UNESCO ghi nhận kết quả tích cực về bảo tồn di sản Hoàng Thành Thăng Long
Ngày 10/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Liên Hợp Quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản Thế giới đã nhất trí thông qua Quyết định về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long.
Chiều tối ngày 10/7 theo giờ địa phương, tại trụ sở của UNESCO ở Paris (Pháp), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới, Chủ tịch Ủy ban Nikolay Nenov đã gõ búa thông qua Quyết định số 47 COM 7B.92 về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, theo đó, ghi nhận kết quả tích cực quốc gia thành viên đã thực hiện tốt các khuyến nghị của Kỳ họp Ủy ban năm 2024, trong đó có Tầm nhìn trục chính tâm, chiến lược khảo cổ học và chiến lược diễn giải di sản Hoàng Thành Thăng Long.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vào tháng 6/2025, nhân dịp chuyến thăm chính thức Việt Nam
Đặc biệt, Ủy ban Di sản thế giới khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu liên ngành sau khi hạ giải các tòa nhà đã được Ủy ban thông qua, để bổ sung, làm rõ Tầm nhìn trục chính tâm Hoàng Thành Thăng Long, trọng tâm là phục dựng Điện Kính Thiên và Không gian Chính Điện Kính Thiên.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực và tôn trọng của Việt Nam trong việc giải quyết kịp thời các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, đồng thời tiếp nối sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và UNESCO, Đoàn liên ngành Trung tâm Di sản thế giới/ICOMOS sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 7/2025, nhằm đánh giá các nỗ lực triển khai của Việt Nam, tư vấn chuẩn bị hồ sơ khoa học để đệ trình Báo cáo tình trạng bảo tồn khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, đề xuất chiến lược phục dựng Điện Kính Thiên và không gian Chính Điện Kính Thiên trước ngày 1/2/2026, và Ủy ban Di sản thế giới sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần thứ 48 năm 2026.
Ủy ban Di sản thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức UNESCO, với sự tham dự của 21 thành viên, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới. Kỳ họp lần này sẽ xem xét 30 đề cử mới, mở rộng 2 di sản và rà soát tình trạng bảo tồn 248 di sản thế giới đã được ghi danh.