Ứng dụng công nghệ để cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng
Sáng 25-4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai tổ chức Tọa đàm' Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng'.
Tới dự có các đồng chí: Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch danh dự Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai…

Quang cảnh tọa đàm.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường): Trong giai đoạn từ năm 2015-2024, tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung, lũ quét, sạt lở đất làm 79 người chết, mất tích/năm; là một trong những nguyên nhân chính gây thiệt hại về người tại khu vực (chiếm 36%) số người chết, mất tích do thiên tai gây ra.
Các trận sạt lở đất điển hình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản: Sạt lở đất ngày 12-10-2020 vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 17 công nhân mất tích. Tiếp đó, đêm 12-10-2020, đoàn công tác 21 người trong khi di chuyển vào thủy điện Rào Trăng 3 để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thì bị sạt lở núi vùi lấp tại Trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh... Đặc biệt đợt mưa lũ sau bão số 3 (Yagi) tháng 9-2024, những trận lũ quét, sạt lở đất sau mưa bão đã làm 265 người chết, mất tích…
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Cao Đức Phát cho biết: Đến nay, các nhà hảo tâm đã chung tay cùng Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai phối hợp với các địa phương lắp đặt được 903 trạm đo mưa tự động, 24 tháp cảnh báo lũ tự động, hỗ trợ hình thành và tăng cường năng lực cho 85 đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở.
Đồng chí Cao Đức Phát cho rằng bên cạnh việc nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, đầu tư xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong thời gian tới, Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, xem xét về quy hoạch dân cư ở các vùng miền núi, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cần tính đến yếu tố phòng, chống thiên tai, chẳng hạn như đường giao thông.

Đồng chí Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai phát biểu.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, để phòng, chống lũ quét, sạt lở đất hiệu quả, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên nền tảng AI, dữ liệu lớn, viễn thám, công nghệ hiện đại đảm bảo hiệu quả, tin cậy, phù hợp với điều kiện các vùng miền. Tăng cường phối hợp, huy động nguồn lực từ Nhà nước, tư nhân và quốc tế, đẩy mạnh “xã hội hóa trong phòng, chống thiên tai” để triển khai các mô hình cảnh báo sớm, nâng cao năng lực cộng đồng, hướng đến sự bền vững, hiệu quả và nhân rộng.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng, kinh nghiệm bản địa, xây dựng các kịch bản ứng phó sát với thực tế, tổ chức đào tạo, tập huấn để người dân hiểu, chủ động và có thể hành động khi có cảnh báo thiên tai.