Ứng dụng công nghệ toàn diện trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025

Sáng 1/7, cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 chính thức được triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước. Tổng điều tra diễn ra trong 30 ngày, từ 1/7 đến 30/7, cuộc điều tra nhằm thu thập dữ liệu quan trọng phục vụ hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân.

Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra ngay từ ngày đầu ra quân là việc thay đổi địa giới hành chính tại nhiều địa phương, kéo theo sự xáo trộn trong quản lý địa bàn điều tra. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phân công, giám sát lực lượng điều tra viên, cũng như vận hành hệ thống phần mềm quản lý Tổng điều tra.

Để làm rõ hơn về quy mô, mục tiêu và những khó khăn bước đầu của cuộc Tổng điều tra lần này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

PV: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là một trong những cuộc Tổng điều tra quan trọng nhất của ngành Thống kê. Xin bà phân tích rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra này?

Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về thực trạng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS); tình hình kinh tế - xã hội nông thôn; cơ cấu lao động nông thôn.

Cuộc Tổng điều tra được thược hiện với các mục đích chính: Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực NLTS và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương;

Thứ hai, phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động NLTS; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và NLTS; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực NLTS;

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và NLTS phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu; làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm về lĩnh vực NLTS và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương trực tiếp tham dự và chủ trì buổi lễ ra quân.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương trực tiếp tham dự và chủ trì buổi lễ ra quân.

PV: Theo bà, cuộc Tổng điều tra năm 2025 có điểm mới gì so với 10 năm trước? ngành Thống kê đã có sự chuẩn bị như thế nào cho cuộc Tổng điều tra này?

Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có 6 điểm mới so với các kỳ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trước đây, cụ thể:

Thông tin của Tổng điều tra năm 2025 tăng so với năm 2016 nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành NLTS, cơ cấu lao động nông thôn. Đã bổ sung nhiều thông tin chi tiết như: - Phiếu hộ toàn bộ: đã bổ sung một số thông tin chi tiết về Trồng trọt (cây cảnh; nhà lưới, nhà màng; ươm giống cây); Hình thức nuôi trồng thủy sản và các phương thức nuôi (thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến); Kinh tế số trong NLTS; Dịch vụ nông nghiệp; và Thu nhập của các hoạt động NLTS. Thông tin cây trồng, vật nuôi của hộ được hỏi theo thực thế thay vì chỉ thu thập thông tin đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu như đã thực hiện trước đây.

Phiếu hộ mẫu: đã bổ sung thông tin mới về chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG 2.4.1. Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả) để phục vụ đánh giá cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. - Phiếu trang trại: Hỏi toàn bộ các cây trồng, vật nuôi,…của trang trại thay vì chỉ hỏi một số sản phẩm chủ yếu như trước đây; Bổ sung nhiều câu hỏi để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của trang trại. - Bổ sung Phiếu doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong phương án Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 đảm bảo đầy đủ phạm vi của tổng điều tra.

Thay đổi về phương pháp thực hiện lập bảng kê đơn vị điều tra phiếu hộ giúp đồng thời thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí. Bảng kê trang trại được bổ sung thu thập thông tin đảm bảo kết nối giữa phiếu hộ và phiếu trang trại giúp công tác làm sạch, xử lý số liệu và phân tích kết quả điều tra.

Khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có nhằm giảm thiểu thu thập từ thực địa giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra.

Thay đổi về hình thức thu thập thông tin sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung, khai thác sử dụng phân tán.

Ứng dụng CNTT trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu. Trong đó: Ứng dụng học máy để kiểm tra hoàn thiện mã ngành của hộ dựa trên căn cứ về ngành; sử dụng định vị và bản đồ số trong một số công đoạn của TĐTNN 2025.

