UAV tạo ra trạng thái bình thường mới trong xung đột Ukraine như thế nào?

Thiết bị bay không người lái không chỉ đóng vai trò then chốt trong chiến lược quân sự mà còn làm thay đổi cách thức tác chiến trên chiến trường Ukraine.

Vai trò then chốt của các thiết bị không người lái

Theo một báo cáo của EU, việc “số lượng các hệ thống không người lái đạt đến mức độ đáng kinh ngạc” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là minh chứng cho tính cách mạng của tác chiến bằng thiết bị này. Diễn biến mới đây tại Moscow, nơi 105 máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ chỉ trong đêm 22/5, đã cho thấy trạng thái bình thường mới của xung đột. Trong sự kiện này, khi cả 4 sân bay lớn của Moscow buộc phải đóng cửa tạm thời là lời nhắc nhở rõ ràng về giá trị chiến lược của máy bay không người lái trong chiến sự.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Việc Ukraine triển khai máy bay không người lái một cách rộng khắp không phải là điều bất thường. Thực tế, đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm phá hủy năng lực quân sự và công nghiệp của Moscow, thể hiện rõ qua việc 485 thiết bị bay không người lái bị bắn hạ trên bầu trời Nga chỉ trong ba ngày từ 20 - 22/5. Điều này trở nên khả thi nhờ các kế hoạch sản xuất đầy tham vọng của Ukraine, với mục tiêu ban đầu là 1 triệu thiết bị vào đầu năm 2024, sau đó được nâng lên mức chưa từng có là 4 triệu thiết bị mỗi năm, tính đến tháng 10/2024. Không để bị tụt lại trong cuộc đua, Nga cũng được cho là đang duy trì tốc độ sản xuất tương đương.

Thiết bị bay không người lái không chỉ đóng vai trò then chốt trong chiến lược quân sự mà còn làm thay đổi cách thức tác chiến trên chiến trường. Chúng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ do thám, đánh lạc hướng, đến triển khai thiết bị hoặc rải mìn. Đặc biệt hữu ích trong những tình huống mà cơ hội sử dụng lực lượng quân sự truyền thống bị hạn chế, tác chiến bằng thiết bị không người lái đã trở thành trụ cột trong nỗ lực quân sự của Ukraine, nhất là khi việc đảm bảo chuỗi cung ứng vũ khí và đạn dược truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Việc 4 sân bay lớn nhất của Moscow là Sheremetyevo, Vnukovo, Domodedovo và Zhukovsky buộc phải đóng cửa gần đây vì các cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái cho thấy tầm quan trọng chiến lược của loại hình tác chiến này. Giới chức Nga phải đình chỉ hoạt động tại các sân bay lớn đã cho thấy chỉ một thiết bị bay cũng có thể tạo ra tác động đáng kể, ngay cả ở những khu vực nằm xa chiến trường. Sự kiện này cũng là lời nhắc nhở về mức độ con người phụ thuộc vào hoạt động hàng không - yếu tố đặc biệt quan trọng đối với một quốc gia rộng lớn như Nga, nơi hậu quả kinh tế và hậu cần có thể rất nghiêm trọng.

Nỗ lực sử dụng thiết bị bay không người lái ngày càng tăng trong xung đột Nga - Ukraine không chỉ làm thay đổi bản chất cuộc xung đột mà còn nhấn mạnh nhu cầu thích nghi nhanh chóng với tiến bộ công nghệ. Như Hội đồng Đối ngoại châu Âu nhận định, tốc độ phát triển công nghệ trong lĩnh vực này không chỉ là thành quả của sự sáng tạo kỹ thuật mà còn là đòi hỏi mang tính chiến thuật để luôn đi trước một bước. Từ những thiết bị đôi khi chỉ nhỏ như một món đồ chơi đến những phương tiện có sải cánh lên tới 20 mét, các thiết bị không người lái đang trở thành một phần tất yếu trong chiến tranh hiện đại, phục vụ cả mục đích do thám, tấn công và truyền dẫn tín hiệu.

