Ứng dụng AI - thách thức đối với doanh nghiệp Việt
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được các doanh nghiệp Việt ở mọi lĩnh vực khác nhau tiếp cận và ứng dụng vào thực tiễn.
Theo chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu gia nhập vào nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, với lực lượng lao động trẻ, năng động và có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới, Việt Nam đang trở thành một địa điểm lý tưởng để phát triển các ứng dụng AI. Đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với sự hỗ trợ của các chính sách ưu đãi đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên AI, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong kinh doanh, ông Alexey Navolokin, Giám đốc Kinh doanh thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Tập đoàn AMD dự đoán, doanh thu về AI trong kinh doanh sẽ đạt 400 tỷ USD vào năm 2027. Ông cho rằng, đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam, với nền tảng đào tạo tốt và hiểu biết về các vấn đề kỹ thuật, sẽ là tài sản quý giá trong việc phát triển công nghệ mới.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu đưa AI vào các hoạt động quản trị và điều hành để chuẩn bị cho một tương lai với AI đóng vai trò trọng tâm, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử.
Ông Phạm Thành Lâm, Giám đốc Trung tâm AI & Data Science Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết, trí tuệ nhân tạo đã luôn là trọng tâm trong hành trình phát triển của Cake ngay từ những ngày đầu. Ngân hàng số Cake by VPBank đã tích hợp tất cả các sản phẩm AI vào trải nghiệm khách hàng, từ tiếp thị, hỗ trợ khách hàng, đánh giá tín dụng cho đến quản lý kinh doanh, với mục tiêu tối ưu hóa mọi quy trình từ đầu đến cuối. Hiện nay Cake có khoảng 300 nhân viên, trong đó 50% là chuyên gia về công nghệ AI và tất cả đều là người Việt Nam.
Là một doanh nghiệp ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế, ông Trương Quốc Hùng, nhà sáng lập và Tổng giám đốc VinBrain cho rằng, phát triển AI đã là một thử thách lớn, nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực y tế, độ khó lại tăng lên nhiều. Một trong những trở ngại lớn nhất nằm ở khâu dữ liệu, tiếp đó là vấn đề tuân thủ quy định. Ngoài ra, chi phí phát triển AI cho y tế cũng rất cao do cần sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Cuối cùng, vấn đề đạo đức và bảo mật dữ liệu là một thách thức không thể bỏ qua khi ứng dụng AI trong lĩnh vực nhạy cảm như y tế.
Theo ông Hùng, để giải quyết những thách thức trên, cần tập trung xây dựng dữ liệu chuẩn hóa. Ngoài ra, cần áp dụng mô hình chi phí phù hợp với từng thị trường. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn.
Để phát triển quốc gia AI, ông Christopher Nguyễn, Chủ tịch & Giám đốcAitomatic, công ty về dữ liệu lớn tại Thung lũng Silicon cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào việc phát triển những mô hình sáng tạo và riêng biệt của mình. Ông kêu gọi cần kết nối hệ sinh thái công nghệ hơn nữa bên cạnh phát triển thị trường; tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng để thúc đẩy đổi mới và thành công trong các ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia Việt Nam, khối kinh doanh, marketing và truyền thông của Tập đoàn Intel cho rằng, tại Việt Nam, hàng loạt các doanh nghiệp đang cạnh tranh nhau trong áp dụng AI vì sợ bỏ lỡ công nghệ này, nhưng lại thiếu tầm nhìn và kế hoạch rõ ràng. Theo ông Thắng, để đi đúng hướng, các tổ chức cần xác định rõ thách thức mà doanh nghiệp cần giải quyết hoặc kết quả kinh doanh mà họ muốn đạt được thông qua việc ứng dụng AI như là một công nghệ vượt trội, thay vì chỉ chạy theo xu hướng.
Thách thức về mặt vĩ mô, theo ông Thắng, mặc dù chỉ số sẵn sàng ứng dụng AI của Chính phủ Việt Nam cao hơn mức trung bình của Đông Á là 51,41, nhưng cũng như các quốc gia khác, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu trong việc khai thác giá trị công nghệ AI. Vì vậy, Việt Nam phải xây dựng một phương pháp tiếp cận AI linh hoạt dựa trên các nguyên tắc đạo đức cơ bản như minh bạch, có trách nhiệm và công bằng. Để hiện thực hóa điều này, có thể tạo ra một cơ chế thử nghiệm AI cho phép các tổ chức và doanh nghiệp có thể thử nghiệm trong môi trường được kiểm soát trước khi công nghệ này được đưa ra sử dụng ở quy mô rộng.