Nghiên cứu phương pháp chọn mẫu để đáp ứng yêu cầu thông tin: Với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), đã xây dựng 2 loại mẫu điều tra phục vụ suy rộng các chỉ tiêu SDG và các chỉ tiêu chuyên sâu về NLTS vừa nhằm đáp ứng mục tiêu thông tin vừa nâng cao hiệu quả của công tác thu thập thông tin.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra với phạm vi lớn và có ý nghĩa quan trọng như Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Ngay từ năm 2023, Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) đã lên kế hoạch, xây dựng phương án và chuẩn bị thực hiện điều ra thí điểm để làm cơ sở xây dựng phương án Tổng điều tra chính thức.

Trong năm 2024 đã thực hiện điều tra thí điểm, đồng thời rà soát toàn bộ nhu cầu các chỉ tiêu đầu ra từ đó làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc Tổ chức Tổng điều tra trong năm 2025, cũng trong năm 2024, Cục Thống kê đã nghiên cứu, thiết kế 7 loại phiếu điều tra phục vụ công tác thu thập thông tin, xây dựng các tài liệu, quy trình hướng dẫn thực hiện Tổng điều tra; Xây dựng các chương trình phần mềm ứng dụng phục vụ công tác thu thập thông tin, xử lý làm sạch và tổng hợp kết quả điều tra.

Từ đầu năm 2025 đến nay, tiếp tục hoàn thiện các phần mềm ứng dụng, chuẩn bị và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và công nghệ thông tin các cấp: trung ương, tỉnh và huyện nhằm trang bị các kiến thức về nghiệp vụ, phần mềm cho toàn bộ đội ngũ điều tra viên, giám sát viên, Ban chỉ đạo và Tổ thường trực các cấp từ trung ương đến địa phương hướng tới việc thu thập thông tin đầy đủ, chính xác nhất để biên soạn, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê liên quan phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

Các điều tra viên thực hiện điều tra trên địa bàn xã Thọ Phú (Thanh Hóa).

Các điều tra viên thực hiện điều tra trên địa bàn xã Thọ Phú (Thanh Hóa).

Phóng viên: Với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành Thống kê ứng dụng công nghệ thế nào trong cuộc Tổng điều tra?

Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong những năm qua, Cục Thống kê đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Tính đến năm 2025, trên 90% tổng số cuộc điều tra được sử dụng phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) hoặc trực tuyến (Webform) và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn: Quản lý mạng lưới điều tra, quản lý điều tra viên thống kê, quản lý giám sát viên, phân công nhiệm vụ, thực hiện thu thập thông tin, giám sát, xử lý làm sạch, lưu trữ và công bố kết quả…

Phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, Cục Thống kê đã nghiên cứu áp dụng công nghệ học máy hỗ trợ kiểm tra, rà soát mã ngành kinh tế, ứng dụng AI hỗ trợ công tác thu thập thông tin, sử dụng định vị GPS của đơn vị điều tra trong công tác điều hành tác nghiệp, giám sát thực hiện điều tra và phổ biến kết quả, áp dụng phương pháp thu thập thông tin bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp và gián tiếp:

Phỏng vấn trực tiếp: Điều tra viên đến từng hộ tham gia hoạt động NLTS/trang trại để thu thập thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh.

Thu thập thông tin gián tiếp: Áp dụng đối với đơn vị điều tra UBND xã, Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động NLTS.

Hệ thống phần mềm phục vụ quản lý điều hành, giám sát, thu thập, xử lý kết quả cuộc điều tra do đội ngũ kỹ sư tin học của ngành Thống kê thực hiện. Ứng dụng phục vụ thu thập thông tin trực tiếp được cài đặt trên thiết bị di động thông minh (sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS) của điều tra viên.

Công tác quản lý điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu cuộc điều tra được thực hiện thông qua một website, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Phần mềm phục vụ điều tra được thiết kế, xây dựng và triển khai trên môi trường Internet áp dụng cho toàn bộ các công đoạn: lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác kết quả…

Cục Thống kê đã chuẩn bị lực lượng để hỗ trợ điều tra viên, giám sát viên các cấp trong suốt quá trình điều tra, đặt biệt là hỗ trợ sử dụng thiết bị di động và xử lý sự cố trong quá trình thu thập thông tin trên toàn quốc.

