UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri
UBND tỉnh vừa trả lời kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp quyền sử dụng đất, vùng nuôi chim yến, hướng dẫn xử lý rơm rạ sau thu hoạch...
Cử tri phường Nhơn Hưng đề nghị cấp giấy đỏ
Cử tri phản ánh tình trạng người dân tại khu dân cư Nam Quốc lộ 91 và Nam Đường tỉnh 955A (thuộc địa bàn phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) mặc dù cư trú, sinh sống đã lâu, nhưng đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đề nghị cơ quan chức năng quan tâm, xem xét, sớm cấp GCNQSDĐ để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Theo UBND tỉnh, hiện nay, tuyến dân cư Nam Quốc lộ 91 chưa có bản đồ địa chính bổ sung nên chưa thể cấp GCNQSDĐ cho hộ dân. Nguyên nhân là do khi đo đạc lập bản đồ hiện trạng thì sai với bản đồ phân lô đã được duyệt, 93/215 hộ xây dựng nhà chưa đúng với quy hoạch phân lô được phê duyệt (27 trường hợp tự ý tách thửa và mua bán cho nhau, 19 trường hợp phát sinh thêm do các hộ dân bán một phần thửa đất đang ở, 23 trường hợp tự ý đổi nền, 24 trường hợp được giao nền bán cho hộ dân khác đang sinh sống), từ đó dẫn đến cơ quan thẩm định việc lập bản đồ địa chính bổ sung chưa đạt yêu cầu.

Ngày 25/7/2023, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn: “Thực hiện việc đăng ký và cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các đối tượng chính sách của cụm tuyến dân cư vượt lũ theo quy định và quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp các đối tượng có sai lệch về diện tích (sai lệch chiều ngang thửa đất trong phạm vi cho phép <0,4m (theo ý kiến thống nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường, nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) sẽ được xem xét cấp GCNQSDĐ theo quy định. Trường hợp còn lại phải thực hiện thủ tục cấp giấy lần đầu cho các đối tượng được hưởng chính sách theo quy định. Các hộ sau khi được xem xét cấp GCNQSDĐ lần đầu theo quy định; trường hợp đủ thời gian để thực hiện chuyển nhượng thì sẽ được chuyển nhượng quyền QSDĐ theo quy định”.
Hiện nay, UBND TX. Tịnh Biên phối hợp Sở Xây dựng thực hiện các trình tự theo quy định, báo cáo đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh bản đồ phân lô đã được phê duyệt theo bản đồ hiện trạng để lập bản đồ địa chính bổ sung trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với tuyến dân cư Nam Kênh Vĩnh Tế (Nam Đường tỉnh 955A): Hiện nay, không có hồ sơ đầy đủ của 1 dự án đầu tư theo quy định, chỉ có Quyết định 522/QĐ-CT-UB, ngày 14/3/2000 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến dân cư Nam Vĩnh Tế, ấp Đông Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (bản photo). Ngoài ra không có hồ sơ pháp lý gì thêm, nên việc lập lại các hồ sơ xin giao đất theo quy định là không thể thực hiện. Hiện nay, đã đo đạc xong hiện trạng và đang biên tập bản đồ; đồng thời, địa phương đang rà soát lại đối tượng. UBND TX. Tịnh Biên tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện và báo cáo UBND tỉnh.
Xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch lúa
Ngày 27/3/2024, Cục Trồng trọt đã ban hành Quyết định 145/QĐ-TT-CLT về quy trình và sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”. Trong đó, rơm rạ được khuyến cáo xử lý như sau: “Không đốt rơm hoặc vùi rơm trong ruộng ngập nước. Thu rơm ra khỏi ruộng bằng máy cuốn rơm, ưu tiên tái sử dụng hay tuần hoàn rơm tại địa phương. Rơm khô, chất lượng phù hợp có thể sử dụng để trồng nấm hoặc sản xuất thức ăn cho đại gia súc, đệm lót sinh học và sản xuất các vật dụng thay thế nhựa như chậu hoa… Rơm ướt hoặc rơm đã bị hoai mục sử dụng để phủ gốc cây. Riêng rơm đã bị mốc, sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Tất cả các loại rơm và phụ phẩm hay chất thải từ trồng nấm và chăn nuôi nên được sử dụng làm phân bón hữu cơ. Gốc rạ được khuyến cáo xử lý như sau: Khuyến khích áp dụng các biện pháp thúc đẩy phân hủy gốc rạ trong điều kiện không bị ngập nước như cày vùi, băm hay làm dập gốc rạ, phun bổ sung chế phẩm sinh học. Vụ đông xuân: Cày hoặc xới vùi gốc rạ ngay sau thu hoạch (càng sớm càng tốt), duy trì điều kiện khô (không ngập nước) ít nhất 3 tuần sau khi vùi. Vụ hè thu và thu đông: Xới ruộng ngay sau thu hoạch và kết hợp phun chế phẩm sinh học như Trichoderma... trước khi xới ruộng".
Biện pháp xử lý đối với các nhà nuôi chim yến thuộc khu vực cấm nuôi
Đối với các nhà nuôi chim yến đã hoạt động trước ngày Nghị quyết 28/2024/NQ-HĐND có hiệu lực, đến nay thuộc vùng không được nuôi chim yến theo Nghị quyết 28/2024/NQ-HĐND áp dụng thực hiện theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết 28/2024/NQ-HĐND, ngày 27/12/2024 và chịu sự quản lý theo Kế hoạch quản lý hoạt động nuôi chim yến đối với các nhà nuôi chim yến. “Điều 4. Quy định chuyển tiếp: Nhà yến thuộc Khoản 1 và 2 điều này phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới; nhà nuôi chim yến nằm trong khu dân cư, nhà nuôi chim yến cách khu dân cư dưới 300m, thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh (theo quy định tại Khoản 2, Điều 25, Nghị định 13/2020/NĐ-CP, ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi): 1. Nhà nuôi chim yến đã hoạt động trước ngày 18/12/2021, thuộc vùng không được nuôi chim yến của Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND, ngày 8/12/2021 của tỉnh quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang. 2. Nhà nuôi chim yến đã hoạt động từ ngày 18/12/2021 đến 6/1/2025, thuộc vùng được nuôi chim yến của Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND, nhưng thuộc vùng không được nuôi chim yến tại Khoản 1, Điều 3 của nghị quyết này.)