Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển lâm nghiệp
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đã chủ động, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Việc ứng dụng KHCN là giải pháp quan trọng giúp người dân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia trồng rừng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa và phát triển rừng bền vững.

Ứng dụng công nghệ, sử dụng phần mềm đã giúp cán bộ kiểm lâm có thể theo dõi biến động của rừng từ xa qua hình ảnh vệ tinh.
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Với các chương trình trồng rừng, muốn đạt thành công thì việc đầu tiên không thể thiếu là chọn giống cây trồng thích hợp. Vì vậy, việc ứng dụng KHCN trong nghiên cứu sản xuất về giống cây trồng, đánh giá khả năng thích ứng, sinh trưởng và phát triển của các loại cây lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu tăng năng suất và chất lượng, mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu giấy.
Xác định mục tiêu cung ứng nguồn giống cây nguyên liệu giấy chất lượng, năng suất cao, Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam, có địa chỉ tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN và từng bước ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.
Viện tập trung ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm tạo ra các giống cây trồng lâm nghiệp mới đáp ứng mục đích kinh doanh như: Bạch đàn, keo lai... Cùng với đó, Viện tiếp tục triển khai chọn và dẫn giống, lai giống để tìm ra những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt nhằm bổ sung nguồn giống cho Quốc gia; nghiên cứu về mật độ trồng rừng, làm đất, phân bón, trồng rừng hỗn giao... Từ đó xây dựng được các quy trình trồng rừng thâm canh áp dụng cho các vùng trồng rừng nguyên liệu giấy. Với những thành công trong công tác chọn, tạo, nhân giống và áp dụng những thành quả vào sản xuất, hàng năm Viện sản xuất gần 3 triệu cây mầm mô phục vụ nhu cầu trồng rừng. Trong đó cung cấp cho tỉnh Phú Thọ gần 2 triệu cây mầm mô. Dự kiến đến hết năm 2025, Viện sản xuất khoảng 6 triệu cây mầm mô.
Ông Nguyễn Văn Hiên - Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy chia sẻ: “Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chọn tạo cây giống là biện pháp rất quan trọng để đạt năng suất cao. Để có được giống cây tốt cho trồng rừng, ngoài tuyển chọn các giống thích hợp, thì việc nghiên cứu tạo ra những giống mới ở Viện có các đặc tính mong muốn và các biện pháp nhân giống, sản xuất các giống đó với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu trồng rừng là rất cần thiết”.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng flycam (thiết bị bay không người lái), camera tích hợp AI... để giám sát diện tích rừng, phát hiện vùng cháy rừng. Các thiết bị bay không người lái được trang bị các cảm biến và hệ thống GPS, cho phép thu thập dữ liệu liên tục về rừng, giúp phân tích và đưa ra các quyết định quản lý rừng hiệu quả hơn. Thông qua việc sử dụng flycam, có thể thu thập dữ liệu về độ cao, độ đa dạng của rừng và các dữ liệu khác nhau để xác định tình trạng của rừng và phát hiện sớm các dấu hiệu của cháy rừng. Công nghệ này giúp giảm thiểu nhân lực, tiết kiệm thời gian so với các phương pháp giám sát rừng truyền thống. Hiện việc áp dụng flycam giám sát rừng tại VQG Xuân Sơn đã mang lại hiệu quả đáng kể cho quá trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Khi thiết bị này có thể bay xuyên qua các khu rừng, di chuyển tới các vị trí con người khó tiếp cận để thu thập dữ liệu và hình ảnh, giúp cho các nhà quản lý rừng có thể thu thập được dữ liệu chính xác.
Nhờ được trang bị các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, giám sát, bảo vệ rừng ở VQG Xuân Sơn ngày càng hiệu quả, giúp giảm bớt áp lực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và cộng đồng nhận khoán. Công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng; khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Có thể nói, việc ứng dụng KHCN không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng rừng, đơn vị và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất cây giống ở Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ
Với tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 188.000ha, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng ứng dụng KHCN vào phát triển lâm nghiệp trên địa bàn với việc rất nhiều đề tài, dự án được triển khai, đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đã được nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật về quản lý, gây trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác, chế biến lâm sản cũng được đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất.
Hàng năm, tỉnh trồng mới gần 10.000ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây trồng phân tán toàn tỉnh đạt gần 800.000m3 gỗ/năm; tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo. Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng với các loài cây bản địa đã góp phần cải tạo môi trường sinh thái, bảo tồn các nguồn gen quý, hiếm, tạo đà cho du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển lâm nghiệp của tỉnh và khu vực.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động KHCN, đặc biệt chú trọng tới các lĩnh vực giống, kỹ thuật lâm sinh, chế biến lâm sản và quản lý rừng bền vững, đi đôi với việc xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN đủ mạnh, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng tăng của phát triển lâm nghiệp. Tập trung tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất, ưu tiên tập trung trên một số lĩnh vực: Giống, công nghệ sinh học, chế biến gỗ. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN trong phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là chất lượng giống cây trồng, các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng. Đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Cùng với đó nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp, có hiệu quả đã được khẳng định. Phát triển các mô hình chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các chủ rừng, hỗ trợ nông dân tiếp cận các thành tựu KHCN, quản lý sản xuất và thông tin thị trường.
Đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng, quản lý rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Đào tạo, bồi dưỡng để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nghệ đủ về số lượng, có trình độ kỹ thuật cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, phục vụ các chương trình, đề án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tranh thủ đưa những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất...”.