Úc phạt Telegram vì phản ứng chậm với nội dung khủng bố, lạm dụng trẻ em

Cơ quan giám sát trực tuyến của Úc thông báo vào thứ Hai (24/02) rằng họ đã phạt Telegram hơn 600.000 USD vì không đáp ứng đúng hạn yêu cầu cung cấp thông tin về cách nền tảng này xử lý nội dung liên quan đến khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em.

Ủy viên An toàn điện tử Úc (eSafety Commissioner) Julie Inman Grant cho biết Telegram đã phản hồi chậm hơn 5 tháng so với hạn chót 6/5/2024 để báo cáo về các biện pháp tuân thủ an toàn trực tuyến.

 Ứng dụng Telegram bị chặn. Ảnh minh họa: X

Ứng dụng Telegram bị chặn. Ảnh minh họa: X

Vào tháng 3 năm ngoái, cơ quan này đã yêu cầu Telegram cùng các nền tảng khác báo cáo cách họ phát hiện và xử lý nội dung liên quan đến khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên, Telegram đã không hồi đáp cho đến 13/10, gây cản trở hoạt động giám sát của ủy ban trong gần 6 tháng.

Bà Julie Inman Grant nhấn mạnh: "Việc làm rõ những điểm yếu, cũng như điểm mạnh trong cách các nền tảng xử lý những nội dung nguy hại này là rất quan trọng, đặc biệt là đối với các loại nội dung đáng lên án nhất, nhằm bảo vệ cộng đồng và nâng cao tiêu chuẩn an toàn trên toàn ngành".

Theo đó, Telegram bị phạt 613.000 USD và có 28 ngày để thanh toán khoản tiền phạt, xin gia hạn hoặc khiếu nại để hủy bỏ án phạt. Nếu từ chối thanh toán, ủy ban có thể đưa vụ việc ra tòa án liên bang.

Người sáng lập kiêm CEO Telegram, Pavel Durov, đã bị bắt tại sân bay Paris vào tháng 8 năm ngoái và sau đó bị truy tố với nhiều cáo buộc liên quan đến việc không kiểm soát nội dung cực đoan và khủng bố trên nền tảng của mình.

Các công tố viên Pháp cũng cáo buộc Telegram đã không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để loại bỏ hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em.

Sau khi được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5,3 triệu USD, Durov tuyên bố sẽ tăng cường biện pháp kiểm soát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng.

Telegram đã trở thành một trong những nền tảng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có kiểm duyệt internet chặt chẽ. Tuy nhiên, chính sự mã hóa đầu cuối và chính sách bảo mật nghiêm ngặt của nền tảng này cũng đã khiến nó trở thành một công cụ được các nhóm cực đoan và tội phạm mạng lợi dụng.

Úc không phải là quốc gia duy nhất đưa ra cảnh báo về nội dung độc hại trên Telegram. Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đã gây áp lực lên Telegram nhằm tăng cường kiểm soát nội dung vi phạm pháp luật. Một số quốc gia thậm chí đã cấm hoặc hạn chế quyền truy cập vào nền tảng này khi không nhận được sự hợp tác từ công ty.

Cao Phong (theo SMH, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/uc-phat-telegram-vi-phan-ung-cham-voi-noi-dung-khung-bo-lam-dung-tre-em-post335783.html
Zalo