Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững

Thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong lĩnh vực chọn tạo giống, nhân giống và kỹ thuật lâm sinh, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Từ nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng

Để phục vụ trồng rừng quy mô lớn, thời gian quan, ngành lâm nghiệp đã không ngừng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống vô tính các giống keo, bạch đàn và một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao khác như tràm năm gân, tràm trà, lan kim tuyến… Chính nhờ thông qua các đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm các nhà khoa học đã hoàn thiện được quy trình công nghệ vi nhân giống quy mô công nghiệp cho gần 30 giống keo lai, keo lá tràm và bạch đàn lai. Theo đó, công tác chuyển giao công nghệ nhân giống cho các cơ sở sản xuất cũng đã được đẩy mạnh. Cụ thể, hiện nay, các nhà nuôi cấy mô trên cả nước hàng năm đã sản xuất được hơn 120 triệu cây giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.

 Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững là một trong những nội dung được Cục Lâm nghiệp quan tâm hàng đầu. Ảnh: CLN

Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững là một trong những nội dung được Cục Lâm nghiệp quan tâm hàng đầu. Ảnh: CLN

Bên cạnh đó, nhờ chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học về công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất giống, qua đó đã góp phần đưa nhiều ứng dụng đi vào thực tiễn. Trong đó, riêng với lĩnh vực lâm sinh, các công nghệ nổi bật đã được ứng dụng: các thiết bị hiện đại trong nghiên cứu sinh thái cây rừng; công nghệ bón phân cho rừng trồng thông qua máy scan hệ rễ cám và bón theo nhu cầu của cây; công nghệ quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao về viễn thám và GIS trong công tác điều tra, kiểm kê rừng tại một số tỉnh ở các vùng sinh thái trong nước đã giúp xây dựng được hệ thống theo dõi diễn biến rừng. Cùng với đó, công nghệ 3D trong nghiên cứu sinh khối cây rừng đã góp phần hoàn thiện các phương pháp xác định thể tích và sinh khối ở cấp độ cây trong rừng và trong lâm phần... Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Lâm sinh cũng đã và đang làm chủ công nghệ bay không người lái trong xác định hiện trạng rừng.

 Nghiên cứu phòng trừ một số loài sâu ăn lá chính và mọt đục thân các loài keo tai tượng, keo lai và keo lá tràm do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: VKH

Nghiên cứu phòng trừ một số loài sâu ăn lá chính và mọt đục thân các loài keo tai tượng, keo lai và keo lá tràm do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: VKH

Hiện tại, Viện đang sử dụng các thiết bị bay không người lái như Parrot ANAFI USA, Phantom 4 Pro, Dji Mavic 3E để xây dựng bản đồ ảnh, phục vụ rà soát hiện trạng cho một số khu vực nghiên cứu tại Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Giang… cho độ chính xác cao. Trong tương lai, việc tích hợp thiết bị bay không người lái với các công cụ quét 3D laze hoặc máy quét cảm biến lidar sẽ mở ra một hướng nghiên cứu tiềm năng cho việc xác định sinh khối các bon trên một khu vực rộng lớn với độ chính xác cao, tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực.

Đến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp

Để đưa được sản phẩm gỗ rừng trồng đến được với thị trường các nước thì việc minh bạch thông tin nguồn gỗ hợp pháp đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng hàng hóa, các sản phẩm gỗ rừng trồng cần phải được xây dựng bài bản. Vì vậy, từ năm 2017, hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp Việt Nam được triển khai nghiên cứu và phát triển được gọi là hệ thống iTwood.

 Nghiên cứu chọn tạo giống keo lai và keo lá tràm phục vụ trồng rừng gỗ lớn ở một số vùng sinh thái chính. Ảnh: VKHLN

Nghiên cứu chọn tạo giống keo lai và keo lá tràm phục vụ trồng rừng gỗ lớn ở một số vùng sinh thái chính. Ảnh: VKHLN

Mục tiêu tổng thể của hệ thống iTwood là ứng dụng công nghệ số để tổ chức và phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý gỗ hợp pháp theo pháp luật hiện hành của Việt Nam và các Điều ước quốc tế được Việt Nam ký kết, góp phần minh bạch thông tin nguồn gỗ hợp pháp, truy xuất nguồn gốc và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.

Cụ thể, chức năng chính của iTwood là ứng dụng công nghệ số tạo lập và quản lý hồ sơ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành; cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu; phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc theo thời gian thực và đảm bảo tin cậy, chính xác theo công nghệ truy vết QR code, công cụ quản lý tài sản của chủ rừng; phát triển nền tảng thương mại số gỗ và sản phẩm gỗ, kết nối cung – cầu; cung cấp dịch vụ chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam; hỗ trợ quản lý rừng và chứng nhận tín chỉ Carbon rừng…

Chính từ việc ứng dụng hệ thống iTwood trên đã giúp các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái tạo ra những bước đột phá đầu tiên có ý nghĩa thiết thực để tạo lập vùng trồng rừng nguyên liệu có mã số nhằm tổ chức chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đến nay, sau 4 tháng thực hiện thí điểm ứng dụng hệ thống này đã có 3/5 tỉnh cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho 1.500 chủ rừng, với 3.350 ha được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, việc ứng dụng mở rộng hệ thống iTwood tại các tỉnh Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị đã tạo lập được cơ sở dữ liệu đầu vào cho ngành gỗ trên cả nước, góp phần minh bạch và phát triển giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm gỗ. Theo đó, diện tích đăng ký cấp mã số vùng trồng của tất cả các tỉnh này đã lên đến 67.000 ha.

Đến nay, việc xây dựng chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc đã được triển khai ở các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị. Tổng số chủ thể là chủ rừng, chủ gỗ và doanh nghiệp/cơ sở chế biến và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ đăng ký tài khoản trên hệ thống iTwood và thực hiện các giao dịch là 1569 chủ thể. Trong đó, chủ thể tổ chức là 87 và chủ thể hộ gia đình là 1482, chủ yếu là chủ rừng hộ gia đình.

Bằng việc ứng dụng hệ thống iTwood trong việc cấp mã số vùng trồng đã tạo ra vùng nguyên liệu có mã số để mỗi lô gỗ nguyên liệu đi vào chuỗi cung ứng có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch sẽ giúp cho việc tổ chức và phát chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc thuận lợi hơn, chi phí ít hơn, tạo nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu sản xuất, kinh doanh rừng trồng, chuyển đổi số nhằm kết nối mạnh mẽ với thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

Thái Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-quan-ly-san-xuat-lam-nghiep-ben-vung-post398120.html
Zalo