Tỉnh Khánh Hòa (mới): Mở rộng không gian phát triển, đón dòng đầu tư chiến lược
Sau khi hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa (mới) sở hữu quỹ đất lớn, dân số đông, bờ biển dài nhất nước và hệ thống hạ tầng đồng bộ. Những yếu tố này tạo lợi thế vượt trội trong thu hút đầu tư, mở ra thời điểm vàng để địa phương bứt phá, hướng tới trở thành cực tăng trưởng mới của miền Trung.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Khánh Hòa (cũ) thu hút 16 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký gần 300 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án quy mô lớn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và phát triển đô thị. Đáng chú ý là các dự án tại Khu công nghiệp Ninh Diêm, Ninh Diêm 1, Ninh Xuân, cùng dự án mở rộng Nhà máy Hyundai giai đoạn 2.
Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho hai dự án lớn tại Khu Kinh tế Vân Phong, đó là: Khu đô thị mới Tu Bông và Khu đô thị mới Đầm Môn, với tổng vốn hơn 65.300 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho hai dự án lớn tại Khu Kinh tế Vân Phong, đó là: Khu đô thị mới Tu Bông và Khu đô thị mới Đầm Môn, với tổng vốn hơn 65.300 tỷ đồng.
Tại tỉnh Ninh Thuận (cũ), cũng trong 6 tháng đầu năm, có 19 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh này cũng đã phê duyệt danh mục và chủ trương đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 2 dự án lớn khác với tổng mức đầu tư lên tới 56.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy việc sáp nhập hai tỉnh đã tạo động lực mạnh mẽ, mở rộng không gian phát triển và thu hút dòng vốn đầu tư lớn đổ về Khánh Hòa (mới).
Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc nhận định: “Tôi đánh giá đây là bước phát triển rất lớn với dư địa rộng mở. Sau khi kết nối, Khánh Hòa trở thành tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố logistics như sân bay, cảng nước sâu, đường cao tốc. Điều này tạo ra những điểm liên vùng phát triển mới. Tôi tin rằng thời gian tới, Khánh Hòa không chỉ phát triển mạnh về du lịch mà còn bứt phá ở lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, như điện tử, bán dẫn – trở thành những dấu mốc quan trọng trên hành trình vươn lên".

Khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa (mới) có nhiều điều kiện phát triển du lịch
Việc hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ hình thành một thực thể hành chính mới mà còn mở ra các lợi thế phát triển chưa từng có. Quỹ đất mở rộng lên hơn 8.550 km², dân số vượt 2,2 triệu người, bờ biển dài gần 500 km liền mạch với nhiều cảng nước sâu, cùng các trục giao thông chiến lược. Tất cả những điều đó đã tạo nên một không gian phát triển liên hoàn, là nền tảng để thu hút đầu tư đa lĩnh vực.
Thời gian qua, hai tỉnh Khánh Hòa (cũ) và Ninh Thuận (cũ) đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để dòng vốn tiếp tục chảy mạnh về địa phương, các chuyên gia cho rằng, tỉnh Khánh Hòa (mới) cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, tăng tính minh bạch, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư.
Song song với đó là tiếp tục đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt ở khu vực phía Nam của tỉnh; định hình lại không gian phát triển theo quy hoạch mới; điều chỉnh giá đất phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Trần Phước Anh, Đại sứ Việt Nam tại Singapore đánh giá: “Tiềm năng hợp tác của tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập là rất lớn và đa dạng. Các thế mạnh của địa phương hoàn toàn phù hợp với năng lực và định hướng đầu tư của Singapore. ".

Tỉnh Khánh Hòa (mới) đang kêu gọi các dự án đầu tư công nghiệp
Hiện nay, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025–2030 đang được lấy ý kiến và hoàn thiện. Bên cạnh việc kế thừa thành quả từ hai địa phương, nội dung báo cáo chính trị nhấn mạnh sự hòa quyện giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận cả về địa lý, tiềm năng và con người.
Trên cơ sở đó xác lập tầm nhìn chung rõ nét cho một giai đoạn phát triển mới. Nguồn lực địa phương còn hạn chế, khoảng cách phát triển giữa các vùng còn lớn, chất lượng nhân lực chưa đồng đều… là những thách thức đã được nhận diện.
Tuy nhiên, với lợi thế quỹ đất, hạ tầng kết nối đồng bộ và dòng vốn đầu tư ngày càng gia tăng, tỉnh Khánh Hòa (mới) có thể vượt qua nếu hành động quyết liệt, khai thác hiệu quả các yếu tố tương hỗ giữa các vùng miền. Mục tiêu đưa Khánh Hòa (mới) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 được chọn làm kim chỉ nam.

Tỉnh Khánh Hòa (mới) có cơ hội trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa (mới), cho biết: “Kim chỉ nam là tỉnh Khánh Hòa phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Có ba chỉ tiêu quan trọng cần đạt: cân đối ngân sách nhà nước, trở thành cực tăng trưởng của cả nước và GRDP bình quân đầu người. Nếu tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng cao thì cần phải quyết liệt trong thu hút đầu tư, đẩy nhanh các dự án đang xúc tiến và xử lý thủ tục đầu tư một cách hiệu quả hơn".
Hiện nay, hạ tầng giao thông của tỉnh Khánh Hòa (mới) tiếp tục được đầu tư mạnh, mang tính liên kết vùng rõ nét, từ đường bộ, đường sắt đến hàng không và đường biển. Với tiềm năng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch, địa phương đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với nhiều vịnh biển, tỉnh Khánh Hòa có điều kiện phát triển kinh tế biển
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (mới) cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2025, tỉnh sẽ tập trung rà soát toàn diện hệ thống văn bản pháp lý sau sáp nhập; tích hợp và đơn giản hóa thủ tục hành chính; chủ động kết nối với doanh nghiệp, tổ chức đối thoại chuyên đề, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư.
“Phát triển công nghiệp có chiều sâu, chọn lọc các ngành công nghiệp xanh, sạch, hướng tới Net Zero. Có như vậy mới tương thích, xứng tầm mục tiêu xây dựng ngành du lịch – xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn mang tầm quốc tế. Nếu không phát triển bao trùm thì môi trường sẽ không bền vững, ảnh hưởng du lịch. Không phải phát triển, thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải có chọn lọc.”- Ông Trần Quốc Nam nói.