Ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển kinh tế - cơ hội tiếp cận thị trường cho phụ nữ
Chuyển đổi số (CĐS) là cơ hội lớn để chị em phụ nữ nắm bắt nhanh chóng thông tin tình hình thị trường tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới. Nhờ ứng dụng CĐS vào phát triển kinh tế, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội thay đổi cuộc sống.
Chị Thiều Thị Hiền, thành viên HTX trồng rau sạch Nhuận Thạch, xã Đông Tiến (TP Thanh Hóa) cho biết: "Gia đình tôi trồng 2.500m2 dưa chuột, ớt, các loại rau cải cho thu nhập ổn định. Tôi còn đảm nhận đầu mối hỗ trợ các thành viên khác tiêu thụ sản phẩm. Thay vì trước đây chủ yếu bán cho thương lái, thì nay, chúng tôi mở rộng thị trường bằng kết nối ứng dụng công nghệ thông tin bán sản phẩm. Chúng tôi đưa các sản phẩm, quy trình sản xuất lên mạng xã như hội zalo, facebook để chào hàng và chia sẻ cho nhiều người biết, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng".
Sau nhiều năm trăn trở khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, chị Vi Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) đã tham mưu và thành lập được Tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại thôn Liên Sơn. THT có 19 hội viên, với 20 khung dệt và được Hội LHPN tỉnh, huyện, ngành văn hóa huyện quan tâm hỗ trợ tập huấn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thành lập THT đã khó, duy trì phát triển nghề còn khó hơn nhiều. Chị Luyến kể cho chúng tôi nghe về những trăn trở khi thành lập THT với nhiều khó khăn, thách thức và cả dự định đưa sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Thái đạt chuẩn OCOP lên sàn thương mại điện tử. Chị Luyến đã nhiều lần mang sản phẩm giới thiệu tại các gian hàng hội chợ cấp tỉnh, huyện và bán trên mạng xã hội. Từ chỗ chỉ bán sản phẩm trong thôn, xã, thì nay đã thông qua kênh bán hàng trên mạng xã hội rất hiệu quả. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, chị Luyến và các chị em trong tổ đã chụp ảnh, quay video chào bán, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn, số lượng nhiều hơn. Đến nay, thành viên HTX tăng từ 19 người lên 35 người, thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đó là 2 trong số rất nhiều mô hình kinh tế của hội viên, phụ nữ cơ sở trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng CĐS vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ... Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang lan tỏa tới vùng sâu, vùng xa, không chỉ giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận thông tin mà còn thu hẹp khoảng cách vùng miền. Có thể thấy, nguồn lực hàng hóa do phụ nữ sản xuất rất đa dạng, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là thách thức, trở ngại lớn. Việc ứng dụng CĐS vào phát triển kinh tế, đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững ở cơ sở. Đây là cơ hội để chị em phụ nữ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vượt qua khuôn khổ chợ truyền thống, tham gia vào mạng lưới kinh doanh online, mang lại thu nhập ổn định, làm giàu cho gia đình và cộng đồng, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Để hỗ trợ phát triển tư duy và nâng cao kỹ năng thời kinh tế số cho hội viên, phụ nữ, thời gian qua, nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số đã được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh thực hiện. Hội LHPN tỉnh đã tích cực thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939) ngày càng đa dạng và hiệu quả. Đó là tổ chức các lớp tập huấn kinh doanh online, tham gia các kênh, nhóm kinh doanh trên mạng xã hội; hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng nền tảng, công nghệ số quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia sàn thương mại điện tử và thanh toán điện tử... để có môi trường và kỹ năng vận dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Từ Đề án 939, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được Hội LHPN tỉnh triển khai. Đến nay, đã có gần 7.200 phụ nữ trong tỉnh được hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hơn 1.000 doanh nghiệp nữ, 156 mô hình kinh tế tập thể được thành lập; hỗ trợ đăng tải thông tin, quảng bá, giới thiệu hơn 800 sản phẩm trên không gian mạng, sàn giao dịch điện tử; 103/305 ý tưởng xuất sắc được vinh danh, trong đó có 6 dự án, ý tưởng xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để phát triển, mở rộng... Đây là những minh chứng rõ nét nhất cho sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ trên nền tảng số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CĐS được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động hội và phong trào phụ nữ. Phát triển kinh tế số thật sự thuận tiện, các sản phẩm của hội viên, phụ nữ được nhiều người biết đến, từ đó, giá trị của sản phẩm được nâng cao, kinh tế gia đình cải thiện. Đây cũng là cách thức giúp nhiều hội viên khởi nghiệp thành công".