Ðức Trọng: Sức mạnh đại đoàn kết trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Trong năm 2024, với sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện Đức Trọng đã không ngừng được củng cố và nâng cao hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh trật tự, ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo 138 huyện đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trên từng lĩnh vực, từng bước thực hiện thắng lợi nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; đồng thời, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh liên quan đến Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện.
Ban Chỉ đạo 138 từ huyện đến các xã, thị trấn cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, thông qua các buổi tuyên truyền, hội nghị, phát tờ rơi, tờ gấp, sử dụng mạng xã hội... để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân.
Mặt khác, lồng ghép công tác tuyên truyền vào các phong trào khác như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Phòng, chống tội phạm"...; vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng và nhân rộng các Mô hình "Dân vận khéo", "Cổng trường an toàn"... Cụ thể, trong năm qua, ngành chức năng của huyện đã vận động quần chúng Nhân dân tự nguyện giao nộp, tham gia phát hiện, tố giác và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan và thu hồi triệt để vũ khí - vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT) còn tồn đọng, bom mìn do chiến tranh để lại. Mô hình “Đổi gạo lấy vũ khí” là mô hình “Dân vận khéo” của huyện năm 2024, điển hình là tổ tự quản vận động, tuyên truyền toàn dân giao nộp VK-VLN-CCHT và pháo xã Hiệp Thạnh. Qua thực hiện, đã đem lại một số kết quả nổi bật: Tổ chức 3 buổi với 430 người tham gia, thu hồi 49 vũ khí thô sơ, 6 súng tự chế, 1 hộp pháo, 26 viên đạn, cho 340 người ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ (đổi 500 kg gạo từ nguồn xã hội hóa). Kiểm tra, phát hiện, xử lý 2 vụ, 2 đối tượng tàng trữ pháo nổ. Đặc biệt trong quý III năm 2024, triển khai kế hoạch cao điểm tuyên truyền đổi gạo lấy vũ khí với 320 người tham gia, phát phần quà gồm 100 kg gạo, 20 thùng mì; qua đó vận động giao nộp được 5 súng cồn, 1 súng ngắn, 17 viên đạn, 50 vũ khí thô sơ.
Cùng với đó, trong năm 2024, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã quan tâm phối hợp củng cố và tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm đã có, như Mô hình: Đội tuần tra (11 Đội tuần tra tự quản, Đội tuần tra nghĩa vụ, Đội tuần tra an ninh); Camera giám sát an ninh (hơn 1.350 mắt tại 15 xã, thị trấn); Tổ dân phố an toàn phòng cháy, chữa cháy (4 tổ thị trấn Liên Nghĩa, Tà Hine, Hiệp Thạnh, Tân Thành); Tổ Liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (68 tổ), 17 điểm chữa cháy công cộng; Tiếng chuông cảnh báo (tại thị trấn Liên Nghĩa, 23 cơ sở tham gia); Giáo xứ đảm bảo an ninh trật tự (Giáo xứ Kim Phát, xã Bình Thạnh); xã không có tội phạm về ma túy (xã Ninh Loan); quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng (tại xã Bình Thạnh), Mô hình Cổng trường đảm bảo trật tự an toàn giao thông (đã nhân rộng 50/50 trường trên địa bàn), trong năm xây dựng mới 1 mô hình Tổ tự quản, vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT và pháo ở xã Hiệp Thạnh. Các mô hình, điển hình dân vận khéo tiếp tục được xây dựng và nhân rộng.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị, đoàn thể cũng tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ đã xây dựng như: Tổ dân phố, khu phố văn hóa không có tội phạm, tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, thanh niên với pháp luật, thanh niên xung kích, nông dân với pháp luật, giúp nhau lập nghiệp, phòng, chống bạo lực gia đình... Các xã, thị trấn duy trì hoạt động của các tổ: An ninh Nhân dân, tuần tra nghĩa vụ, tổ hòa giải, đội dân phòng, ban bảo vệ dân phố…
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện còn một số tồn tại như: Phong trào phát triển chưa thật sự đồng bộ, toàn diện để theo kịp tình hình mới, hiệu quả công tác tuyên truyền tại một số cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục chưa cao, vẫn còn cán bộ, công nhân viên chức bị lừa đảo qua mạng, liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật “Tín dụng đen”; học sinh tụ tập gây rối trật tự công cộng phải xử lý hình sự... Tình hình an ninh trật tự, có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị, tội phạm và các tệ nạn xã hội tuy đã được kiềm chế và làm giảm nhưng chưa bền vững...
Có thể nói, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại huyện Đức Trọng đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, ổn định chính trị, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Để đạt được những kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.