Kết quả cuộc điều tra sẽ được phổ biến thông tin dưới dạng dữ liệu tổng hợp, hình ảnh trực quan hóa (infographic, video…) bằng biểu đồ và trên không gian địa lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng tin.

Cục Thống kê đã chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin đủ năng lực quản lý, vận hành hệ thống phần mềm, quản trị dữ liệu từ trung ương đến địa phương bảo đảm hoạt động thông suốt 24/7; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.

Đến nay, tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.

Các điều tra viên thực hiện điều tra trên địa bàn xã Quảng Oai. (ảnh Chi cục Thống kê Hà Nội)

Các điều tra viên thực hiện điều tra trên địa bàn xã Quảng Oai. (ảnh Chi cục Thống kê Hà Nội)

Phóng viên: Trong bối cảnh sắp xếp địa giới hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc Tổng điều tra gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?

Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 diễn trong trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển mình, thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tinh gọn bộ máy hành chính. Trong bối cảnh đó khi triển khai Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc:

Việc thay đổi địa giới hành chính và sắp xếp tinh gọn bộ máy ảnh hướng đến công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 các cấp. Các cấp hành chính thường xuyên biến động về lãnh đạo nên việc kiện toàn BCĐ diễn ra liên tục trong thời gian từ tháng 12/2024 đến nay.

Việc nhân sự Ban Chỉ đạo các cấp thay đổi thường xuyên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính liên tục trong chỉ đạo triển khai Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.

Lực lượng tham gia giám sát và triển khai tại cấp huyện, cấp xã có sự thay đổi lớn giữa khâu chuẩn bị và triển khai thực tế khi Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 diễn ra. Do thời điểm Tổng điều tra diễn ra vào 1/7/2025 trùng với thời điểm chính quyền 34 tỉnh, thành mới bắt đầu đi vào hoạt động là thời điểm chuyển giao giữa 63 tỉnh, thành cũ vào 34 tỉnh mới; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện nên công tác triển khai luôn cần sự sát sát liên tục của Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực các cấp; đặc biệt là cơ quan thường trực thực hiện Tông điều tra.

Việc thay đổi địa giới hành chính dẫn đến thay đổi về quản lý địa bàn điều tra ảnh hưởng đến quản lý lực lượng tham gia điều tra của ngành thống kê trên hệ thống phần mềm quản lý Tổng điều tra.

Tôi cho rằng, đặt ra yêu cầu về dữ liệu Tổng điều tra nông thôn phục vụ biên soạn số liệu theo phạm vi 34 tỉnh mới và các xã mới, đòi hỏi Tổng điều tra nông thôn cần cập nhật thu thập thông tin phục vụ tính toán các chỉ tiêu theo đơn vị hành chính mới; đồng thời, phần mềm cần cập nhật để quản lý được đơn vị điều tra và lực lượng tham gia vào Tổng điều tra nông thôn theo địa giới hành chính mới.

Ngày đầu ra quân Tổng điều tra nông thôn nông nghiệp năm 2025 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Ngày đầu ra quân Tổng điều tra nông thôn nông nghiệp năm 2025 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Phóng viên:Vậy, ngành Thống kê có giải pháp, kiến nghị gì để khắc phục những khó khăn đó, thưa bà?

Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Đứng trước những thách thức và khó khăn khi thực hiện Tổng điều tra trong bối cảnh đất nước đang thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, tổ chính chức quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính. Ngành thống kê đã có nhưng giải pháp, kiến nghị để khắc phục những khó khăn này. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo TW hướng dẫn kiện toàn Ban Chỉ đạo ngay sau khi có những thay đổi về cơ cấu tổ chức và quản lý hành chính tại địa phương nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị Tổng điều tra, một trong những giai đoạn quan trọng nhất của điều tra thống kê, không bị gián đoạn và không bị ảnh hưởng đến chất lượng thông tin; đảm bảo thu thập thông tin đáp ứng mục tiêu của Tổng điều tra và đảm bảo cung cấp thông tin phục cụ chính quyền 2 cấp trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo tại địa phương.

