UNCLOS 1982 tạo môi trường để Việt Nam bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông

UNCLOS 1982 tạo dựng một môi trường hòa bình để Việt Nam có thể phát triển kinh tế biển, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm UNCLOS có hiệu lực. (Ảnh: Anh Sơn)

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm UNCLOS có hiệu lực. (Ảnh: Anh Sơn)

Trả lời phỏng vấn TG&VN trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 có hiệu lực do Bộ Ngoại giao tổ chức vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh tính toàn diện của bản “Hiến pháp về biển và đại dương" cũng như sự tham gia tích cực, thiện chí và xuyên suốt của Việt Nam.

Ông có thể đánh giá ý nghĩa và vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 sau 3 thập kỷ thực thi?

UNCLOS có hiệu lực cách đây tròn 30 năm. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất mà cộng đồng quốc tế đã thông qua trong thế kỷ XX, góp phần tạo dựng môi trường pháp lý trên biển và được nhiều chuyên gia, học giả đánh giá là bản “Hiến pháp về biển và đại dương”.

UNCLOS có những quy định rất chặt chẽ về xác định các vùng biển, xác lập quyền, chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia đối với các vùng biển. Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để các nước phân định các vùng biển, tránh các tranh chấp phát sinh.

Công ước có cơ chế mở để tạo điều kiện cho các hiệp định, công ước thực thi nội dung chuyên ngành. Điển hình mới nhất có thể kể đến là năm 2023, các nước đã ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Đây là minh chứng cho ý nghĩa mở của Công ước, điều chỉnh các vấn đề mới, phát sinh mà cuộc sống thực tế đặt ra cho chúng ta.

Sau khi UNCLOS được thông qua, Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn. Ông đánh giá như thế nào về bước ngoặt đó đối với Việt Nam?

Với Việt Nam, Công ước có ý nghĩa quan trọng đối với quyền và lợi ích của chúng ta ở trên biển cũng như tạo dựng môi trường hòa bình để Việt Nam có thể phát triển kinh tế biển, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Trên cơ sở các quy định của Công ước, chúng ta đã đàm phán với các nước liên quan để ký kết các hiệp định phân định biển, đặc biệt là với Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. Chúng tôi cho rằng Công ước có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là với các nước ven biển và trong đó có Việt Nam.

Lá cờ Tổ quốc tung bay tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa, Biển Đông tháng 4/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Lá cờ Tổ quốc tung bay tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa, Biển Đông tháng 4/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông nhận định ra sao về nỗ lực của các nước trong việc đàm phán các công ước, hiệp định trong khuôn khổ UNCLOS nhằm “tiếp lửa” cho sức sống của Công ước trong bối cảnh mới?

UNCLOS có tính mở, là cơ sở để tiếp tục phát triển trong lĩnh vực luật biển, đặc biệt là lĩnh vực chuyên ngành. BBNJ là điển hình, cho thấy rõ rằng UNCLOS cho phép các quốc gia tiếp tục đàm phán tiến tới ký kết các công ước, hiệp định điều chỉnh các vấn đề mới của luật pháp quốc tế.

Thời gian tới, cộng đồng quốc tế tiếp tục nghiên cứu, đàm phán các vấn đề mới, phát sinh trên biển và đại dương, trong đời sống thực tiễn pháp lý quốc tế, ví dụ như vấn đề nước biển dâng.

Có thể thấy rõ Việt Nam không chỉ tích cực, chủ động trong thực thi và thúc đẩy thực thi UNCLOS mà còn nỗ lực phát triển UNCLOS trong tình hình mới. Nhìn lại hành trình ngoại giao pháp lý liên quan đến UNCLOS của Việt Nam, ông nhận định như thế nào?

Ngay từ đầu, Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào quá trình đàm phán Công ước. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước năm 1996. Thời gian qua, Việt Nam tham gia rất tích cực vào các tiến trình đàm phán BBNJ, từng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương (ISA), có cán bộ tham gia vào Ủy ban pháp lý kỹ thuật của cơ quan xác định thềm lục địa mở rộng.

Việt Nam đã quyết định cử chuyên gia ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035 (Tiến sĩ Nguyễn Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao). Ngoài ra, Việt Nam cùng với 11 nước đã sáng lập ra Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 tại Liên hợp quốc, đã có hơn 100 nước tham gia vào Nhóm này để thúc đẩy UNCLOS nói chung.

Đó là những minh chứng cho thấy Việt Nam đề cao vai trò và giá trị của UNCLOS, tích cực tham gia cùng các nước để bảo đảm giá trị của UNCLOS đối với đời sống quốc tế hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trả lời phỏng vấn TG&VN về giá trị của UNCLOS, Trưởng đại diện các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis khẳng định UNCLOS vẫn còn có ý nghĩa sau 30 năm thực thi. Bà Pauline Tamesis đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục đối thoại, thảo luận, đặc biệt là hợp tác quốc tế để thực hiện thành công UNCLOS.

Nỗ lực này góp phần vào việc bảo đảm các tranh chấp được giải quyết thông qua khuôn khổ quốc tế và luật pháp quốc tế. Đại diện LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh việc cần giải quyết các vấn đề mới nổi mà trước đây quốc tế chưa hình dung ra khi UNCLOS được phê chuẩn, những vấn đề cần được thảo luận hiện nay là bảo tồn biển.

“Đối với nhiều người trong chúng ta, kinh tế biển là một chủ đề quan trọng. Chúng ta cần thảo luận xem UNCLOS có thể giúp ích và bảo đảm các quốc gia tiếp tục hợp tác như thế nào, qua đó đóng góp cho nhiều nỗ lực khác của LHQ như hội nghị của LHQ về đại dương vào năm tới”, bà Pauline Tamesis chia sẻ. Trưởng đại diện LHQ tại Việt Nam cho rằng LHQ và Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy liên kết kinh tế biển, bảo tồn đại dương và phát triển bền vững.

Phạm Hằng (thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/unclos-1982-tao-moi-truong-de-viet-nam-bao-ve-chu-quyen-tai-bien-dong-298447.html
Zalo