Ukraine tạo ra 'đại lộ tử thần' tại Kursk nhằm đưa Nga vào bẫy phục kích
Gần 4 tháng sau khi quân đội Ukraine phát động chiến dịch đột kích lớn ở tỉnh Kursk của Nga, các binh sỹ Ukraine chiến đấu tại đây đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về trận chiến mà họ không hiểu rõ và mối lo ngại bị tấn công thường trực. Rơi vào thế bí, các lực lượng nước này đã áp dụng chiến thuật xây dựng 'đại lộ tử thần' ở Kursk.
“Đại lộ tử thần” tại Kursk
Vào giữa tháng 10, quân đội Ukraine đã biến một đoạn đường nhựa ngắn ở Kursk thành "đại lộ tử thần" và 6 tuần sau, họ lại tiếp tục làm điều này, ông Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của bộ trưởng nội vụ Ukraine cho biết.
Một video do Tiểu đoàn tấn công 225 của Ukraine đăng tải vào tuần trước cho thấy ít nhất 10 phương tiện mới của Nga bị phá hủy bên cạnh xác của những phương tiện cũ hơn. "Con đường qua Zelenyi Shlyakh đã trở thành cái bẫy đối với lực lượng Nga. Các cánh đồng bị rải mìn, con đường bị pháo binh của chúng tôi nhắm tới và mọi động thái của đối phương đều được theo dõi cẩn thận", Tiểu đoàn tấn công 225 thông báo.
Các phương tiện của Nga từ 4 lữ đoàn và trung đoàn lính thủy đánh bộ, lính dù vẫn tiếp tục tấn công dọc theo tuyến đường đường gần Zelenyi Shlyakh, một ngôi làng nhỏ ở rìa phía tây của tỉnh Kursk. Trong khi đó, Ukraine cho biết, lực lượng nước này tiếp tục đánh bật họ bằng mìn, máy bay không người lái và pháo binh.
Video và hình ảnh từ hiện trường cho thấy các cuộc tấn công của Nga vào tháng 10 chủ yếu sử dụng xe chiến đấu bộ binh BTR-82 từ lô khí tài quân sự có ít nhất 40 xe 8 bánh, mỗi xe nặng16 tấn mà Điện Kremlin vừa chuyển giao cho tiền tuyến.
Nhiều khả năng Nga đang cạn kiệt xe chiến đấu bộ binh BTR-82. Bên cạnh đó, nước này cũng bị mất nhiều xe chiến đấu bộ binh BMP và BMD, xe kéo bọc thép MT-LB, xe tải bọc thép Buran, Tiểu đoàn tấn công 225 đánh giá.
Bất chấp việc sử dụng những chiến thuật tinh vi, các đơn vị Ukraine tại Kursk cho biết, họ không thể so bì với Nga về binh sỹ và vũ khí.
Một binh sỹ Ukraine nói rằng: “Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi không thấy mục tiêu. Lãnh thổ của chúng tôi không ở đây”. Các binh sỹ Ukraine, vốn đang kiệt sức trước những cuộc tấn công của Nga, đã nhận mệnh lệnh phải cố gắng bám trụ cho đến khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Ông Oleksandr, chỉ huy đơn vị thuộc tiểu đoàn tấn công 225 nói rằng: “Tôi có cảm tưởng như Nga có nguồn nhân lực vô hạn. Họ cử hết nhóm này đến nhóm khác tiến lên”.
Lính Ukraine “mất ăn mất ngủ”
Các binh sỹ Ukraine cho biết, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng mất ngủ kinh niên do những vụ pháo kích liên tục từ phía Nga đã làm suy giảm sức chiến đấu của họ. Nhiều đơn vị Ukraine phải rút lui còn Nga dần giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Một binh sỹ có biệt danh Pavlo cho biết: “Xu hướng này sẽ tiếp tục. Mọi thứ chỉ là vấn đề thời gian”.
Các lực lượng Ukraine tại Kursk đang phải chịu áp lực rất lớn, liên tục bị quân đội Nga đe dọa. Binh sỹ Pavlo cho biết, họ rơi vào tình trạng kiệt sức nghiêm trọng do thiếu luân chuyển quân và không được nghỉ ngơi. Nhiều đơn vị có các binh sỹ lớn tuổi, đến từ những mặt trận khác.
