UBND tỉnh cho ý kiến vào kế hoạch tài chính và một số nội dung quan trọng khác
Ngày 22/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thường kỳ tháng 11/2024. Các đại biểu dự phiên họp đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo, kế hoạch tài chính và một số nội dung quan trọng khác.
Phân bổ dự toán chi ngân sách phải xác định trên nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; chi ngân sách địa phương năm 2025; báo cáo phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương năm 2025 do Sở Tài chính chủ trì soạn thảo.
Theo báo cáo, mục tiêu xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 là triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chủ yếu nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2025 và giai đoạn 2021-2025. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chính sách cải cách tiền lương, an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án thống nhất từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách, dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2025 đảm bảo các nguyên tắc như: Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan; bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, quản lý thu, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu ngân sách.
Bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm; ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội quan trọng; đảm bảo kinh phí và các điều kiện phục vụ công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025; các ngày lễ lớn, kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và của tỉnh; kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Đề án 06...
Dự toán chi ngân sách địa phương của các huyện, thị xã, thành phố được tính đúng, tính đủ trên cơ sở dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên và nhu cầu tăng chi thực hiện các chế độ, chính sách mới ban hành. Căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách, các đại phương chủ động cơ cấu chi ngân sách theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng cường nguồn lực cho chi đầu tư phát triển...
Trên cơ sở nội dung báo cáo, phương án, cũng như qua thảo luận, cho ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cơ bản thống nhất nội dung được đưa ra trong báo cáo, phương án; giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tài chính rà soát, hoàn thiện báo cáo Dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2025 theo yêu cầu.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Dự báo tình hình năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, do vậy để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tập trung triển khai, đưa vào hoạt động các dự án lớn. Nhiệm vụ này phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ ngay từ những tháng đầu của năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng cho ý kiến cụ thể vào Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương năm 2025, tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời khẳng định việc phân bổ dự toán chi ngân sách phải xác định trên nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên. Ngoài ra cần có sự cân đối cho phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó những gì cần thiết thì ưu tiên phân bổ vốn cho chi đầu tư phát triển.
Thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến vào Kế hoạch đầu tư công năm 2025, tỉnh Thanh Hóa; Quy định mức chi đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi phí chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Phương án phân bổ chi tiết nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương năm 2023 để đầu tư trở lại cho tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội thuộc kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa (đợt 2); Phương án điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 (đợt 3).
Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt 1); Quy định phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa; Quyết định bãi bỏ Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 và Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh ban hành quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đấu giá.
Phiên họp cũng đã tập trung thảo luận cho ý kiến vào danh mục dự án phải thu hồi đất, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh năm 2025 - đợt 1; Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quy định về các yếu tố làm căn cứ xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBDN tỉnh Đỗ Minh Tuấn thống nhất chủ trương và nội dung các tờ trình. Riêng Tờ trình Quyết định bãi bỏ Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 và Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 26/1/2022 của UBND tỉnh ban hành quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đấu giá, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Tài Chính có văn bản hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố và các ngành thực hiện theo Quyết định bãi bỏ.
Đối với Quy định về các yếu tố làm căn cứ xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường, Văn Phòng UBND tỉnh và các ngành liên quan thẩm tra, đối chiếu lại các quy định về các yếu tố làm căn cứ xác định giá đất cụ thể, chặt chẽ.