bảo tồn và phát triển đặc sản địa phương mà còn mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.