Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm
Ninh Thuận, vùng đất nắng gió đặc trưng của dải đất miền trung, không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan hùng vĩ mà còn là nơi trú ngụ của một hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Vườn quốc gia Phước Bình và Núi Chúa được xem là 'kho báu' đa dạng sinh học, với hàng nghìn loài động, thực vật đặc hữu, trong đó không ít loài nằm trong danh sách nguy cấp. Tuy nhiên, sức ép từ các hoạt động khai thác tài nguyên, săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu đã đặt các hệ sinh thái quý giá này vào tình trạng báo động.
Tại tỉnh Ninh Thuận các loài thực vật và động vật hoang dã đã và đang đối mặt với nhiều sức ép từ các hoạt động của con người như: săn bắn, bẫy bắt, khai thác quá mức. Nơi sống của chúng bị chia cắt do tác động của con người, một số loài quan trọng đã và đang suy giảm với số lượng quần thể ít dần. Hầu hết các ghi nhận này đã được thu thập ít nhất 10 hay vài chục năm trước đây. Tình trạng quần thể, vị trí phân bố của hầu hết các loài, đặc biệt các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, không được đánh giá đầy đủ bằng các cơ sở dữ liệu có hệ thống. Danh sách các loài ở tỉnh chủ yếu được ghi nhận chính từ sự kế thừa danh sách của các nghiên cứu trước mà không có sự xác nhận bằng hình ảnh hay mẫu vật cho tất cả các loài có trong danh sách.
Nhìn chung, hiện nay có rất ít dữ liệu về các loài, nhất là các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm là đối tượng ưu tiên trong công tác quản lý, do đó chưa thể đánh giá được hiện trạng phân bố và bảo tồn của chúng một cách chính xác. Để cải thiện hiệu quả trong công tác quản lý, nhất là các hoạt động bảo vệ và phát triển tài nguyên ở tỉnh Ninh Thuận, cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu số về đa dạng sinh học phục vụ đa mục đích: quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục, nghiên cứu, du lịch sinh thái, nguồn giống, phát triển sản phẩm từ tự nhiên,…
Trước những thách thức đó, công nghệ hiện đại đã và đang trở thành một công cụ không thể thiếu trong công cuộc bảo vệ thiên nhiên tại Ninh Thuận. Điển hình, Viện Sinh thái học miền nam (nay là Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng) đã tiên phong phát triển một hệ thống cơ sở dữ liệu số hiện đại sử dụng nền tảng MySQL và PHP. Hệ thống này giúp lưu trữ và phân tích thông tin chi tiết về các loài động, thực vật đặc hữu, từ đặc điểm sinh học, sinh thái cho đến tình trạng bảo tồn. Đây được xem như "bản đồ số" giúp các nhà quản lý và chuyên gia theo dõi hiệu quả hơn sự biến đổi của các quần thể sinh vật trong vùng.
Theo số liệu gần đây, Vườn quốc gia Phước Bình và Núi Chúa hiện là nơi cư trú của hơn 3.000 loài động, thực vật. Trong đó, nhiều loài nguy cấp đã được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và danh mục của IUCN (2021). Nhờ việc ứng dụng công nghệ, hàng loạt phát hiện quan trọng đã được ghi nhận, bao gồm các loài mới cho khoa học như: mây cát Phước Bình (Calamus phuocbinhensis) hay thằn lằn ngón Phước Bình (Cyrtodactylus phuocbinhensis)… Những phát hiện này không chỉ bổ sung vào bức tranh đa dạng sinh học mà còn củng cố giá trị khoa học và bảo tồn của vùng đất này.
Bên cạnh đó, việc triển khai các thiết bị hiện đại như drone, camera giám sát tự động đã giúp tăng cường năng lực theo dõi, phát hiện nhanh các hoạt động khai thác bất hợp pháp. Đặc biệt, dữ liệu thu thập được từ các thiết bị này được tích hợp trực tiếp vào hệ thống cơ sở dữ liệu số, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kịp thời và chính xác hơn.
Để bảo tồn hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia kiến nghị xây dựng một cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tổng thể cho toàn tỉnh Ninh Thuận, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương cũng là một yếu tố quan trọng, bởi chính họ là những người trực tiếp gắn bó và bảo vệ môi trường sống.