UBND tỉnh thảo luận nhiều chính sách hỗ trợ trong các lĩnh vực, ngành nghề UBND tỉnh thảo luận nhiều chính sách hỗ trợ trong các lĩnh vực, ngành nghề
Ngày 14.11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến đồng chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.
Chính sách thu hút và hỗ trợ đối với giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non công lập
Tại phiên họp, Sở Giáo dục và Đào tạo trình Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách thu hút và hỗ trợ đối với giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2025-2030.
UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11.
Theo Dự thảo Nghị quyết, thời gian qua,được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, hệ thống giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống trường lớp, số lượng, chất lượng nhà giáo ngày càng phát triển, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ phát triển giáo dục của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập của tỉnh thì cấp học giáo dục mầm non còn những khó khăn hạn chế như: Trên địa bàn tỉnh hiện có 108 trường mầm non công lập, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp học giáo dục mầm non có 3.459 người. Tỷ lệ bố trí giáo viên mầm non bình quân của tỉnh là 1.72 giáo viên/nhóm/lớp, thấp hơn so khu vực Đông Nam Bộ. Tỷ lệ thiếu giáo viên mầm non bình quân 15,3%.
Quang cảnh hội nghị.
Trên cơ sở biên chế được bổ sung và biên chế hiện có, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên. Từ năm 2019 đến 2023 đã tuyển dụng được 321/1.948 chỉ tiêu giáo viên mầm non (đạt tỷ lệ 16,5%), nhưng vẫn còn thiếu 368 giáo viên mầm non.
Nguyên nhân thiếu giáo viên là do nguồn tuyển dụng rất hạn chế, số lượng sinh viên học cao đẳng sư phạm mầm non ra trường hằng năm rất ít, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Một số sinh viên đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trước đây không đủ điều kiện để tuyển dụng vì theo Luật Giáo dục 2019 yêu cầu giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng. Mặt khác, mức lương giáo viên mới ra trường còn thấp là nguyên nhân dẫn đến nhiều giáo viên nghỉ việc, khó thu hút sinh viên vào ngành sư phạm mầm non.
Vì vậy, cần thiết có chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút giáo viên mầm non (giáo viên trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý ngành học mầm non) để thực hiện đạt mục tiêu phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, Dự thảo quy định đối tượng áp dụng giáo viên mầm non được tuyển dụng vào công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh; Giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và giáo viên làm công tác quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh; Các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.
Đối với chính sách thu hút, Dự thảo quy định hỗ trợ 50 triệu đồng/người đối với giáo viên được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã biên giới trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ 30 triệu đồng/người đối với giáo viên được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Chi – Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Đối với chính sách hỗ trợ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, Dự thảo quy định hỗ trợ 2triệu đồng/người/tháng đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.
Đối với chính sách hỗ trợ đối với giáo viên làm công tác quản lý giáo dục, Dự thảo hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người/tháng đối với giáo viên làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ 800 ngàn đồng/người/tháng đối với giáo viên làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất Dự thảo Nghị quyết, giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ hoàn chỉnh Dự thảo để trình kỳ họp HĐND xem xét, sớm ban hành và triển khai, thực hiện.
Chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cũng tại phiên họp, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023, theo đó, toàn tỉnh Tây Ninh có 16 hộ nghèo dân tộc thiểu số và 48 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh chưa ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Do đó trong thực tiễn triển khai Luật Đất đai năm 2024 cần phải ban hành chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để bảo đảm ổn định cuộc sống, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực
tế của địa phương.
Ông Văn Tiến Dũng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Dự thảo quy địnhđối tượng áp dụng cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống ổn định trên địa bàn tỉnh, không có đất ở, đất nông nghiệp và chưa được Nhà nước hỗ trợ đất đai lần nào.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Đặng – Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại hội nghị.
Theo đó, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất ở và chưa được giao đất ở lần nào. Có đăng ký thường trú ở địa phương tại thời điểm xem xét hưởng chính sách. Việc giao đất ở chỉ được áp dụng một lần duy nhất trong quá trình thực hiện chính sách.
Dự thảo quy định chính sách hỗ trợ đất ở để bảo đảm ổn định cuộc sống cụ thể: Giao đất ở trong hạn mức giao đất ở được quy định tại Quyết định số 53/2024/QĐ-UBND ngày 15.10.2024 của UBND tỉnh; Diện tích giao đất ở không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở được quy định tại Quyết định số 49/2024/QĐ-UBND ngày 15.10.2024 của UBND tỉnh.
Đối với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tư pháp và một số đơn vị liên quan hoàn tất Dự thảo để trình ra kỳ họp HĐND tỉnh.
Cũng tại phiên họp, đại diện các Sở, ngành trình nhiều Dự thảo Nghị quyết quan trọng.