Israel: Binh lính mệt mỏi do chiến tranh kéo dài

Trước làn sóng mệt mỏi ngày càng tăng trong quân đội và sự bất mãn lan rộng trong công chúng, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Eyal Zamir, được cho là đã ra lệnh giảm 30% số lượng binh sĩ dự bị được triển khai tại các khu vực chiến sự trong những tháng tới.

Binh sĩ Israel được triển khai tại thị trấn Metula, gần biên giới với Liban. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ Israel được triển khai tại thị trấn Metula, gần biên giới với Liban. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái này, lần đầu tiên được Đài Phát thanh Quân đội (Army Radio) đưa tin, sẽ được thực hiện dần dần tại Dải Gaza, Bờ Tây và các khu vực biên giới phía Bắc với Liban và Syria. Mục tiêu là giảm tải cho lực lượng dự bị của Israel – lực lượng đã gánh vác phần lớn nhiệm vụ chiến đấu kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023, khiến xung đột lan rộng trên nhiều mặt trận.

Quyết định này được cho là xuất phát từ tình trạng thiếu hụt nhân sự, chứ không phải do căng thẳng an ninh được xoa dịu. Một nguồn tin quân đội Israel cũng nhấn mạnh rằng việc giảm quân có thể bị đảo ngược nếu xảy ra leo thang quân sự lớn, chẳng hạn như đối đầu trở lại với Iran hoặc một chiến dịch quy mô lớn tại Gaza.

Động thái cắt giảm diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ tham gia của lực lượng dự bị sụt giảm nghiêm trọng, trái ngược hoàn toàn với tỉ lệ huy động vượt 120% vào thời điểm tháng 10 năm ngoái. Theo IDF, hiện nay tỉ lệ tham gia đã giảm xuống dưới 60%.

Vào cuối tháng 5, chính phủ Israel đã cho phép huy động tới 450.000 binh sĩ dự bị trong vòng 3 tháng – đợt huy động lớn nhất trong lịch sử nước này, vượt qua cả con số sau ngày 7/10. Đối với nhiều người, đây đã là lần triệu tập thứ 7 kể từ khi chiến sự bùng nổ, mặc dù trước đó vào tháng 11/2024, chính phủ đã cam kết giới hạn thời gian phục vụ dự bị không quá 2 tháng rưỡi trong năm 2025.

Khi chiến tranh bắt đầu, gần 300.000 quân dự bị đã được huy động. Trong khi đó, IDF chỉ có khoảng 100.000 binh sĩ chính quy và thời gian nghĩa vụ bắt buộc của họ đã bị kéo dài thông qua luật khẩn cấp thời chiến.

Phát biểu trước binh sĩ tại Thành phố Gaza cuối tuần qua, Trung tướng Zamir hé lộ về thay đổi chính sách, nói rằng quân đội sẽ “triển khai các đội hình tác chiến mới để tăng cường sức mạnh, giảm thiểu điểm yếu và củng cố hiệu quả chiến đấu – từ đó gây áp lực lên Hamas và giảm mức độ hao mòn binh lực”.

Một nguồn tin quân sự cấp cao cho biết IDF sẽ tìm cách thay thế nhiều đơn vị dự bị bằng lực lượng chính quy, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc giảm tổng quân số tại những khu vực như Gaza.

Tại Gaza, phần lớn đơn vị dự bị sẽ được rút về trong vài tuần tới, chỉ còn một lữ đoàn dự bị mới được triển khai thay thế. Ở Bờ Tây – nơi hiện được kiểm soát gần như hoàn toàn bởi các tiểu đoàn dự bị – lực lượng quân chính quy sẽ dần tiếp quản. Kế hoạch rút giảm ở mặt trận phía Bắc sẽ hạn chế hơn.
Tỉ lệ tham gia sụt giảm được cho là do tình trạng mệt mỏi kéo dài, khó khăn kinh tế, phẫn nộ vì các trường hợp miễn nghĩa vụ cho người Do Thái chính thống (Haredi), và lòng tin vào chính phủ ngày càng suy giảm sau gần 2 năm chiến tranh dai dẳng.

Ngoài ra, lo ngại về tổn thương tinh thần và thể chất do phục vụ liên tục cũng gia tăng. Một cuộc điều tra của báo Haaretz vào tháng 5 cho thấy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn binh sĩ bị ảnh hưởng tâm lý – bao gồm cả những người từng liên hệ với Bộ Quốc phòng để được hỗ trợ – vẫn tiếp tục bị gọi nhập ngũ trong các đợt tấn công gần đây ở Gaza.

Theo điều tra, quân đội không có hồ sơ đầy đủ về các binh sĩ bị tổn thương tâm lý và lỗ hổng giữa Bộ Quốc phòng và quân đội khiến nhiều chỉ huy không biết tiền sử tổn thương của người dưới quyền.

Một sĩ quan trong đơn vị thiết giáp chia sẻ với Haaretz: “Mọi người đơn giản là không đến nữa. Họ kiệt sức, gặp khó khăn ở gia đình và nơi làm việc. Vì vậy chúng tôi phải tuyển thêm người khác, thậm chí cả những người không đủ 100% thể lực”.

Gần đây nhất, vào ngày 13/6, IDF thông báo sẽ tiếp tục huy động binh sĩ dự bị từ nhiều đơn vị “phục vụ cho cả phòng thủ và tấn công trên mọi mặt trận”, bao gồm cả các hoạt động liên quan đến Iran – làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống nhân sự vốn đã quá tải.

Làn sóng tự sát trong binh sĩ

Một chuỗi các vụ tự sát trong quân đội Israel chỉ trong chưa đầy hai tuần đầu tháng 7 này đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của quân đội, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo rằng gánh nặng tâm lý kéo dài của chiến tranh đang đẩy binh sĩ vượt quá giới hạn chịu đựng.

