Ứng dụng hiệu quả Bộ Pháp điển vào đời sống, tăng cường truyền thông chính sách

Việc công bố và đưa Bộ Pháp điển Việt Nam vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để tăng cường truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, đồng thời tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Công cụ khai thác, tra cứu quy định pháp luật miễn phí, hiệu quả

Ngày 5/11 vừa qua, Bộ Tư pháp đã chính thức công bố Bộ Pháp điển Việt Nam. Sự kiện này nhận được sự quan tâm rất lớn của giới chuyên gia cũng như dư luận.

Bộ Pháp điển Việt Nam là bộ pháp điển điện tử, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) phục vụ việc tra cứu, khai thác, sử dụng miễn phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bộ Pháp điển được kỳ vọng sẽ giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật, qua đó góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và nâng cao trình độ pháp lý của người dân.

Chia sẻ về quá trình xây dựng Bộ Pháp điển với một hệ thống văn bản đồ sộ, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thông tin, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL), tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển.

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Để triển khai xây dựng Bộ Pháp điển, ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ Pháp điển, xác lập lộ trình xây dựng Bộ Pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (2014-2023). Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực để bảo đảm công tác xây dựng Bộ Pháp điển hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.

Bộ Pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9 nghìn văn bản QPPL đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic.

Sau 10 năm triển khai, thực hiện, đến nay đã có 265/271 đề mục được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng. Có thể nói, Bộ Pháp điển cơ bản đã hoàn thành.

“Vượt qua nhiều khó khăn, cùng sự vào cuộc tích cực của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, Bộ Pháp điển đã hoàn thành vượt tiến độ so thời hạn 10 năm mà Chính phủ giao, đến cuối năm 2022 đã hoàn thành 98%, coi như đã vượt tiến độ 1 năm”, ông Nguyễn Duy Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, về cơ bản, Bộ Pháp điển có cấu trúc hợp lý, khoa học và bảo đảm tính logic; việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi.

Bước đầu, Bộ Pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Cho đến nay đã có gần 2 triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 5.000 lượt truy cập.

Ông Thắng nhấn mạnh, việc công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, đồng thời mở ra những nguồn lực, tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật, tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đánh giá cao sự ra đời cũng như vai trò, ý nghĩa quan trọng của Bộ Pháp điển, luật sư, TS Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Bộ Pháp điển, giới luật sư Hà Nội rất đón nhận Bộ Pháp điển và bước đầu ứng dụng mang lại hiệu quả tích cực.

Theo ông, Bộ Pháp điển có ý nghĩa lớn, khi chuyển đổi từ sử dụng tài liệu thủ công sang tài liệu số, qua đó giúp tăng tốc độ tra cứu cũng như tăng tính hiệu quả, phù hợp công việc hằng ngày của luật sư, vốn phải liên tục tra cứu các văn bản QPPL hằng ngày.

TS Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

TS Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phân tích kỹ hơn TS Đào Ngọc Chuyền nêu rõ, về cơ bản, Bộ Pháp điển đã được các bộ, ngành xây dựng bảo đảm đúng với các quy định của pháp luật. Chất lượng của Bộ Pháp điển thể hiện ở 2 yếu tố cơ bản là tính “khoa học, logic” và tính “đúng, đủ, sạch, sống”.

Các quy định trong Bộ Pháp điển hiện nay được sắp xếp một cách khoa học, logic, giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm được dễ dàng, thuận lợi.

Tính “đúng” và “đủ” được thể hiện ở độ chính xác cao, bởi Bộ Pháp điển là sản phẩm chính thức của Nhà nước, do các bộ, ngành thực hiện và được Chính phủ xem xét thông qua theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, bảo đảm chứa đựng đầy đủ các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành đang còn hiệu lực.

Tính “sạch” được thể hiện qua việc trong quá trình thực hiện pháp điển, trường hợp phát hiện có quy định mâu thuẫn, chồng chéo thì được các cơ quan tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý (bằng hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ) rồi mới đưa vào Bộ Pháp điển.

Đặc biệt, TS Đào Ngọc Chuyền nhấn mạnh, các quy định trong Bộ Pháp điển luôn “sống”, nghĩa là quy định hết hiệu lực được kịp thời loại bỏ ra khỏi Bộ Pháp điển, đồng thời, các quy định mới ban hành được kịp thời cập nhật, giúp Bộ Pháp điển mang hơi thở cuộc sống, tiếp cận phù hợp với các dự báo tương lai.

