Ứng dụng công nghệ vào tòa soạn báo: Đầu tư cơ bản tạo thay đổi lớn
Theo chuyên gia, muốn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào tòa soạn thì cơ quan báo chí cần làm được những cái cơ bản đã đem lại sự thay đổi lớn.
Ngày 16-3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc của Hội Báo toàn quốc 2024 tiếp tục diễn ra bốn phiên thảo luận với các chủ đề: đầu tư, ứng dụng công nghệ; đa dạng nguồn thu báo chí...
Tại phiên thảo luận về đầu tư, ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí đã trao đổi kinh nghiệm, bàn giải pháp để ứng dụng công nghệ AI vào làm báo.
Theo bà Nguyễn Dương, chuyên gia Chương trình Google News Initiative, Tập đoàn Google, cần củng cố, tối ưu các công cụ của mình. “Khi có nền tảng vững vàng thì những đổi mới công nghệ sẽ được thực hiện dễ dàng hơn” - bà Dương góp ý.
Bà Dương khẳng định để tăng hiệu quả tiếp cận bạn đọc của báo chí, các cơ quan báo chí cần hiểu độc giả của mình. Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, mở rộng phân phối, phát triển doanh thu và xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo.
Đồng ý với ý kiến này, ông Lee Kah Whye, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA), cho biết phần nhiều các cơ quan báo chí trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, đang trong quá trình đầu tư, ứng dụng công nghệ vào việc làm báo.
Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí đang bỏ qua việc đầu tư cơ bản về mặt công nghệ để ưu tiên cho những cải tiến mới. “Đôi lúc chỉ cần cơ quan báo chí làm được những cái cơ bản đã đem lại sự thay đổi lớn. Sau khi đã đầu tư bài bản thì việc đổi mới công nghệ sẽ càng dễ dàng hơn” - ông Lee Kah Whye nói.
Đối với những cơ quan báo chí vừa và nhỏ, ông Lee Kah Whye tư vấn nên bắt đầu xây dựng mô hình tòa soạn từ những phần mềm, dữ liệu miễn phí.
“Có những các cơ quan báo chí muốn chuyển dịch nhanh nên đầu tư thuê hệ thống lớn về công nghệ. Tuy nhiên do chưa hiểu, chưa làm chủ được công nghệ dẫn đến dễ trì trệ trong phát triển. Các cơ quan báo chí nhỏ và mới nên bắt đầu một cách từ từ để hiểu rõ mình đang thiếu gì, cần gì và điều chỉnh dần dần. Đó mới là hướng phát triển bền vững” - ông Lee Kah Whye gợi ý.
Mặt khác, nhà báo Trần Việt Hưng, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đề xuất cần xây dựng nền tảng quốc gia về dữ liệu dùng chung, đặc biệt là xây dựng về hạ tầng.
“Nghị định 73/2019 đang lấy ý kiến sửa đổi hy vọng tháo gỡ được những vấn đề trong đó. Nếu hạ tầng chung được đưa vào sử dụng sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc công việc cho các cơ quan báo chí” - ông Hưng nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi có nên đầu tư AI trong việc làm báo, ông Hưng cho rằng câu trả lời tập trung vào giá trị cốt lõi của báo chí và độc giả. “AI giúp chúng ta hiểu độc giả, hiện tại ít cơ quan có đủ công cụ hiểu được độc giả của mình là ai” - ông Hưng nói.
Chiều nay, Diễn đàn Báo chí toàn quốc sẽ tổ chức tiếp tục 3 phiên thảo luận về năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thế giới AI; mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo; bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số. Diễn đàn bế mạc vào lúc 16 giờ.