UBND tỉnh chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 6/8/2024, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Nội dung công văn như sau:

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước trên các sông nội đồng và các kênh tiêu dẫn nước về các trạm bơm dâng cao, trên sông Đáy đã xuất hiện đợt lũ với đỉnh lũ trên báo động III (tại Phủ Lý 4,05m, trên báo động II là 0,05m lúc 6h ngày 26/7/2024). Mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng vùng trũng, thấp, các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và gây mất mất an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cụ thể: Về nông nghiệp: 5.867,0 ha lúa và rau màu bị ảnh hưởng (diện tích lúa: 5.205,2 ha, cây rau màu: 661,8 ha). Về đê điều: Trên một số tuyến đê đã xảy ra một số sự cố gây mất an toàn đê điều, đặc biệt là trên tuyến đê hữu Hồng đã xảy ra sự cố sạt trượt mái thượng lưu các đoạn K126+550-K126+590, K127-634- K127+654, thuộc địa bàn các xã Chuyên Ngoại, Trác Văn, thị xã Duy Tiên.

Sạt trượt mái thượng lưu trên tuyến đê hữu Hồng đoạn từ K126+550 - K126+590.

Sạt trượt mái thượng lưu trên tuyến đê hữu Hồng đoạn từ K126+550 - K126+590.

Thực hiện Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới: Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Văn bản số 997/SNN- TL ngày 05/8/2024), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và đất nước. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra, đặc biệt lưu ý những vị trí đã xảy ra sự cố, những khu vực ảnh hưởng bởi lũ, ngập lụt.

Chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão, tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định. Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, khu vực bị ngập sâu ven sông để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với nơi chưa có điều kiện di dời ngày phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai xảy ra để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác; không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động đôn đốc các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo Văn bản số 1249/UBND-NNTNMT ngày 03/7/2024. Kịp thời tổng hợp tình hình thiệt hại, phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả khi vượt quá khả năng xử lý của địa phương. Chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, công trình đê kè đang thi công dở dang.

3. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ động chỉ đạo các Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp với địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai theo quy định.

4.Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hỗ trợ địa phương và nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tính huống, chủ động triển khai hỗ trợ địa phương và nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.

5.Giám đốc Sở Công thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp cấp điện cho sản xuất và sinh h hoạt của nhân dân

6.Giám đốc Sở Giao thông Vận tài chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông khi có tình huống thiên tai, hỗ trợ các địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị ảnh hưởng, nhất là các trục giao thông huyết mạch.

7.Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tổng biên tập Báo Hà Nam tăng cường các biện pháp thông tin, tăng thời lượng đưa tin kip thời về dự báo, cảnh báo diễn biến của các đợt thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

8. Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Giám đốc các Công ty: TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam theo chức năng nhiệm vụ rà soát, triển khai thực hiện nội dung phương án phòng, chống thiên tai đã phê duyệt, trong đó tập trung kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống công trình tiêu thoát nước, đồng thời đảm bảo tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Thường xuyên duy tu, bao dưỡng hệ thống công trình thủy lợi sẵn sàng vận hành tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn có nguy cơ gây ngập úng, lụt, bão giảm thiểu tối đa thiệt hại.

9. Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam tăng cường kiểm tra, củng cố hệ thống lưới điện, đặc biệt trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng, thông tin liên lạc và phục vụ sản xuất.

10. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo và thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan cho các cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết để chủ động trong chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó thiên tai.

PV

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/ubnd-tinh-chi-dao-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-131495.html
Zalo