Ứng dụng gói canh tác tiên tiến trên giống lúa Gia Lộc 516

Từ năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa Gia Lộc 516. Qua 3 năm đưa vào ứng dụng đã giúp nông dân nhiều địa phương thay đổi tập quán, thói quen canh tác, trong đó, đặc biệt là đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường hơn; mang lại năng suất, chất lượng cao và an toàn với người sản xuất, người tiêu dùng.

Tổ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu, bệnh gây hại tại mô hình ở xã Minh Tiến (Phù Cừ)

Tổ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu, bệnh gây hại tại mô hình ở xã Minh Tiến (Phù Cừ)

Năm 2024 là năm thứ 3, người dân xã Dị Chế (Tiên Lữ) đưa giống lúa Gia Lộc 516 vào canh tác trên đồng ruộng. Ngoài các diện tích tham gia theo mô hình do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần triển khai, nhiều hộ dân địa phương khi thấy sự ưu việt của giống lúa cũng như gói kỹ thuật canh tác tiên tiến đã chủ động thực hiện nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, xã Dị Chế có 25 héc-ta lúa thực hiện mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa Gia Lộc 516. Toàn bộ diện tích gieo cấy giống lúa Gia Lộc 516 trong mô hình được cấy máy, được tổ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra để hướng dẫn bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó, sử dụng máy bón phân, phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Phương pháp này giúp việc chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại hiệu quả tốt hơn và đặc biệt là nông dân không phải khoác bình phun thuốc BVTV cho từng thửa ruộng vừa vất vả, vừa không đồng loạt khiến hiệu quả phòng, trừ không cao. Ứng dụng cơ giới hóa giúp nông dân nhàn hơn với chi phí đầu tư hợp lý, thậm chí thấp hơn so với phương thức canh tác truyền thống dựa vào sức người vì cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh gây hại, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, thơm.

Đồng chí Hoàng Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dị Chế cho biết: Vụ xuân năm 2024, hầu hết các diện tích trong mô hình ứng dụng của xã chỉ phải phun thuốc BVTV 1- 2 lần, và cho năng suất đạt 230 – 250kg/sào. Vụ mùa năm 2024, do ảnh hưởng của mưa bão nên năng suất giảm nhưng so với các giống lúa khác ở địa phương thì các diện tích trong mô hình vẫn thích ứng tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết như: Cứng cây, chống đổ, chịu úng. Cuối vụ mùa thường là thời điểm rầy nâu gây hại phát triển mạnh, tuy nhiên tại mô hình, do được cấy máy, chăm sóc đúng kỹ thuật nên gốc lúa thông thoáng và được phun phòng đồng loạt, đúng thời điểm nên mật độ rầy nâu ít, có diện tích chưa thấy xuất hiện.

Sau mưa bão, nhiều nông dân lo lắng khi các diện tích lúa bị đổ, ngập úng ảnh hưởng đến năng suất nhưng đối với các hộ nông dân tham gia mô hình tại thôn Kim Phương, xã Minh Tiến (Phù Cừ), nỗi lo đã được giảm bớt khi hầu hết các diện tích lúa không bị đổ. Đến nay, lúa đã chín đỏ đuôi, chuẩn bị cho thu hoạch với năng suất ước đạt 180 – 200kg/sào. Bà Bùi Thị Vị, một hộ tham gia mô hình ở thôn Kim Phương chia sẻ: Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến để áp dụng vào thực tế canh tác của gia đình. Chúng tôi áp dụng cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất như: Làm đất, gieo cấy, bón phân, phun thuốc BVTV, thu hoạch. Chúng tôi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh kết hợp phân NPK, phân phân giải chậm và sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Với phương thức canh tác mới, nông dân nhàn hơn và có thể áp dụng trên nhiều giống lúa và cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong khi nhiều diện tích lúa vụ mùa tại địa phương bị thiệt hại nặng do mưa bão thì các diện tích lúa trong mô hình của gia đình tôi và các hộ khác ở thôn đều sinh trưởng, phát triển tốt, lúa hầu như không bị đổ, bông lúa dài, hạt mẩy, năng suất vẫn đạt khoảng 2 tạ/sào.

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV tại mô hình ở xã Mai Động (Kim Động)

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV tại mô hình ở xã Mai Động (Kim Động)

Việc ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp nông dân tiếp cận với giống lúa mới, kỹ thuật canh tác mới để đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải phóng sức lao động. Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiến tới hình thành các vùng sản xuất lúa quy mô lớn, góp phần bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp triển khai thực hiện mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa Gia Lộc 516 tại 5 xã của 4 huyện gồm: Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Văn Lâm với quy mô 200 héc-ta (vụ xuân 100 héc-ta, vụ mùa 100 héc-ta). Tại các mô hình áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến và quản lý dịch hại tổng hợp giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng lúa nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Qua quá trình triển khai ứng dụng mô hình tại các địa phương cho thấy, lúa Gia Lộc 516 có khả năng chống chịu sâu, bệnh hại, cứng cây và chống đổ tốt hơn so với giống đối chứng Bắc thơm số 7. Năng suất lúa đạt 230-250kg/sào (vụ xuân) và 180 – 200kg/sào (vụ mùa), cao hơn 15-25% so với giống đối chứng Bắc thơm số 7. Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp và PTNT, các trung tâm, viện nghiên cứu cập nhật, lựa chọn các giống lúa tốt kết hợp với kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp với mục tiêu sản xuất của tỉnh để khảo nghiệm, phát triển, ứng dụng trong sản xuất.

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ung-dung-goi-canh-tac-tien-tien-tren-giong-lua-gia-loc-516-3175708.html
Zalo