Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, Ajinomoto tăng gấp đôi năng suất khoai mì

Dự án 'Khoai mì bền vững' của Ajinomoto Việt Nam đang chứng minh những thành quả khi giúp người nông dân giảm chi phí, tăng năng suất khoai mì và nhiều tác động tích cực đến môi trường.

Nhiều cánh đồng khoai mì khởi sắc

Một trong những người tiên phong tham gia Dự án “Khoai mì bền vững” từ tháng 4/2023, anh Phan Đình Huynh (phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ hành trình của mình. Ban đầu, anh chỉ trồng thử nghiệm giống khoai mì mới HN1 trên diện tích 1.000 m2. Nhận thấy hiệu quả sau một mùa thu hoạch, anh quyết định dành toàn bộ khu đất đỏ rộng 28 ha tham gia dự án.

Anh Phan Đình Huynh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ hành trình tham gia dự án Khoai mì Bền vững của Ajinomoto Việt Nam

Anh Phan Đình Huynh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ hành trình tham gia dự án Khoai mì Bền vững của Ajinomoto Việt Nam

“Từ ngày trồng giống HN1, sản lượng thu hoạch tăng gần gấp đôi so với sản lượng trước đây. Mỗi gốc cây cho chùm củ nặng hơn 3 kg, mỗi ha trồng được 13.000 cây, thu về hơn 40 tấn củ” - anh Huynh chia sẻ.

Cách đó vài km, tại phường Phước Hòa, anh Nguyễn Văn Mạnh cũng dành 40 ha đất để trồng giống HN1. Anh cho biết, với giống cây mới và phương pháp canh tác từ Dự án, anh tiết kiệm 15% chi phí đầu vào (từ 20 xuống còn 17 triệu đồng/ha), trong khi năng suất tăng gấp đôi (từ 18-20 tấn/ha tăng lên 39-41 tấn/ha), nên đời sống cũng khá hơn.

Đưa công nghệ, kỹ thuật và phân bón sinh học vào từng ruộng mì

Dự án “Khoai mì bền vững” đã được Ajinomoto Việt Nam triển khai từ tháng 4/2023 tại bốn tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ban đầu, dự án thí điểm trên 78,3 ha với sự tham gia của 27 hộ nông dân. Đến năm thứ hai, diện tích triển khai đã mở rộng lên 503,3 ha.

Giải pháp của Dự án là thay thế giống cũ bằng giống khoai mì mới do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam nghiên cứu. Sau khi giống cây được phát triển, Ajinomoto Việt Nam tiếp tục theo dõi tại vườn thực nghiệm trong khuôn viên nhà máy để đảm bảo hiệu quả rồi mới giới thiệu cho nông dân. HN1 ra đời để chống lại bệnh khảm lá và đem lại hàm lượng tinh bột cao (28-30%), nâng cao năng suất. Ngoài ra, đặc tính thân thẳng của giống mới còn giúp người nông dân dễ cơ giới hóa công tác chăm sóc và thu hoạch, giảm chi phí sản xuất.

Nông dân hăng hái thu hoạch những cánh đồng khoai mì đạt năng suất cao

Nông dân hăng hái thu hoạch những cánh đồng khoai mì đạt năng suất cao

Bên cạnh giống mới, dự án cập nhật kỹ thuật canh tác mới, hướng đến cả tăng năng suất cây trồng cũng như tính bền vững cho môi trường. Thay vì phân bón hóa học, người nông dân sẽ chuyển sang bón lót và bón thúc bằng phân bón sinh học AMI-AMI α, phân bón hữu cơ sinh học sAMI - các loại phân bón này là sản phẩm đồng hành trong quá trình sản xuất bột ngọt Ajinomoto. Loại phân bón sinh học này vừa cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây vừa gia tăng hữu cơ trong đất, hướng tới việc canh tác bền vững, giúp nâng cao năng suất và ổn định.

Thêm vào đó, ứng dụng 'Khoai Mì - Aji' trên điện thoại thông minh do chính Ajinomoto triển khai, đã thêm công cụ giúp nông dân trồng khoai mì thuận tiện theo dõi quá trình canh tác, phát hiện sâu bệnh kịp thời, và kết nối cộng đồng nông dân, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trồng khoai mì.

Ajinomoto Việt Nam phát triển ứng dụng “Khoai mì Aji” để hỗ trợ nông dân chăm sóc cây khoai mì

Ajinomoto Việt Nam phát triển ứng dụng “Khoai mì Aji” để hỗ trợ nông dân chăm sóc cây khoai mì

Những con số ấn tượng đầy triển vọng

Đặc biệt, để nông dân an tâm sản xuất, Ajinomoto Việt Nam hỗ trợ kết nối với các đơn vị thu mua. Theo thống kê từ Ajinomoto, sau 24 tháng triển khai, năng suất khoai mì của các hộ nông dân tham gia dự án đạt trung bình 41 tấn/ha, tức gấp đôi so với phương pháp truyền thống. Thu nhập của nông dân từ khoai mì tăng 150-200% và lượng phát thải CO2 giảm 141 tấn trong năm 2024.

Hướng tới mục tiêu dài hạn, Ajinomoto Việt Nam dự kiến mở rộng diện tích trồng khoai mì lên 20.000 ha vào năm 2030, đồng thời giảm phát thải khoảng 5.600 tấn CO2 mỗi năm. Bên cạnh đó, toàn bộ nguồn nguyên liệu bột mì cho hoạt động sản xuất của Ajinomoto sẽ được thu mua từ các hộ dân tham gia dự án, đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất.

Ông Lê Trọng Tuấn, Trưởng phòng Phát triển Nông nghiệp, nhấn mạnh: “Bằng cách nâng cao năng suất cây khoai mì, chúng tôi bảo đảm được nguồn nguyên liệu tinh bột mì phục vụ cho việc sản xuất. Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn, mà trong đó tất cả các bên liên quan đều được hưởng lợi và cùng nhau góp phần làm cho trái đất của chúng ta xanh, sạch hơn”.

CTV Bảo Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h/ung-dung-cong-nghe-vao-nong-nghiep-ajinomoto-tang-gap-doi-nang-suat-khoai-mi-post1199333.vov
Zalo