Ứng biến với việc thiếu tàu bay

Câu chuyện thiếu tàu bay là chủ đề nóng tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Vietnam Airlines vừa qua.

Việc thiếu hụt máy bay ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác, mở rộng mạng bay của các hãng hàng không

Việc thiếu hụt máy bay ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác, mở rộng mạng bay của các hãng hàng không

Nguyên nhân thiếu tàu bay

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corp, trong khi nhu cầu đi đường hàng không tăng nhanh sau dịch Covid-19 thì lượng tải thị trường (nguồn cung) lại giảm. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có khoảng 270 tàu bay, giảm 45 - 50 tàu bay so với trước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) Đặng Ngọc Hòa cho biết, tình trạng thiếu hụt máy bay có thể sẽ kéo dài.

Hồi tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney ra thông báo về việc triệu hồi động cơ PW 1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu, nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Tại Việt Nam, các động cơ này được sử dụng trên 42 máy bay Airbus A321 NEO do Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác. Việc triệu hồi động cơ làm 50% số máy bay Airbus A321 NEO phải dừng khai thác từ tháng 1/2024.

Các hãng hàng không hiện xếp hàng mua máy bay mới từ hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus.

“Nếu đặt từ bây giờ thì tới năm 2030 mới được giao tàu”, lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Một chuyên gia ngành hàng không cho hay, lý do sâu xa hơn khiến thị trường hàng không Việt Nam thiếu máy bay là do trong giai đoạn dịch Covid-19 trước đây, nhu cầu đi đường hàng không giảm mạnh, nhiều hãng thua lỗ nên giảm đầu tư, bán máy bay. Tình trạng này diễn ra phổ biến trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á.

Thực tế, các hãng hàng không Đông Nam Á không nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ như các đối thủ lớn ở Mỹ và châu Âu khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với tiềm lực tài chính không mạnh, tình hình kinh doanh xấu đi buộc họ phải trải qua quá trình tái cơ cấu quy mô lớn.

Chẳng hạn, Thai Airways đã thực hiện 400 chương trình cắt giảm chi phí kể từ năm 2021 theo kế hoạch phục hồi. Kết quả, đến tháng 6/2023, hãng đã giảm gần một nửa số lượng nhân viên và hơn một nửa số lượng máy bay. Cụ thể, Thai Airways giảm từ 12 máy bay xuống còn 5 và từ 9 loại động cơ xuống 4 để giảm chi phí bảo trì. Hãng này cũng xem xét lại các hợp đồng thuê máy bay.

Về việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321, 320 NEO, thế giới hiện có trên 1.500 máy bay bị ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi, trong đó 340 chiếc phải dừng hoạt động. Đối với Vietnam Airlines, hãng có 11 máy bay bị triệu hồi động cơ, dự kiến cuối năm 2024 sẽ dừng thêm 6 chiếc.

Lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin thêm, năm nay, Pratt & Whitney sẽ thu hồi hơn 3.000 động cơ trên các máy bay, việc sửa chữa và bảo dưỡng động cơ kéo dài đến 200 ngày. Do đó, tình trạng thiếu máy bay của các hãng hàng không sẽ duy trì sang năm 2025.

Hệ quả của tình trạng trên là giá vé máy bay tăng cao. Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, giá vé máy bay trong nước gần đây tăng 15 - 17%, nhưng còn cách xa giá trần. Trên thế giới, các hãng bay đã tăng giá từ năm 2023 để bù đắp chi phí, tích lũy lợi nhuận phòng xa những tình huống rủi ro khó lường.

“Nếu cung - cầu còn lệch pha, giá vé máy bay khó điều chỉnh giảm”, ông Tuấn nói và chia sẻ, giá vé tăng nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự gia tăng chi phí nhiên liệu và các chi phí khác.

