Ún Tà - điểm sáng trong xây dựng thôn nông thôn kiểu mẫu
Về thôn Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai), chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ nét của một vùng quê đang trên đà phát triển: Những con đường được đổ bê tông sạch sẽ, ngôi nhà ngói mới khang trang, đời sống Nhân dân được nâng cao... Ún Tà xứng đáng với danh hiệu 'Thôn kiểu mẫu'.
Đến thôn Ún Tà, ấn tượng đầu tiên là tuyến đường giao thông được đổ bê tông trải dài từ đầu đến cuối thôn, nối liền các hộ dân trong từng ngõ xóm. Để có được những con đường đẹp như vậy, người dân trong thôn đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng chục héc-ta đất và hoa màu. Tất cả đều được làm từ tinh thần tự giác và tự nguyện của người dân.
Ông Đinh Văn Hạnh, Trưởng thôn Ún Tà cho biết: Khi xã bắt đầu xây dựng nông thôn mới, việc triển khai làm đường giao thông gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ trong thôn khi đó là hộ nghèo, kinh tế eo hẹp nên đóng góp còn hạn chế. Nhưng khi Ban Phát triển thôn làm công tác tư tưởng, tuyên truyền về lợi ích của việc làm đường thì người dân đồng thuận ngay. Vậy là đường giao thông làm đến đâu, người dân tự giác dỡ bỏ hàng rào, phá bỏ hoa màu tới đó để hiến đất phục vụ thi công. Từ khi đường giao thông nông thôn hoàn thành, ô tô có thể vào từng ngõ xóm thu mua nông sản, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.
Với đất sản xuất ít, nếu chỉ độc canh cây lúa thì người dân chỉ đủ ăn chứ khó có “của để”. Làm gì để phát triển kinh tế là bài toán khó với thôn Ún Tà. Nhận thấy lợi thế của thôn gần trung tâm thành phố, Ban Phát triển thôn đã họp, bàn với người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Cây trồng chủ lực được lựa chọn là rau, vật nuôi là trâu sinh sản, cá thương phẩm. Khuyến khích một số hộ phát triển kinh doanh thương mại - dịch vụ như làm cơm lam, bánh nếp (bánh rợm, bánh chưng, bánh gù). Nhờ bước đi đúng, đến nay thôn có 27 hộ nuôi trâu sinh sản với tổng đàn hơn 100 con; 10 hộ nuôi cá với tổng diện tích hơn 4 ha, sản lượng đạt 40 - 45 tấn/năm; 11 hộ chuyên làm cơm lam, bánh nếp bán ra thị trường và hàng chục hộ làm dịch vụ xay xát, kinh doanh hàng tạp hóa…
Khi đời sống kinh tế và nhận thức của người dân được nâng lên, việc vận động các hộ đóng góp cho những hoạt động công ích thuận lợi hơn. Năm 2022, người dân đã đóng góp tiền xây tường bao, sân nhà văn hóa, làm đường liên gia, ngõ xóm, tuyến đường điện chiếu sáng năng lượng mặt trời dọc đường trục thôn và trồng hàng rào cây xanh, hoa ven đường. Tổng giá trị các hạng mục là hơn 260 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tiêu chí văn hóa xã hội cũng được thôn quan tâm duy trì. Ban Phát triển thôn luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư. Trong thôn không phát sinh các tệ nạn xã hội. An ninh, trật tự khu dân cư luôn được giữ vững. Năm 2022, thôn có 99,5% hộ đạt “Gia đình văn hóa”; nhiều năm liền thôn đạt “Thôn văn hóa tiêu biểu”.
Vấn đề vệ sinh môi trường là nội dung được thôn đang phấn đấu. Tiêu biểu là mô hình nhà sạch, vườn đẹp được 100% hộ trong thôn hưởng ứng tham gia, góp phần làm cho diện mạo thôn thay đổi…
Ông Lục Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc San cho biết: Thôn có 97% hộ thuộc dân tộc Giáy, là thôn tiêu biểu nhất trong xây dựng nông thôn mới của xã với các chỉ tiêu đạt cao như tỷ lệ hộ nghèo còn 2%, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm, 90% đường trục thôn có điện chiếu sáng, 95% hộ đạt tiêu chí nhà ở dân cư…
Với những kết quả đạt được, thôn Ún Tà đã được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Lào Cai công nhận là “Thôn kiểu mẫu” năm 2021.