Ukraine cắt đứt huyết mạch năng lượng của Nga khiến châu Âu 'dậy sóng'

Ngày 1.1.2025, Ukraine chính thức ngừng dòng khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu thông qua đường ống trung chuyển, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong căng thẳng năng lượng và địa chính trị khu vực.

Báo New York Times nhận định, quyết định này đã gây ra những ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ làm rung chuyển thị trường năng lượng châu Âu mà còn tác động lớn đến kinh tế và chiến lược của cả Nga và Ukraine.

Quyết định táo bạo

Từ khi đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod được xây dựng vào thời Liên Xô, nó đã trở thành tuyến vận chuyển khí đốt chiến lược từ Siberia tới châu Âu. Đây là một trong những hành lang năng lượng quan trọng nhất của Nga, chiếm một phần lớn trong nguồn thu xuất khẩu. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine tiếp tục đóng vai trò là điểm trung chuyển khí đốt chính yếu cho châu Âu.

Trạm phân phối của đường ống dẫn khí Urengoy-Pomary-Uzhgorod, ở vùng Kursk của Nga - Ảnh: Reuters

Trạm phân phối của đường ống dẫn khí Urengoy-Pomary-Uzhgorod, ở vùng Kursk của Nga - Ảnh: Reuters

Trong nhiều thập niên, Nga và Ukraine duy trì thỏa thuận vận chuyển khí đốt, bất chấp những bất đồng và xung đột. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga - Ukraine từ năm 2022 đã làm xấu đi mối quan hệ này, dẫn đến quyết định Ukraine không gia hạn thỏa thuận vào cuối năm 2024. Quyết định này diễn ra sau nhiều cảnh báo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người nhấn mạnh rằng Ukraine không còn muốn duy trì bất kỳ sự hợp tác năng lượng nào với Nga, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến đang tiếp diễn.

Tác động tới Nga và châu Âu

Việc ngừng dòng khí đốt qua Ukraine có thể làm giảm doanh thu của Nga khoảng 6,5 tỉ USD mỗi năm. Đây là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga, vốn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và những tổn thất từ cuộc chiến. Năng lượng luôn là đòn bẩy kinh tế và chính trị lớn nhất của Moscow, nhưng việc mất đi thị trường châu Âu sẽ khiến Nga phải chuyển hướng sang các thị trường thay thế, như Trung Quốc và Ấn Độ. Việc chuyển hướng này đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và mất nhiều năm để đạt hiệu quả, khiến Nga đối mặt với khó khăn kinh tế trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh châu Âu đã chuẩn bị từ lâu cho tình huống này, tác động ngay lập tức đến nguồn cung khí đốt không quá nghiêm trọng. Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào khí đốt Moscow, từ mức hơn 40% vào năm 2021 xuống dưới 15% vào năm 2024. Họ đã tìm kiếm các nguồn cung thay thế, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar, cũng như nguồn khí đốt từ Na Uy.

Đáng chú ý, giá khí đốt ở châu Âu vẫn cao gấp 4 lần so với Mỹ, gây áp lực lên ngành công nghiệp và nền kinh tế khu vực. Slovakia, Áo và Hungary là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã cảnh báo rằng quyết định này có thể khiến EU phải trả thêm khoảng 120 tỉ euro phí năng lượng trong 2 năm tới, làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế của khối.

Phản ứng trái chiều

Phản ứng từ các nước châu Âu về quyết định này khá trái chiều. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski gọi đây là "một chiến thắng mới của phương Tây", nhấn mạnh rằng việc Nga mất đi khả năng sử dụng khí đốt làm công cụ đòn bẩy là một thành tựu lớn. Trong khi đó, Slovakia và Hungary khác lại lo ngại về những hệ lụy kinh tế, đồng thời chỉ trích quyết định này có thể gây thêm khó khăn cho cả châu Âu và Ukraine.

Bên ngoài EU, các quốc gia như Serbia và Moldova cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Moldova, quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn điện từ nhà máy chạy bằng khí đốt tại khu vực ly khai Transnistria, đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 12.2024 để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Hệ quả lâu dài

Quyết định dừng dòng khí đốt là một bước đi chiến lược của Ukraine nhằm cắt đứt một nguồn tài chính quan trọng của Nga, đồng thời tăng cường sự độc lập năng lượng của chính mình. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không gia hạn bất kỳ thỏa thuận nào với Nga, vì điều này đi ngược lại lợi ích quốc gia trong bối cảnh chiến tranh.

Tuy nhiên, quyết định này không phải không có rủi ro. Các nhà phân tích lo ngại rằng Nga có thể đáp trả bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, bao gồm mạng lưới đường ống và nhà máy điện. Cho đến nay, hệ thống này phần lớn tránh được các cuộc tấn công quy mô lớn, nhờ vào giá trị của nó đối với cả hai bên. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Slovakia và Ba Lan để cung cấp điện cũng đặt Ukraine vào tình thế dễ bị tổn thương.

Việc ngừng dòng khí đốt từ Nga qua Ukraine là một tín hiệu rõ ràng rằng châu Âu đang tiến gần hơn đến mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Điều này cũng đi kèm với những thách thức lớn. Chi phí năng lượng cao có thể làm tăng lạm phát, giảm sức cạnh tranh kinh tế và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ukraine-cat-dut-huyet-mach-nang-luong-cua-nga-khien-chau-au-day-song-227813.html
Zalo