Ukraine muốn dàn tiêm kích hùng hậu đến từ cả Mỹ và châu Âu

Đáng chú ý, cả 4 loại máy bay được nêu tên đều là tiêm kích thế hệ thứ 4 hiện vẫn đang được không quân nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng phổ biến.

Không quân Ukraine có thể sớm sở hữu dàn máy bay chiến đấu hùng hậu bao gồm không chỉ tiêm kích F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất, mà còn bao gồm các mẫu "chim sắt" từ châu Âu là Dassault Mirage 2000 của Pháp, JAS 39 Gripen của Thụy Điển và Eurofighter Typhoon của tập đoàn quốc phòng đa quốc gia MBDA.

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên truyền hình quốc gia vào ngày 22/9.

"Chúng tôi đã có cam kết từ các đối tác của mình về máy bay chiến đấu F-16 và cam kết về máy bay chiến đấu Mirage. Các cuộc tham vấn đang được tiến hành liên quan đến máy bay chiến đấu Gripen cũng như máy bay phản lực Eurofighter", vị quan chức quốc phòng hàng đầu Ukraine nói.

"Đây là một đội hình hùng hậu, và chúng tôi đang thảo luận về mốc thời gian khi chúng sẽ được giao. Chúng tôi sẽ sớm có kết quả… và chúng tôi sẽ cho các vị biết sau", ông Umerov bổ sung.

Tiêm kích Mirage 2000N của Pháp và Eurofighter Typhoon FGR.4 của Anh tham gia cuộc tập trận Capable Eagle ở miền Bắc nước Anh, năm 2013. Ảnh: Aviationist

Vài tuần sau khi lô máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon (Chim Cắt) đầu tiên được chuyển giao cho Ukraine, Kiev đang thảo luận nâng cao với các đối tác quốc tế của mình về việc chuyển giao thêm các loại máy bay chiến đấu phương Tây khác để sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.

Bộ trưởng Umerov lưu ý rằng Nga hiện đang sử dụng tới 300 máy bay và số lượng trực thăng tương tự trong cuộc chiến chống lại Ukraine, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với quân đội Ukraine.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi giải thích với các đối tác của mình về số lượng lữ đoàn hoặc phi đoàn mà chúng tôi cần. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã giải thích với họ và biện minh cho những nền tảng mà chúng tôi cần. Trong bối cảnh này, chúng tôi đã làm việc vào năm ngoái để tập trung vào đào tạo phi công, vào việc có được các nền tảng, vào việc xây dựng tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết", ông nói thêm.

Đáng chú ý, cả 4 loại máy bay được nêu tên đều là tiêm kích thế hệ thứ 4 hiện vẫn đang được không quân nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng phổ biến.

“Điểu sư” JAS-39 Gripen E phục vụ trong Không quân Thụy Điển, Không quân Cộng hòa Séc và Không quân Hungary, và được Không quân Nam Phi, Không quân Thái Lan đặt hàng. Ảnh: Aerospace Global News

“Điểu sư” JAS-39 Gripen E phục vụ trong Không quân Thụy Điển, Không quân Cộng hòa Séc và Không quân Hungary, và được Không quân Nam Phi, Không quân Thái Lan đặt hàng. Ảnh: Aerospace Global News

Trong khi Dassault Mirage 2000 được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết chuyển giao trong một sự kiện hồi tháng 6, và gần đây quân đội Thụy Điển tuyên bố đang tạo điều kiện cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen trong tương lai cho Ukraine; thì đây là lần đầu tiên vấn đề chuyển giao tiêm kích Eurofighter Typhoon được thảo luận ở cấp cao như vậy, theo trang Defense Express.

"Đây có thể được coi là tin tức khá thú vị, vì trước đó các quan chức Ukraine ở cấp cao như vậy vẫn chưa hề công khai đề cập đến vấn đề mua các máy bay phản lực châu Âu này", trang tin quân sự của Ukraine cho biết.

Một chiếc máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon tại Căn cứ Không quân Rygge, Na Uy, ngày 28/11/2023. Ảnh: Getty Images

Một chiếc máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon tại Căn cứ Không quân Rygge, Na Uy, ngày 28/11/2023. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, Tạp chí National Interest lưu ý rằng việc bổ sung bất kỳ loại máy bay chiến đấu mới nào đều không phải là điều đơn giản. Có rất nhiều lý do đằng sau quyết định chuyển giao thêm các loại máy bay chiến đấu cho Ukraine. Các đối tác quốc tế của Kiev trước tiên cần đảm bảo rằng Không quân Ukraine có đủ khả năng và năng lực để đưa máy bay mới vào sử dụng và phát huy hiệu quả tối đa, nếu không động thái này có thể phản tác dụng và gây tổn hại đến Ukraine về mặt hoạt động và tâm lý.

Việc bổ sung một loại máy bay chiến đấu mới đòi hỏi phải đào tạo chuyên sâu cho cả phi công và nhân viên bảo trì. Không quân Ukraine đang phải vật lộn với điều đó vì họ đã quen với việc lái máy bay do Liên Xô và Nga sản xuất, tạp chí danh tiếng của Mỹ nhận định.

"Các phi công và nhân viên hỗ trợ của họ không có đủ trình độ tiếng Anh kỹ thuật cần thiết và đang phải vật lộn để đủ điều kiện sử dụng máy bay do phương Tây sản xuất như F-16. Rất có thể, Không quân Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự với Dassault Mirage, JAS 39 Gripen và Eurofighter Typhoon", National Interest viết.

Hơn nữa, Không quân Ukraine cần phải đưa các loại máy bay vào sử dụng dần dần để các phi công có thể học cách lái chúng trong thực tế hoạt động. Nếu không, Kiev có nguy cơ mất cả chiếc máy bay quý giá lẫn phi công giỏi chỉ vì những sai lầm đơn giản. Điều đó đã xảy ra với chiếc F-16 đầu tiên của Ukraine, và họ không thể để điều đó xảy ra trên diện rộng.

Minh Đức (Theo National Interest, Kyiv Independent, Defense Express)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ukraine-muon-dan-tiem-kich-hung-hau-den-tu-ca-my-va-chau-au-204240923142430991.htm
Zalo