UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 28/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Cùng dự có: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Hồ Đức Anh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh…

Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS về tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, mục đích ban hành Luật là hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn phát sinh liên quan đến thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, việc xây dựng dự án Luật lần này xác định là sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS về tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thể chế hóa kịp thời kết luận của Bộ Chính trị, yêu cầu của cấp có thẩm quyền để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt; không mở rộng đến các nội dung khác không liên quan đến mục đích, yêu cầu trên.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS được xác định các định hướng lớn sau:

(1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS về tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự để thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; có rà soát, đối chiếu các nội dung về tổ chức bộ máy và thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan khác trong các luật dự kiến được ban hành cùng thời điểm (Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự…) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất; (2) Bổ sung quy định liên quan đến điều tra, truy tố vắng mặt để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; (3) Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thi hành án tử hình theo kết luận của Bộ Chính trị, giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn thi hành hình phạt này.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 03 điều (Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 2. Hiệu lực thi hành; Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

Nêu quan điểm thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, UBPLTP tán thành sự cần thiết ban hành Luật; cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi được xác định tại Tờ trình và dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị VKSNDTC: (1) Báo cáo việc thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền về việc trong năm 2025 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, vướng mắc trong các quy định về giám định, định giá liên quan đến BLTTHS; (2) Nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật đối với các quy định liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm nhằm tránh việc dồn án lên cấp trung ương; (3) Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến BLTTHS, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa cập nhật các nội dung sửa đổi của Bộ luật Hình sự.

Về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy Cơ quan điều tra; các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; VKSND; TAND, UBPLTP tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật và nhận thấy dự thảo Luật đã cơ bản bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng. Bên cạnh đó, đề nghị VKSNDTC tiếp tục rà soát, cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung trong các dự án Luật liên quan (các luật tổ chức và các luật tố tụng) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến thẩm quyền xét xử của TAND khu vực và Tòa án quân sự khu vực, UBPLTP đề nghị VKSNDTC phối hợp với TANDTC để tiếp tục hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét xử của TAND khu vực và Tòa án quân sự khu vực.

Về thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt, UBPLTP nhận thấy, dự thảo Luật bổ sung quy định Cơ quan điều tra kết luận điều tra đề nghị truy tố/ Viện kiểm sát quyết định việc truy tố bị can trong 02 trường hợp (bị can bỏ trốn mà việc truy nã không có kết quả hoặc bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập về nước để phục vụ hoạt tố tụng) là phù hợp.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cũng nêu ý kiến thẩm tra về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành; về điều khoản chuyển tiếp…

Tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan tố tụng

Qua thảo luận, các thành viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS; cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi được xác định tại Tờ trình và dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật đảm bảo đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Cơ quan soạn thảo - VKSNDTC đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan (như Bộ Công an, TANDTC), với Cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Qua các ý kiến của Cơ quan thẩm tra và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật này nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành như quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại; căn cứ tạm đình chỉ vụ án do thiên tại, dịch bệnh hay các vấn đề liên quan đến quyền của bị can, bị cáo. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật cũng hướng đến tăng cường trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong vai trò của công an xã trong xác minh, tố giác tội phạm.

Về các nội dung sửa đổi, bổ sung, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát luật này với các luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Lưu ý khi Luật có hiệu lực thi hành cần triển khai ngay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các quy định trong dự thảo Luật cần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các quy định về quyền của bị can, bị cáo để vừa đảm bảo nguyên tắc nhân quyền theo Hiến pháp, vừa không làm cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan tố tụng, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn hiện nay. Yêu cầu làm rõ căn cứ để tạm đình chỉ vụ án do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định này cần linh hoạt nhưng không được lạm dụng, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.

Rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao VKSNDTC, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã khẩn trương chuẩn bị Hồ sơ, tài liệu dự án Luật rất kỹ lưỡng, trách nhiệm; nội dung cơ bản rõ ràng, đảm bảo sự đồng thuận đối với những nội dung lớn.

UBTVQH cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, tập trung vào các vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay và tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện vào thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị VKSNDTC tiếp tục nghiên cứu đề nghị của Ủy ban Pháp luật nêu trong Báo cáo thẩm tra là “nội dung nào sửa được thì sửa luôn, nội dung nào chưa sửa được thì báo cáo Quốc hội tiếp tục nghiên cứu để sửa sau”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục rà soát để bám sát việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhất là các luật về lĩnh vực tư pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đề án của Tòa án nhân dân tối cao…

Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Cơ quan điều tra, UBTVQH cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật; tuy nhiên đề nghị nghiên cứu bổ sung tại Điều 37 về thẩm quyền của một số điều tra viên; quy định sao cho đảm bảo giải quyết các công việc vừa tôn trọng quyền con người, quyền công dân, vừa đảm bảo không quá tải cho Cơ quan điều tra cấp trên, đồng thời khẩn trương xử lý những vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.

Về thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt, UBTVQH cơ bản tán thành quy định như dự thảo Luật; tuy nhiên đề nghị VKSNDTC phối hợp với các cơ quan quy định sao cho từ ngữ giản dị, đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc.

Về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, UBTVQH cơ bản tán thành với dự thảo Luật và đề nghị VKSNDTC tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ. Ngoài ra, UBTVQH đề nghị việc xây dựng dự án Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp

Đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan tham dự Phiên họp

Đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu

Các đại biểu dự Phiên họp

Các đại biểu dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93809
Zalo