Ùn tắc giao thông… không phải do Nghị định 168
Sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. TNGT giảm cả 3 tiêu chí, ý thức chấp hành quy định về giao thông đã được nâng cao hơn trước…
Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 đã tạo ra một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân lẫn thực tiễn xã hội.
Tuy nhiên, một số người không có ý thức tuân thủ, cùng với các thế lực thù địch lợi dụng chính sách pháp luật mới để đưa ra những luận điều xuyên tạc, thông tin sai sự thật, lợi dụng quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 168 để bình luận tiêu cực, kích động chống đối pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Xung quanh vấn đề trên, PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, không phải do Nghị định 168
Những ngày qua, tại một số địa phương có xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, theo luật sư nguyên nhân gây ùn tắc là gì?
- Phải khẳng định, ùn tắc giao thông xảy ra có nhiều nguyên nhân, chứ không phải do triển khai Nghị định 168 như một số bình luận trên mạng xã hội.
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra tại các thành phố lớn. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa, tình trạng ùn tắc giao thông là điều không tránh khỏi. Không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, tại các thành phố lớn, đông dân đều xảy ra tình trạng ôn tắc giao thông ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng thời điểm, từng bối cảnh kinh tế xã hội. Ở nhiều quốc gia phát triển, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển, hạ tầng giao thông tốt nhưng vẫn có những vụ tắc giao thông kéo dài nhiều giờ, thậm chí Trung Quốc còn có những vụ tắc giao thông kéo dài trên đường cao tốc.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông như hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông, xảy ra những vụ việc tai nạn giao thông, hỏng đèn tín hiệu hoặc do ý thức của người tham gia giao thông không tốt dẫn đến xung đột giao thông, xảy ra ùn tắc giao thông.
Do đó, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân chứ không phải do thực hiện Nghị định về xử phạt. Ở Việt Nam, những ngày cuối năm, số người tham gia giao thông tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, việc ách tắc giao thông ở các thành phố lớn dịp cận Tết là chuyện xảy ra từ rất nhiều năm nay và khá phổ biến, không kể khung giờ nào. Năm nay việc ít tắc giao thông vẫn xảy ra đó là chuyện hết sức bình thường, chứ không phải nguyên nhân từ Nghị định 168.
Khi triển khai Nghị định 168, nhiều người dân đã dừng đột ngột trước hệ thống đèn tín hiệu, thậm chí đèn xanh còn 5 giây, nhiều người vẫn dừng xe vì sợ phạt, luật sư nhìn nhận thế nào?
- Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông phải chấp hành đèn tín hiệu, tuân thủ biển báo giao thông. Tuy nhiên những người điều khiển phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy thường vi phạm những lỗi này, không để ý, không tuân thủ tín hiệu đèn ở các điểm giao cắt dẫn đến những hành vi vi phạm này xảy ra khá phổ biến.
Khi Nghị định 168 có hiệu lực, mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn tín hiệu là rất nghiêm khắc, có thể tới 6.000.000 đồng đối với xe mô tô, 20.000.000 đồng đối với xe ô tô. Do đó, một số người sợ phải nộp phạt mà dừng đột ngột trước đèn đỏ. Đây không phải là do Nghị định mà do kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông.