Chiến dịch tấn công Kursk vào tháng 8/2024 đánh dấu một thành công chiến thuật hiếm hoi của Ukraine. Đã có nhiều lời chỉ trích cho rằng, việc Kiev sử dụng đáng kể nhân lực và thiết giáp trong cuộc tấn công đã đến tình trạng thiếu hụt binh sỹ, vũ khí ở những nơi khác, khiến Nga đạt được bước tiến đáng kể trên khắp mặt trận Donbas.
Trái lại, những người ủng hộ nhận định, chiến dịch tấn công Kursk đã cung cấp cho Kiev đòn bẩy quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai có thể do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine cần phải giữ vững vùng lãnh thổ chiếm được ít nhất là cho đến mùa xuân năm 2025.
Binh sỹ Oleksandr bày tỏ tin tưởng các lực lượng nước này có thể trụ vững, nhưng thừa nhận vẫn còn nhiều điều ông chưa nắm rõ về chiến dịch này. "Tôi không biết mục tiêu thực sự là gì. Có lẽ chúng tôi nên cố thủ ở đây trong 4 tháng rồi rời đi. Nếu mục tiêu là giữ vững những vùng lãnh thổ này cho đến một thời điểm nhất định, chúng tôi sẽ làm như vậy”.
Khi được hỏi về thông điệp dành cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Oleksandr mong muốn phương Tây duy trì các đảm bảo an ninh mà họ đã trao cho Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong một hiệp ước năm 1994 được gọi là Bản ghi nhớ Budapest. Theo hiệp ước này, trong đó Nga, Anh và Mỹ đã đưa ra các đảm bảo cho Ukraine, Belarus và Kazakhstan để đổi lấy việc 3 quốc gia từ bỏ vũ khí hạt nhân có từ thời Liên Xô.
Ông Oleksandr cho biết các cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk trong thời gian gần đây đã không đạt hiệu quả, trong khi nước này phải chịu tổn thất lớn. Giới chức Ukraine, thừa nhận Nga đã giành lại 40% diện tích lãnh thổ mà Kiev chiếm được vào cuối mùa hè.
Một số binh sỹ khác cho rằng, họ đang ở sai vị trí: “Vị trí của chúng tôi phải ở miền đông Ukraine, chứ không phải ở đây, trên lãnh thổ của quốc gia khác. Chúng tôi không cần những cánh rừng tại Kursk, nơi rất nhiều đồng đội đã thương vong", binh sỹ Pavlo cho biết.
Để giúp Ukraine đẩy lùi các cuộc phản công của Nga tại Kursk, Mỹ, Anh và Pháp đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa chống lại các mục tiêu ở Nga. Điều này vẫn chưa thể giúp củng cố tinh thần chiến đấu của các binh sỹ trên mặt trận. "Không ai ngồi trong chiến hào lạnh lẽo và cầu nguyện sẽ nhận được tên lửa nhanh chóng. Chúng tôi sống và chiến đấu ở đây. Còn tên lửa bay thì bay ở nơi khác", binh sỹ Pavlo nói.
Tệ lửa ATACMS và tên lửa Storm Shadow có thể đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các điểm chỉ huy xa xôi và kho đạn dược của Nga, nhưng các binh sỹ trên tiền tuyến vẫn chưa cảm nhận được điều này, một binh sỹ khác của Ukraine là Myroslav cho biết.
Theo binh sỹ Oleksandr, Nga đã triển khai lực lượng lính dù được huấn luyện bài bản từ Lữ đoàn 76, trong đó có cả các binh sỹ người Chechnya tại Kursk, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy 12.000 binh sỹ Triều Tiên được điều đến đây. Cách đây 3 tuần, đơn vị của ông Oleksandr đã phải đối mặt với một cuộc tấn công mạnh mẽ của Nga với khoảng 40 xe bọc thép và 300 lính bộ binh.
Tại Kiev, các chỉ huy cấp cao đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch tấn công Kursk, tuyên bố rằng chiến dịch này mang lại cả lợi ích quân sự và chính trị cho họ. “Cuộc tấn công khiến Tổng thống Putin lo ngại vì Nga đang phải chịu tổn thất rất lớn", một chỉ huy cho biết. Trả lời câu quân đội Ukraine sẽ có thể giữ Kursk trong bao lâu, chỉ huy này nói rằng, điều đó phụ thuộc vào mức độ khả thi về mặt quân sự.