Cuộc đua tậu máy bay

Trước mắt, Vietnam Airlines tổ chức lại đường bay, tăng giờ khai thác, đưa thêm các chuyến tối muộn hoặc bay sớm…

Tình huống trên khiến Vietnam Airlines phải tổ chức lại đường bay, tăng giờ khai thác, đưa thêm các chuyến tối muộn hoặc bay sớm để có dải giá vé rộng hơn, phù hợp với nhiều người.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines không thực hiện kế hoạch trước đây là bán tàu bay A321 cũ, mà giữ lại sử dụng.

Đặc biệt, hãng có kế hoạch đầu tư dự án tàu bay thân hẹp, dự án chuyển đổi cấu hình các tàu bay A321 CEO để nâng cao hiệu quả khai thác thêm ít nhất 15% dung lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát triển trên cơ sở phù hợp với định hướng tái cơ cấu đội tàu bay.

Ngoài ra, Vietnam Airlines quan tâm tới dòng máy bay C919 do Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất. Hãng đang có đề án khai thác đội tàu bay này trong thời gian tới.

Theo Japan Times, hiện cả thế giới chỉ có 4 chiếc C919 đang được khai thác và tất cả đều của hãng China Eastern. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2023, nhà sản xuất COMAC đã nhận khoảng 1.000 đơn đặt hàng C919, chủ yếu từ các hãng bay ở thị trường Trung Quốc.

Bản tiêu chuẩn của C919 có sức chứa 192 hành khách, tầm bay khoảng 4.600 km cho phiên bản tiêu chuẩn và 5.555 km cho phiên bản điều chỉnh. Ưu thế cạnh tranh lớn nhất của C919 là giá. Mỗi chiếc C919 đang được bán với giá 99 triệu USD, thấp hơn từ 6 - 11% so với đối thủ. Điều này khiến C919 phù hợp với các hãng bay nhỏ, chuyên khai thác những chặng bay ngắn. Đây cũng là mục tiêu mà Vietnam Airlines tính đến khi nghiên cứu dòng máy bay này, bởi thời gian giao hàng chậm từ Boeing và Airbus là hiện hữu trong bối cảnh các hãng hàng không thế giới đang chạy đua kế hoạch mua sắm tàu bay mới.

Tại Đông Nam Á, một loạt hãng hàng không đang rốt ráo ký các hợp đồng mua máy bay lớn trong cuộc đua tận dụng nhu cầu khi du khách quay trở lại khu vực.

Thai Airways đã ký hợp đồng với Boeing và một số nhà sản xuất khác để mua tổng cộng 45 máy bay, kế hoạch là tăng đội bay từ 70 chiếc vào cuối năm 2023 lên 96 chiếc vào năm 2033. Trước đại dịch Covid-19, hãng có 103 máy bay vào năm 2019.

Philippine Airlines quyết định tăng gấp 3 lần vốn đầu tư lên 450 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2024, nhằm nâng cấp và bảo dưỡng đội bay. Hãng dự kiến đặt hàng 22 máy bay mới cho các tuyến bay đến Bắc Mỹ và các khu vực khác.

Trước đó, Philippine Airlines đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ do ảnh hưởng của đại dịch. Vào năm 2020, hãng đã giảm chi phí hoạt động bay và bảo trì thiết bị gần 50% so với năm 2019.

Garuda Indonesia dự kiến có thêm 8 máy bay mới trong năm 2024, nâng đội bay hoạt động lên 80 chiếc.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong khu vực gia tăng đang làm cho các hãng hàng không trở nên lạc quan. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo, doanh thu hành khách tính theo ki-lô-mét của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 có thể tăng 17%, đây sẽ là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Vietnam Airlines kỳ vọng, doanh thu năm 2024 sẽ đạt 105.946 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023 và lãi sau thuế hơn 4.233 tỷ đồng. Tuy nhiên, do 4 năm qua liên tiếp thua lỗ nên hãng đang gặp khó khăn về dòng tiền. Hãng hàng không quốc gia này đã lên phương án tăng vốn điều lệ và trình các bộ, ban, ngành để phê duyệt đề án. Việc tăng vốn có thể thực hiện theo hai hình thức: một là, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; hai là, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Phương Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ung-bien-voi-viec-thieu-tau-bay-post348485.html
Zalo