Về nguyên tắc là đèn giao thông có ba loại là đỏ, xanh, vàng. Theo đó học sinh mầm non, học sinh phổ thông cũng đã được học và nhận thức được là đèn đỏ dừng lại, đèn vàng đi chậm và đèn xanh được đi qua …Tuy nhiên, thực tiễn, nhiều người chỉ khi đèn đỏ mới dừng lại, đèn vàng vẫn cố tình vượt qua. Khi có nghị định 168 về tăng mức xử phạt, nhiều người sợ vượt đèn đỏ nên khi còn vài giây đèn xanh, họ đã dừng lại. Nếu họ phanh gấp đột ngột, đó là kỹ năng lái xe còn khi đèn xanh còn vài giây họ đi chậm lại rồi dừng trước vạch sơn là kỹ năng thông thường, bắt buộc với người điều khiển phương tiện giao thông. Bởi vậy, việc một số người thiếu kỹ năng khi tham gia giao thông, thiếu chú ý quan sát nên giật mình mà phanh gấp trước khi đèn đỏ, đó là lỗi cá nhân chứ không phải do văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với một số đèn tín hiệu bị hư hỏng đó là chuyện bình thường vì là phương tiện điện tử, có thời hạn sử dụng và hoàn toàn có thể gặp lỗi bất kỳ lúc nào. Khi đèn tín hiệu bị hư hỏng, coi như không có đèn tín hiệu, người tham gia giao thông không có nghĩa vụ phải chấp hành đèn tín hiệu hỏng. Ngoài ra, khi có hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, người dân sẽ tuân thủ theo hiệu lệnh chứ không tuân thủ theo đèn. Khi có xe cấp cứu, xe ưu tiên khác, người điều khiển phương tiện có thể vượt đèn đỏ để tránh đường cho xe ưu tiên, trong tình huống này sẽ không được coi là vi phạm. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu biết pháp luật lại chấp hành luật giao thông một cách cứng nhắc và không biết ứng xử trong các tình huống đặc biệt nên gây ra những hiểu lầm trong dư luận xã hội.
Ý thức người dân đã tăng cao
Sau 15 ngày triển khai Nghị định 168, ý thức chấp hành quy định về giao thông của người dân đã được nâng cao hơn trước?
- Có thể khẳng định, từ khi Nghị định 168 ban hành và đi vào đời sống, tình trạng vi phạm giao thông đã giảm đáng kể, ý thức của người tham gia giao thông tốt hơn, những vụ tai nạn giao thông ở các đô thị giảm đi cả về số vụ, số người chết và giảm về tính chất nghiêm trọng.
Số liệu thống kê từ Cục CSGT cho thấy, trong nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (từ ngày 1/1 đến ngày 14/1), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp GPLX bị trừ điểm. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 22.786 trường hợp (-11,54%).
Cùng với đó, tình hình TNGT cũng đã có chuyển biến rõ rệt, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ TNGT, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41%), giảm 426 người bị thương (-34,24%), so với trước liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%).
Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông phải chấp hành các quy định của Luật trật tự ATGT đường bộ, trường hợp nào cố tình không chấp hành sẽ bị áp dụng chế tài là bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 168. Có hai điểm đáng lưu ý tại Nghị định này đó là tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm phổ biến, lỗi ý, có nguy cơ gây tai nạn giao thông và tính điểm giấy phép lái xe để trừ điểm khi người tham gia giao thông vi phạm pháp luật.
Nghị định 168 gần như không có tác động gì đối với những người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không có hành vi vi phạm. Chỉ có những người có ý thức coi thường pháp luật, thường xuyên vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, không dừng đường cho xe ưu tiên, không tuân thủ đèn tín hiệu, không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, đi xe trên vỉa hè, đi vào đường cấm …. thì mới thấy lo sợ vì họ thường xuyên vi phạm những lỗi này mà không bị xử lý hoặc bị xử lý với lỗi mức xử phạt rất thấp theo Nghị định 100.
Khi nghị định mới có hiệu lực tăng mức xử phạt, người dân không dám vi phạm nữa vì mức phạt nghiêm khắc nên tỏ ra ấm ức, khó chịu. Nếu người tham gia giao thông có ý thức tuân thủ, mức phạt dù cao hay thấp không tác động gì với họ cả.
Người tham gia giao thông phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phải đi đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ, có chú ý quan sát và làm chủ tốc độ. Việc quan sát các biển báo, biển chỉ dẫn, quan sát đèn tín hiệu là nghĩa vụ của người điều khiển phương tiện giao thông, thậm chí không chỉ quan sát thông thường mà còn phải “chú ý quan sát” để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người khác. Nếu thiếu chú ý quan sát gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy một số người cho rằng do vô ý không nhìn đèn tín hiệu hoặc vô ý không nhìn biển hiệu mà vi phạm giao thông là ngụy biện, bao biện cho hành vi vi phạm của mình. Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát chứ không chỉ là quan sát thông thường. Tất cả các hành vi thiếu chú ý quan sát đều có thể gây ra tai nạn giao thông, xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của bản thân và của người khác.
