Ukraine cấm sử dụng Telegram trên một số thiết bị vì lo ngại Nga do thám
Ukraine đã cấm sử dụng ứng dụng Telegram trên các thiết bị chính thức được sử dụng bởi các quan chức chính phủ, nhân viên quân sự và những người làm việc trong các lĩnh vực quan trọng vì lo ngại Nga có thể do thám cả tin nhắn và người dùng.
Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đã công bố các hạn chế này sau khi Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cơ quan tình báo quân sự (GUR), trình bày trước hội đồng bằng chứng về khả năng của các cơ quan đặc vụ Nga trong việc theo dõi nền tảng này, theo Reuters.
Tuy nhiên, Andriy Kovalenko, người đứng đầu trung tâm chống thông tin sai lệch của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, đăng trên Telegram rằng các hạn chế chỉ áp dụng cho các thiết bị được sử dụng trong công việc chính thức, không phải điện thoại cá nhân.
Telegram được sử dụng rộng rãi ở cả Ukraine lẫn Nga và trở thành một nguồn thông tin quan trọng trong cuộc chiến của hai nước kể từ tháng 2.2022.
Thế nhưng, các quan chức an ninh Ukraine đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc sử dụng ứng dụng này trong thời gian chiến tranh.
Có trụ sở tại Dubai (UAE), Telegram được thành lập bởi Pavel Durov - tỷ phú 39 tuổi gốc Nga. Pavel Durov đã bị bắt khi đến Pháp hôm 24.8 trong khuôn khổ một cuộc điều tra liên quan đến các tội về khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và các giao dịch gian lận trên Telegram.
Theo thông báo của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, Kyrylo Budanov cung cấp bằng chứng rằng các cơ quan đặc vụ Nga có thể truy cập vào tin nhắn Telegram, gồm cả những tin nhắn đã bị xóa, cũng như dữ liệu cá nhân của người dùng.
"Tôi luôn ủng hộ và tiếp tục ủng hộ tự do ngôn luận, nhưng vấn đề về Telegram không phải là tự do ngôn luận mà là an ninh quốc gia", Kyrylo Budanov tuyên bố.
Theo cơ sở dữ liệu Telemetrio, khoảng 33.000 kênh Telegram đang hoạt động tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskiy (có tham gia trong Hội đồng An ninh và Quốc phòng) cùng các chỉ huy quân đội, quan chức khu vực và thành phố đều thường xuyên đăng các cập nhật về cuộc chiến và báo cáo quyết định quan trọng trên các kênh Telegram của họ.
Cơ sở dữ liệu Telemetrio là nền tảng thu thập và phân tích dữ liệu từ các kênh Telegram. Nó cung cấp thông tin thống kê và chi tiết về các kênh Telegram như số lượng người theo dõi, tương tác, nội dung phổ biến và hiệu suất của các kênh. Telemetrio được sử dụng để theo dõi hoạt động trên Telegram, giúp người dùng, nhà quản lý, nhà phân tích đánh giá xu hướng và mức độ phổ biến của các kênh.
Các phương tiện truyền thông Ukraine ước tính rằng 75% người dân nước này sử dụng Telegram để giao tiếp và 72% coi nó là một nguồn thông tin quan trọng kể từ cuối năm 2023.
Cuối tháng 8, Nga từng cố gắng xoa dịu nỗi lo vụ bắt giữ Pavel Durov ảnh hưởng đến hoạt động của Telegram. Telegram cũng rất phổ biến ở Nga, đóng vai trò quan trọng trong thông tin liên lạc liên quan đến cuộc chiến Ukraine.
Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói rằng lời khuyên xóa tin nhắn nhạy cảm trên ứng dụng xuất hiện gần đây, thậm chí từ biên tập viên hãng thông tấn RT, là “hoàn toàn ngốc nghếch”.
Telegram hiện có khoảng 950 triệu người dùng. Tính năng mã hóa mọi nội dung của người dùng, ít kiểm duyệt, cho phép chia sẻ file hay hình ảnh dung lượng lớn khiến Telegram trở nên khác biệt và phổ biến ở nhiều quốc gia. Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Nga, nhận xét ứng dụng rất tiện lợi mà lại an toàn.