Trường hợp đầu tiên thu hút sự chú ý của toàn quốc là cái chết của Daniel Edri, một quân nhân dự bị đã tự kết liễu đời mình vào ngày 5/7 sau thời gian dài chiến đấu với chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) do từng tham chiến tại Dải Gaza và Liban.

Mẹ của anh, bà Sigal Edri, chia sẻ với trang Ynet rằng Daniel thường xuyên bị ám ảnh bởi những ký ức như thấy lửa, ngửi thấy mùi xác chết và thường tỉnh dậy giữa đêm trong hoảng loạn, tin rằng mình đang ở giữa chiến trường. Trong những ngày cuối đời, anh đã nói thẳng về ý định tự sát, sợ rằng việc sống chung với PTSD là điều không thể chịu đựng nổi.

Chỉ vài ngày sau, hai binh sĩ khác của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng được phát hiện đã chết trong những vụ việc bị nghi là tự sát, trong đó một người vào ngày 9/7 tại một căn cứ ở miền Nam Israel, và người còn lại vào ngày 14/7 tại một căn cứ ở miền Bắc.

Ngày 15/7, binh nhì Dan Phillipson, một lính dù đang trong thời gian huấn luyện, bị thương nặng trong một nỗ lực được cho là nhằm tự tử tại một căn cứ huấn luyện ở miền Nam. Phillipson, một binh sĩ cô đơn đến từ Na Uy, mới chuyển đến Israel một năm trước để gia nhập quân đội, đã được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Những cái chết liên tiếp đã thúc đẩy 9 thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội (Knesset) gửi thư yêu cầu mở cuộc họp khẩn cấp, cảnh báo rằng cách tiếp cận hiện tại của IDF có thể làm xói mòn niềm tin công chúng và bỏ rơi những binh sĩ dễ tổn thương nhất vào lúc họ cần giúp đỡ nhất.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Leah Shelef – từng là sĩ quan sức khỏe tâm thần trong IDF suốt 20 năm và hiện nghiên cứu về tự sát trong quân đội – cho biết việc IDF chưa công bố dữ liệu mới là điều “đúng theo thông lệ”.

“Quân đội chỉ công bố số liệu tự sát một lần mỗi năm”, bà nói. “Nhưng hiện nay nhiều người lại diễn giải điều đó như thể IDF cố tình che giấu thông tin”.

Theo Shelef, công bố dữ liệu hằng năm là phù hợp nhằm tránh diễn giải sai các trường hợp riêng lẻ, xác định xu hướng dài hạn và xây dựng các chiến lược phòng ngừa hiệu quả hơn.

Theo số liệu được IDF công bố hồi tháng 1/2025, kể từ khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 đến thời điểm đó, có tới 28 binh sĩ được cho là đã chết do tự sát. Trước đó, 10 vụ tự sát nghi ngờ xảy ra trong năm 2023, trước khi chiến tranh bắt đầu. Tổng cộng trong hai năm có 38 trường hợp tự sát nghi ngờ.

So sánh với những năm trước, con số này tăng đột biến: năm 2022 ghi nhận 14 vụ, và năm 2021 là 11 vụ.

Tổng số quân nhân tử vong trong IDF giai đoạn 2023–2024, bao gồm cả thiệt hại trong chiến đấu, cũng đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, chủ yếu do chiến tranh kéo dài.

Tiến sĩ Shelef lưu ý rằng cần đặt những con số này vào bối cảnh, vì kể từ khi chiến tranh nổ ra, quy mô quân đội đã tăng mạnh do huy động hàng trăm nghìn quân dự bị.

Một quan chức quân sự cho biết IDF đã mở rộng đáng kể mạng lưới hỗ trợ tâm lý kể từ khi chiến tranh bùng nổ, với hơn 1.000 sĩ quan sức khỏe tâm thần được triển khai trên khắp các đơn vị thường trực và dự bị, kể cả ở Gaza. Mỗi lữ đoàn hiện có một sĩ quan sức khỏe tâm thần riêng, và một đường dây nóng hoạt động 24/7 cũng được thiết lập qua số *6690 nhánh 3.

Ngoài ra, IDF còn lập các trung tâm chuyên biệt ngay từ đầu chiến tranh để điều trị PTSD, trong đó có một cơ sở điều trị ban ngày chuyên sâu, sau này được thay thế bởi Trung tâm Resilience (Kiên cường), tiếp tục cung cấp hỗ trợ chuyên sâu cho binh sĩ chiến đấu.

Trong khi làn sóng tự sát hiện tại tập trung sự chú ý vào sức khỏe tâm thần của binh sĩ đang phục vụ, các chuyên gia cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng rộng hơn đang âm ỉ trong thế hệ tân binh tương lai.

Tổ chức phi lợi nhuận ELEM – chuyên hỗ trợ thanh thiếu niên có nguy cơ cao – cho biết nhu cầu hỗ trợ tâm lý trong giới trẻ đã tăng 47%, với gần 5.000 thiếu niên tìm đến các nền tảng kỹ thuật số để được giúp đỡ.

Những thanh thiếu niên này vẫn đang vật lộn với chấn thương từ chiến tranh sẽ sớm trở thành binh sĩ, và nếu không được can thiệp kịp thời, họ có thể gặp khủng hoảng nghiêm trọng trong thời gian nghĩa vụ quân sự.

Thanh Bình (P/v TTXVN tại Israel)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/israel-binh-linh-met-moi-do-chien-tranh-keo-dai-20250722221143162.htm
Zalo