Tham mưu Ban Chỉ đạo TW chỉ đạo và hướng dẫn bổ sung thu thập thông tin trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp để đáp ứng tổng hợp kết quả Tổng điều tra theo đơn vị hành chính mới đặc biệt là theo xã mới.

Cục Thống kê thực hiện cập nhật hệ thống thu thập thông tin quản lý theo đơn vị hành chính mới. Hoàn thành công tác phân chia địa bàn phục vụ triển khai điều tra chính thức vào thời điểm 1/7/2025 theo đúng quy định của phương án điều tra.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 ngành thống kê đã áp dụng triệt để công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu của Tổng điều tra. Xây dựng hệ thống trả lời tự động chatbox để hỗ trợ cho điều tra viên, giám sát và lực lượng tham gia vào Tổng điều tra. Xây dựng hệ thống đường dây nóng để kịp thời giải đáp thắc mắc và hỗ trợ cho điều tra viên, giám sát viên.

Cùng với đó, tham mưu Ban Chỉ đạo TW chỉ đạo và hướng dẫn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp các cấp tại địa phương sau khi kiện toàn khẩn trương chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra trên địa bàn theo đúng phương án Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp đã quy định bảo đảm tiến độ và chất lượng của dữ liệu thu thập.

Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/7/2025. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và người dân, cuộc điều tra kỳ vọng sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh, khách quan và chính xác nhất về nông thôn, nông nghiệp Việt Nam – nền tảng cho việc hoạch định chính sách và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Thanh Hóa triển khai điều tra trên 4.663 địa bàn và gần 700.000 hộ dân

Ông Thái Bá Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa.

Ông Thái Bá Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025, tỉnh Thanh Hóa được chọn là điểm tổ chức lễ ra quân quốc gia. Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (11115 km2), dân số đông (DSTB 2024: 3.764.235 người), lực lượng lao động dồi dào, lao động làm việc trong ngành NLTS lớn (768,5 nghìn lao động).

Do đó Quy mô TĐTNN 2025 của tỉnh Thanh Hóa là rất lớn, cụ thể: Phiếu xã thực hiện trên 452 xã (cũ) và 31 thị trấn; có 4.663 địa bàn điều tra với phiếu điều tra hộ toàn bộ là 690 nghìn hộ (phiếu mẫu trồng trọt 1005 hộ, phiếu mẫu về NLTS 1800 hộ); 967 trang trại; 1261 DN và 712 HTX sản xuất NLTS.

Đến nay, công tác chuẩn bị TĐTNN 2025 được tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị chu đáo. Từ việc kiện toàn BCĐ, TTT cấp tỉnh; Việc sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, do đó BCĐ cấp huyện cũng kết thúc hoạt động kể từ ngày 1/7 đo đó đã thành lập BCĐ cấp xã mới (166 xã/phường) hoạt động bắt đầu từ 1/7. Công tác tuyển chọn lực lượng tham gia điều tra, công tác tập huấn, công tác tuyên truyền đã được thực hiện đúng Phương án TĐTNN 2025.

Tuy nhiên trong bối cảnh tinh gọn bộ máy các cấp, thực hiện Chính quyền địa phương 2 cấp, công tác chuẩn bị cũng có những khó khăn nhất định. Nhất là việc BCĐ xã cũ (cả cán bộ thống kê xã) chuyển công tác, nghỉ chế độ, công tác tuyển chọn ĐTV gặp nhiều khó khăn.

Trước bối cảnh đó thì được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của BCĐ các cấp (BCĐ cấp huyện vẫn hoạt động hiệu quả cho đến hết ngày 30/6), đến nay những khó khăn đó đã được khắc phục. Tôi tin tưởng rằng sự vào cuộc của các cấp các, ngành, sự tham gia tích cực của lực lượng điều tra và sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ung-dung-cong-nghe-toan-dien-trong-tong-dieu-tra-nong-thon-nong-nghiep-2025-i773547/
Zalo