Blogger quân sự Aleksei Sukonkin cho biết Telegram là “nền tảng liên lạc quân sự” của Nga dù nước này không thừa nhận.
Aleksei Sukonkin nói: “Telegram đóng vai trò kênh thay thế cho kênh chính thức, tất nhiên hiệu quả hơn. Ứng dụng cũng như phương tiện truyền tin dân sự chính ở Nga, hầu như không bị giới tình báo phương Tây kiểm soát. Đó là kênh quảng cáo mạnh mẽ và là nền tảng cho các blog cá nhân”.
Được tạp chí Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 15,5 tỉ USD, Pavel Durov cho biết vào tháng 4 rằng một số chính phủ đã tìm cách gây sức ép với ông, nhưng Telegram nên vẫn là nền tảng trung lập chứ không phải là "một thế lực trong địa chính trị". Pavel Durov lập ra Telegram vào năm 2013 và rời Nga năm 2014 vì từ chối tuân thủ các yêu cầu đóng cửa các cộng đồng đối lập trên VK (VKontakte), nền tảng truyền thông xã hội mà ông đã bán.
Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Pavel Durov liệt kê quan điểm chính trị của mình là "chủ nghĩa tự do" và cho biết ông được truyền cảm hứng từ người đồng sáng lập Apple - Steve Jobs.
Pavel Durov có được hộ chiếu Pháp vào năm 2021 thông qua một thủ tục đặc biệt dành cho những người nước ngoài có địa vị cao, miễn cho họ các yêu cầu pháp lý thông thường, gồm cả việc phải sống ở quốc gia này ít nhất 5 năm.
Theo luật của Pháp, bất kỳ người nước ngoài nào cũng có thể được trao quyền công dân theo các quy tắc đặc biệt miễn là họ nói tiếng Pháp và "góp phần thông qua công việc xuất sắc của mình vào ảnh hưởng của Pháp và sự thịnh vượng của quan hệ kinh tế quốc tế".
Phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin Pavel Durov cũng có quyền công dân của Nga, St Kitts và Nevis (đảo quốc nằm trong Quần đảo Leeward, Tây Ấn, nằm trong vùng Biển Caribe).
Pavel Durov đã nảy ra ý tưởng về một ứng dụng nhắn tin được mã hóa trong khi phải đối mặt với áp lực từ chính quyền Nga. Em trai của ông, Nikolai Durov, đã thiết kế hệ thống mã hóa.
"Tôi muốn được tự do còn hơn phải nghe lệnh của bất kỳ ai", Pavel Durov nói vào tháng 4 về việc rời khỏi Nga và tìm kiếm trụ sở cho công ty của mình, gồm cả thời gian làm việc tại Berlin (thủ đô Đức), London (thủ đô Anh), Singapore và San Francisco (thành phố ở Mỹ).
Pavel Durov nói thủ tục hành chính, đặc biệt là để tuyển dụng nhân tài toàn cầu, ở những nơi này quá phức tạp và ông đã bị tấn công trên đường phố ở San Francisco bởi những kẻ trộm điện thoại.
Tỷ phú sinh năm 1984 nói điều đáng báo động hơn là ông đã nhận được quá nhiều sự chú ý từ các cơ quan an ninh Mỹ, gồm cả Cục Điều tra Liên bang (FBI). Pavel Durov cáo buộc các cơ quan Mỹ đã cố gắng thuê một trong những kỹ sư của ông để tìm cửa hậu vào nền tảng Telegram.
Khi nói đến quyền tự do ngôn luận, Pavel Durov cho biết những thách thức lớn nhất không phải từ các chính phủ mà là đối thủ cạnh tranh lớn như Apple và Google.
“Hai nền tảng đó về cơ bản có thể kiểm duyệt mọi thứ mà bạn có thể đọc và truy cập trên smartphone của mình”, Pavel Durov nói. Theo ông, Apple và Google tuyên bố rằng nếu Telegram không tuân thủ các nguyên tắc của họ thì sẽ bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng.
Hồi tháng 11.2022, Pavel Durov từng chỉ trích Apple tàn phá giấc mơ kinh doanh của doanh nghiệp khi bắt các nhà phát triển trả mức phí 30% cho việc mua hàng trong các ứng dụng được tải về từ App Store.