Đưa Bộ Pháp điển ứng dụng hiệu quả hơn vào đời sống

Là người hằng ngày tư vấn những tình huống pháp lý cụ thể cho người dân, luật sư Đào Ngọc Chuyền cho rằng, người dân có thể dễ dàng áp dụng những thông tin pháp luật được tra cứu từ Bộ Pháp điển vào các tình huống gặp phải hằng ngày.

Đối với tình huống cụ thể, đơn giản, người dân có thể áp dụng trực tiếp các quy định của pháp luật như: Đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thì bị phạt thế nào, hồ sơ cấp chứng chỉ luật sư gồm các loại giấy tờ gì, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện ra sao.

“Đối với các tình huống đơn giản này thì chúng ta không cần đến luật sư. Bộ Pháp điển sẽ giúp người dân tìm kiếm được đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật để áp dụng trực tiếp vào thực tiễn”, TS Chuyền cho hay.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng, đối với các tình huống phức tạp như các vụ án có nhiều tình tiết, trường hợp này đòi hỏi phải có tư duy pháp lý, phải hiểu biết sâu và rộng về pháp luật và áp dụng pháp luật.

Người dân bình thường khó có thể áp dụng pháp luật một cách đầy đủ, chuẩn xác vào những tình huống này. Do đó, việc nhờ luật sư tư vấn, giải thích, hướng dẫn là điều cần thiết. Trong quá trình nghiên cứu, tư vấn pháp luật, các luật sư có thể khai thác những tiện ích mà Bộ Pháp điển mang lại.

Các quy phạm pháp luật được sắp xếp trong Bộ Pháp điển theo một trật tự khoa học, logic, giúp các luật sư dễ dàng trong tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật. Qua đó, vừa bảo đảm tính áp dụng pháp luật được chính xác và giảm công sức, thời gian tìm kiếm, áp dụng pháp luật, cũng như hạn chế rủi ro trong việc áp dụng, tư vấn pháp luật.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi hơn nữa cho việc ứng dụng Bộ Pháp điển vào đời sống, Bộ Tư pháp đang có kế hoạch đẩy mạnh số hóa, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ hoạt động pháp điển.

Chia sẻ cụ thể hơn về lộ trình này, ông Nguyễn Duy Thắng cho biết, do Bộ Pháp điển đã được số hóa nên việc dùng AI sẽ giúp sử dụng Bộ Pháp điển đạt hiệu quả tốt nhất. Theo đó, Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh AI vào sử dụng trong năm 2025, đặc biệt sẽ phát triển một ứng dụng di động trong năm sau để giúp Bộ Pháp điển thực sự “sống” ngay trong mỗi thiết bị di động của người dân.

Theo ông Thắng, để khai thác Bộ Pháp điển một cách hiệu quả nhất, có thể dùng AI đề tìm và tư vấn pháp luật, thí dụ tìm theo từ khóa về các quy định hiện hành, hoặc tìm theo các nội dung tương đồng, tư vấn tình huống (như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…), tức quá trình này đã đóng vai trò như một “luật sư AI”.

Bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Về phía các bộ, ngành, chia sẻ về quá trình triển khai thực hiện công tác pháp điển tại đơn vị mình, bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bộ được giao chủ trì thực hiện pháp điển 2 đề mục là đề mục Giáo dục và Giáo dục đại học, được đánh giá là phức tạp với số lượng văn bản lớn. Việc thực hiện pháp điển đối với 2 đề mục này đã được tiến hành khá công phu.

Qua quá trình thực hiện pháp điển 2 đề mục này, bộ đã đồng thời triển khai hiệu quả công tác rà soát, xử lý văn bản nhằm mục tiêu “làm sạch” hệ thống văn bản QPPL về giáo dục và giáo dục đại học. Từ thực tiễn triển khai công tác pháp điển tại bộ có thể khẳng định vai trò, ý nghĩa, tác động tích cực của công tác này đối với quá trình hoàn thiện pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã lồng ghép tổ chức phổ biến, giới thiệu Bộ Pháp điển tại nhiều hội nghị, hội thảo của bộ để các công chức thuộc bộ biết đến và khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển một cách hiệu quả.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-dung-hieu-qua-bo-phap-dien-vao-doi-song-tang-cuong-truyen-thong-chinh-sach-post846251.html
Zalo