Một số người cho rằng trèo lên vẻ hè để đi cho nhanh, cho kịp giờ làm, kịp đón con đã thành thói quen, bây giờ không dám trèo lên vẻ hè vì sợ mức phạt cao và phản ứng tiêu cực với Nghị định 168 là hoàn toàn không phù hợp. Chính vì ý thức kém, không tuân thủ luật lệ an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ và có nguy cơ gây tai nạn giao thông, gây ra những hình ảnh phản cảm nên buộc phải nâng mức chế tài đối với hành vi này để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, cho không gian công cộng, thể hiện ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, những người có ý thức kém không tuân thủ pháp luật lại thường xuyên vi phạm pháp luật mà điển hình nhất là vi phạm giao thông đường bộ. Những người vượt đèn đỏ thường sẽ là những người không đội mũ bảo hiểm và không có giấy phép lái xe phù hợp, thậm chí xe không có biển số, không đủ điều kiện tham gia giao thông…Đáng chú ý, những người vi phạm giao thông thường lại là những người sẵn sàng dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn khi và chạm giao thông. Những hiện tượng đó cho thấy những người vi phạm giao thông thường là những người có ý thức coi thường pháp luật, thiếu ý thức tuân thủ pháp luật và rất dễ gây ra xung đột trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, khi tổng kết thực tiễn áp dụng nghị định 100 và nghị định 123 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho thấy một số hành vi có chế tài không đủ sức răn đe, nếu cứ tiếp tục áp dụng mức xử phạt như vậy thì hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, việc tăng mức chế tài được quy định trong nghị định 168 là trên cơ sở tổng kết thực tiễn, trên cơ sở ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của nhiều người chưa tốt.
Tăng mức xử phạt không phải để tăng nguồn thu ngân sách
Những ngày qua các đối tượng thù địch, những phần tử chống đối, bất mãn đã lợi dụng chính sách pháp luật để đưa ra những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc như tăng mức xử phạt để tăng nguồn thu ngân sách?
- Theo nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ, số tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số xe được sử dụng để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông chứ không sử dụng vào mục đích khác.
Bởi vậy, mục đích của nhà nước tăng mức chế tài là đánh vào ý thức của người tham gia giao thông phải để giảm thiểu các hành vi vi phạm giao thông chứ không phải mục đích để thu tiền về ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, những ngày qua các đối tượng thù địch, những phần tử chống đối, bất mãn đã lợi dụng chính sách pháp luật mới để đưa ra những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc như tăng mức xử phạt để tăng nguồn thu ngân sách, cố ý để đèn hỏng để bẫy người vi phạm giao thông, phạt vượt đèn đỏ, người đi trên vỉa hè là đánh vào dân nghèo, thậm chí các đối tượng cần còn cho rằng un tắc giao thông ở các thành phố lớn dịp cuối năm là do Nghị định 168… Đây rõ ràng là những nhận thức không đúng đắn, không đầy đủ, thậm chí còn có những giọng điệu xuyên tạc nhầm phá rối trật tự an toàn xã hội.
Tôi cho rằng, việc tăng mức chế tài chỉ là giải pháp trước mắt để đánh vào ý thức của người tham gia giao thông, ngoài việc tăng mức chế tài, Nhà nước đã và đang thực hiện đồng bộ rất nhiều các giải pháp trong đó có giải pháp về xây dựng hạ tầng giao thông, trang bị các thiết bị điện tử, tự động hóa trong điều khiển giao thông, phân luồng bố trí lại giao thông và phát triển các phương tiện công cộng, phân bố lại dân cư cũng như các giải pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông …
Tăng mức xử phạt chỉ tác động vào một bộ phận trong xã hội đó là những người có ý thức kém, thường xuyên vi phạm giao thông chứ không ảnh hưởng gì đối với đại đa số những người chấp hành tốt. Bởi vậy, những phản đối việc tăng mức chế tài thường là những người có ý thức kém, thường xuyên vi phạm giao thông, đó là những người không có ý thức tuân thủ hoặc các thành phần bất mãn chống đối lợi dụng chính sách pháp luật mới để đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm làm suy giảm uy tín của đảng và của nhà nước với nhân dân phục vụ cho mục đích phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.