Ukraine: Biểu tình phản đối chính phủ nổ ra ở Kiev
Hàng nghìn người Ukraine hôm 22/7 đã xuống đường biểu tình, chỉ trích đạo luật mới của Tổng thống Zelensky, cho rằng chính phủ đang tìm cách kiểm soát cơ quan chống tham nhũng độc lập.
Video: Người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối động thái mới nhất của chính phủ Ukraine. Nguồn: Telegraph.
Tối 22/7, hàng nghìn người, phần lớn là người trẻ và cựu binh, đã tụ tập gần Văn phòng Tổng thống tại thủ đô Kiev để phản đối một đạo luật mới mà họ cho là làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine. Biểu tình cũng lan sang các thành phố lớn như Lviv và Dnipro, đánh dấu làn sóng biểu tình đầu tiên nhằm vào Tổng thống Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột với Nga bùng phát vào năm 2022.
Đám đông người biểu tình mang theo các biểu ngữ như “Chào mừng đến nước Nga” và “Azov đâu rồi?” – ám chỉ Lữ đoàn Azov thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine. Họ cho rằng chính phủ đang đi theo con đường tập quyền, trái ngược với các giá trị của châu Âu. Một số người cáo buộc ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống, là người đứng sau đạo luật gây tranh cãi.

Đây là lần hiếm hoi người dân Ukraine biểu tình phản đối chính phủ kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022. Ảnh: Telegraph.
Nhà báo điều tra Oleg, người chuyên theo dõi các vấn đề chống tham nhũng ở Ukraine, gọi đây là “hành vi tồi tệ nhất từ trước đến nay nhằm làm xói mòn sự độc lập của các cơ quan chống tham nhũng”.
Bất chấp sự phản đối của công chúng và cảnh báo từ phương Tây, ông Zelensky đã chính thức ký luật vào tối cùng ngày, sau khi Quốc hội thông qua với nhiều tiếng hô “xấu hổ!” vang lên trong nghị trường.

Một người biểu tình dùng đến tay giả để mang theo biểu ngữ phản đối chính phủ ở Kiev. Ảnh: Telegraph.
Đạo luật trao thêm quyền lực cho Tổng công tố – một vị trí do Tổng thống bổ nhiệm – trong việc giám sát Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng đặc biệt (SAPO), bao gồm cả quyền điều chuyển hoặc can thiệp vào quá trình điều tra. Đây là hai cơ quan từng mở các cuộc điều tra nhắm vào những quan chức cấp cao, bao gồm cả các nhân vật thân cận với ông Zelensky.
Quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) bất ngờ khám xét trụ sở NABU và SAPO. Hai điều tra viên bị bắt giữ, trong khi 15 người khác bị đưa vào diện điều tra với cáo buộc liên quan “sự xâm nhập của Nga” hoặc “vi phạm giao thông”. Động thái này đã khiến các đại sứ G7 bày tỏ quan ngại và cho biết đang theo dõi sát tình hình.

Ước tính đám đông phản đối ở Kiev có quy mô lên đến hàng nghìn người. Ảnh: Telegraph.
Căng thẳng gia tăng trong bối cảnh NABU gần đây đã khởi tố ông Oleksiy Chernyshov, đồng minh thân cận của ông Zelensky, với cáo buộc lạm dụng quyền lực và làm giàu bất hợp pháp. Ông Chernyshov bác bỏ mọi cáo buộc nhưng đã bị bãi nhiệm trong đợt cải tổ chính phủ tuần trước.
Việc thông qua đạo luật được đánh giá là cú đánh mạnh vào tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng ở Ukraine, vốn được thành lập với sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Các nhà quan sát cảnh báo đây có thể là bước thụt lùi nghiêm trọng đối với nỗ lực cải cách và ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập EU của Ukraine.