Ứng dụng AI trong sản xuất: động lực đổi mới để phát triển

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra bước ngoặt lớn trong ngành sản xuất, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất và giảm chi phí. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ này tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, từ hạ tầng dữ liệu, nhân lực đến chi phí đầu tư ban đầu.

Tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển”. (Ảnh: KIM DUNG)

Tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển”. (Ảnh: KIM DUNG)

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: động lực đổi mới và phát triển” do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 31/3, tại Hà Nội.

Theo ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, một trong những ứng dụng nổi bật của AI trong sản xuất là bảo trì dự báo, giúp doanh nghiệp nhận diện sớm nguy cơ hỏng hóc của máy móc, giảm thiểu gián đoạn sản xuất. Ngoài ra, AI cũng đang được áp dụng mạnh mẽ trong kiểm soát chất lượng sản phẩm với độ chính xác cao hơn con người.

Theo đó, Bộ Công thương đã tích cực, chủ động mời các doanh nghiệp hàng đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 và AI như SIEMENS, Samsung, Toyota tổ chức hội nghị tập huấn, khóa đào tạo cho doanh nghiệp trong ngành nhằm tăng cường nguồn nhân lực; đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp trong ngành ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là AI trong sản xuất; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tận dụng kinh nghiệm từ các tập đoàn, doanh nghiệp, chính phủ nước ngoài có lợi thế, từ đó ứng dụng và phát huy trong ngành công thương.

Ông Hoàng Ninh cũng cho rằng, việc ứng dụng AI trong sản xuất tại Việt Nam ngày càng phổ biến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Một số ngành, lĩnh vực trong công nghiệp và thương mại đã ứng dụng AI thành công.

Tuy nhiên, việc triển khai AI đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư bài bản vào hạ tầng dữ liệu và đào tạo nhân sự, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Các chuyên gia khuyến nghị cần có chính sách hỗ trợ từ nhà nước, cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức công nghệ để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong sản xuất.

Dù còn nhiều thách thức, AI vẫn được xem là chìa khóa quan trọng giúp ngành sản xuất Việt Nam bứt phá trong thời kỳ chuyển đổi số.

KIM DUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-dung-ai-trong-san-xuat-dong-luc-doi-moi-de-phat-trien-post869047.html
Zalo