Bài học từ cuộc chiến UAV ở Ukraine

Việc sử dụng thiết bị không người lái trong xung đột Ukraine cũng làm nổi bật tầm quan trọng của việc quản lý tác động địa chính trị của công nghệ này. Trong khi Trung Quốc hiện nắm giữ vị thế độc quyền trên thị trường thiết bị và linh kiện cho các hệ thống không người lái dân dụng trên toàn cầu thì sự phụ thuộc của phương Tây vào linh kiện Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại chiến lược, đặc biệt đặt trong bối cảnh quan hệ địa chính trị giữa Bắc Kinh và Moscow. Trước tình thế đó, Ukraine đã bắt đầu quá trình nội địa hóa sản xuất linh kiện nhưng đây sẽ là một tiến trình dài hạn, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn từ các đồng minh châu Âu.

Việc Ukraine sử dụng các phương tiện không người lái một cách chiến lược, thể hiện rõ qua các đợt tấn công quy mô lớn mới đây trên bầu trời Moscow là minh chứng không thể phủ nhận cho quá trình hiện đại hóa chiến lược quân sự của nước này. Các chiến dịch mang hai mục tiêu là gây nhiễu loạn giao thông hàng không của Nga và làm hao hụt hệ thống phòng không của nước này. Trước đó, báo cáo từ phía Moscow đã ghi nhận việc bắn hạ 485 UAV trong 3 ngày liên tiếp.

Thứ hai, các thiết bị không người lái đã mở rộng khả năng liên quan của dân thường đến cuộc xung đột. Việc triển khai hàng loạt thiết bị bay không người lái giá rẻ và đa chức năng đã tạo điều kiện để người dân đóng góp vào nỗ lực phòng thủ từ quyên góp tài chính cho đến phát triển công nghệ mới.

Đơn vị UAV tình nguyện Aerorozvidka của Ukraine đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ phục vụ quân đội. Sự huy động lực lượng công dân kiểu mới này vừa là tài sản vừa là thách thức của tác chiến hiện đại, bởi người dân tham gia có thể tạo nên sức mạnh vì lợi ích chung nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng sự phân cực và gây phức tạp thêm cho ngoại giao toàn cầu.

Bài học từ “cuộc thí nghiệm” tác chiến UAV tại Ukraine mang nhiều ý nghĩa đối với các chính phủ và lực lượng vũ trang phương Tây. Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị cho một tương lai mà các thiết bị không người lái sẽ giữ vai trò trung tâm trong các cuộc xung đột. Tốc độ cải tiến công nghệ và sự lỗi thời nhanh chóng của một số công nghệ UAV hiện nay đòi hỏi cách tiếp cận hướng tới khả năng mở rộng và linh hoạt trong sản xuất. Điều này bao gồm việc thiết kế các hệ thống mô-đun với các linh kiện có thể hoán đổi, cho phép dễ dàng điều chỉnh phù hợp với môi trường tác chiến không ngừng thay đổi.

Việc Ukraine và Nga tiếp tục sử dụng thiết bị bay không người lái trong giao tranh là một biểu hiện rõ rệt về diện mạo tương lai của xung đột. Khi cuộc xung đột này vẫn đang tiếp diễn và tự định hình lại chính mình thì vũ khí và chiến thuật của các quốc gia trên toàn thế giới cũng phải thay đổi tương ứng. Đây có thể chính là chỉ dấu cho cách mà các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ được tiến hành với thiết bị bay không người lái đóng vai trò trung tâm trong cả hoạt động quân sự lẫn dân sự.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Modern Engineering Marvels

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/uav-tao-ra-trang-thai-binh-thuong-moi-trong-xung-dot-ukraine-nhu-the-nao-post1201685.vov
Zalo