Pavel Durov cho biết ông chọn UAE làm trụ sở Telegram vì đây là một "quốc gia trung lập", muốn làm bạn với tất cả mọi người và không liên kết với bất kỳ siêu cường nào, vì vậy ông cảm thấy đây là nơi tốt nhất cho một "nền tảng trung lập".
Ông nói Telegram được cả các nhà vận động đối lập và chính phủ sử dụng nhưng sẽ không đứng về phía nào.
“Quan điểm khác nhau được tự do thể hiện và tranh luận với nhau có thể mang lại sự tiến bộ và một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”, Pavel Durov cho hay.
Tỷ phú gốc Nga nói rằng ngoài tiền hay Bitcoin, ông không có tài sản lớn nào như bất động sản, máy bay phản lực hay du thuyền vì muốn được tự do.
Telegram hiện có doanh thu "hàng trăm triệu USD" kể từ khi giới thiệu tính năng quảng cáo và đăng ký gói trả tiền cách đây hai năm. Theo Pavel Durov, Telegram được định giá hơn 30 tỉ USD từ các nhà đầu tư tiềm năng. Ông loại trừ việc bán nền tảng vì "muốn duy trì sự độc lập".
Từng là ngôi nhà chung của cộng đồng tiền điện tử, Telegram nay đã bùng nổ nhờ các tính năng nhắn tin bảo mật mã hóa đầu cuối. Không chỉ cộng đồng tiền điện tử, Telegram trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng cho các chính phủ và quan chức cũng như người dùng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo Telegram không được kiểm duyệt nên vẫn là điểm nóng cho hoạt động tội phạm, lừa đảo cũng như nội dung cực đoan, khiêu dâm, khủng bố và thông tin sai lệch.
Telegram hiện có 5 trung tâm dữ liệu đặt tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Việc đặt các trung tâm dữ liệu ở nhiều khu vực khác nhau giúp Telegram đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho dữ liệu người dùng, đồng thời giảm độ trễ và tăng tốc độ truy cập trên toàn thế giới.
Hôm 5.9, Pavel Durov chỉ trích giới chức Pháp áp dụng những điều luật lạc hậu khi truy tố ông và phủ nhận các cáo buộc nhằm vào Telegram.
Pavel Durov đăng bài viết dài trên Telegram, cho biết "thật đáng ngạc nhiên" khi ông phải chịu trách nhiệm về nội dung do người khác đăng trên nền tảng này.
"Sử dụng luật từ thời kỳ trước khi có smartphone để buộc tội một CEO về những hành động phạm pháp do bên thứ ba gây ra trên ứng dụng họ quản lý là cách tiếp cận sai lầm", ông viết.
Đây là lần đầu tiên Giám đốc điều hành Telegram lên tiếng kể từ khi bị bắt ở Pháp tối 24.8, rồi đóng phí khoảng 5 triệu euro hôm 28.8 để được tại ngoại.
Pavel Durov cũng phủ nhận những tuyên bố cho rằng Telegram "không khác gì một dạng thiên đường vô chính phủ", khẳng định ứng dụng này xóa "hàng triệu bài đăng và kênh có hại" mỗi ngày.
Giám đốc điều hành Telegram bác bỏ cáo buộc nền tảng không phản hồi các yêu cầu của giới chức Pháp, khẳng định ông đích thân giúp chính quyền nước này "thiết lập đường dây nóng với Telegram để giải quyết mối đe dọa khủng bố".
Pavel Durov sử dụng giọng điệu hòa giải hơn ở cuối bài viết, cho hay số lượng người dùng tăng vọt của Telegram đã gây ra những khó khăn ngày càng lớn, khiến tội phạm dễ dàng lạm dụng nền tảng. Ông ước tính Telegram đã đạt 950 triệu người dùng trên toàn thế giới.
"Đó là lý do tôi đặt mục tiêu đảm bảo cải thiện đáng kể vấn đề này", CEO Telegram cho hay, nói thêm rằng vấn đề đang được giải quyết nội bộ và sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết trong tương lai.
Ngoài ra, Pavel Durov tuyên bố Telegram sẵn sàng rút khỏi một quốc gia nếu không thể thống nhất về sự cân bằng phù hợp giữa quyền riêng tư và bảo mật với các cơ quan quản lý địa phương.