U17 Việt Nam và chuẩn mực Indonesia
Chiến thắng trước U17 Hàn Quốc của U17 Indonesia tại VCK U17 châu Á 2025 không phải tự dưng mà có. 'Trái ngọt' ấy hình thành từ một hệ thống giải trẻ được thực hiện bài bản và quy củ tại đất nước vạn đảo, ngay từ cấp độ 17 tuổi. Đó có thể xem là chuẩn mực để U17 Việt Nam hay rộng hơn là bóng đá trẻ Việt Nam nhìn vào.
Giải mã Indonesia
U17 Indonesia là đại diện duy nhất của Đông Nam Á giành chiến thắng tại lượt ra quân VCK U17 châu Á 2025. Nếu như Việt Nam hòa may mắn trước Australia, Thái Lan thua đậm Uzbekistan thì Indonesia đánh bại Hàn Quốc ở giai đoạn bù giờ cuối trận. Có 2 điều đặc biệt xoay quanh thắng lợi này của Indonesia. Thứ nhất, Hàn Quốc hiện là đương kim á quân của giải đấu. Thứ hai, 99% lực lượng Indonesia là những nội binh chơi bóng ở trong nước. Duy chỉ có Mathew Baker là cầu thủ Indonesia kiều đang phát triển tại Australia.

U17 Indonesia thu được trái ngọt sau nhiều năm đầu tư giải trẻ từ cấp U17.
Hẳn nhiên, đây là một Indonesia thuần chất nhất, nếu đối chiếu với dàn cầu thủ nhập tịch từ châu Âu ở U22 và ĐTQG hiện tại. Điều đó khẳng định chất lượng đào tạo trẻ nói riêng và nguồn lực nội binh của Indonesia nói chung đủ khả năng gặt hái thành công, đặc biệt tại bình diện giải trẻ châu Á.
Thực tế, nhiều tờ báo của Indonesia phân tích rằng kết quả mà đội tuyển U17 nước này có được trước Hàn Quốc đến từ năng lực cầm quân của HLV Nova Arianto, người chịu ảnh hưởng lớn từ triết lý huấn luyện Shin Tae Yong. Trong đó, yếu tố thể lực đã giúp cho U17 Indonesia lì lợm, thi đấu ngang ngửa trước khi có thắng lợi ở giây cuối cùng trước U17 Hàn Quốc.
Dẫu vậy, giá trị vĩ mô mà U17 Indonesia đang gặt hái đến từ nền tảng phát triển bóng đá trẻ của quốc gia này trong nhiều năm qua. Được biết tại Indonesia, một giải trẻ dành cho đội U17 được tổ chức quy củ và vận hành liên tục thời gian qua. Giải đấu tập hợp nhiều đội trẻ thuộc các CLB chuyên nghiệp đến từ giải VĐQG, hạng Nhất Indonesia cũng như các học viện bóng đá nổi bật. Trong đó, vòng loại khu vực được tổ chức theo từng tỉnh, thành hoặc khu vực. Các đội mạnh nhất ở vòng loại sẽ tiến vào VCK toàn quốc.
Bên cạnh đó, những đội U17 như Persib Bandung, Persebaya Surabaya, PSS Sleman, Bhayangkara FC… sẽ tham gia một giải trẻ lâu đời khác của Indonesia, với tên gọi là Soeratin Cup. Đây là giải dành cho các cầu thủ trải dài từ lứa U13 đến U17, với quy mô từ cấp khu vực, cấp tỉnh cho đến cấp quốc gia.
Chưa kể, bắt đầu từ năm 2018 cho đến nay, những cầu thủ từ 13 đến 19 tuổi của Indonesia tiếp tục tham gia Elite Pro Academy, hệ thống giải trẻ chuyên nghiệp cho LĐBĐ Indonesia tổ chức. Giải đấu này thậm chí còn áp dụng cả VAR trong một số trận đấu có tính quan trọng.
Ước tính trung bình một cầu thủ từ 19 tuổi trở xuống ở Indonesia có thể được thi đấu từ 35 - 45 trận đấu trong một năm. Con số này cũng đảm bảo cột mốc lý tưởng trong việc phát triển đối với tài năng trẻ.
Học tập và tiếp bước
Cách mà Indonesia đầu tư và phát triển bóng đá trẻ là điều mà bóng đá Việt Nam cần học hỏi. So với nước bạn, các cầu thủ U17, U19 hay U21 của Việt Nam thiếu sân chơi và cơ hội để rèn giũa bản thân. Trung bình trong một năm, những cầu thủ lứa U17 và U19 thực tế chỉ có 2 sân chơi quốc gia.
Những Duy Khang, Thiên Phú, Hồng Phong,… ở lực lượng U17 Việt Nam hiện tại thực tế chỉ được cọ xát ở mặt trận U17 và U19 quốc gia trong 1 năm. Nếu xuất sắc đi đến trận chung kết, tổng số trận đấu mà họ có được cũng chỉ dao động ở mức 20-25 trận. Con số này ít hơn 1 nửa so với Indonesia nói riêng hay tiêu chuẩn định lượng quỹ trận đấu mà cầu thủ trẻ thế giới hiện đang có.
Trong bối cảnh U17 World Cup liên tục được tổ chức trong 5 năm liền, cơ hội và thách thức song hành với U17 Việt Nam. “Những chiến binh trẻ sao Vàng” có cơ hội gần hơn đến với đấu trường thế giới. Song mặt khác, họ cũng phải đối diện với nhiều đối thủ sẵn sàng đầu tư để giành vé tới sân chơi toàn cầu.
Một câu chuyện khác đặt ra với bóng đá trẻ Việt Nam là việc sang nước ngoài từ khi 18 tuổi. Đó là giai đoạn mà trình độ phát triển cầu thủ ở các nền bóng đá chưa có độ chênh lệch lớn. Patrick Owomoyela - cựu hậu vệ của CLB Borussia Dortmund nhận ra rằng: “Ở giai đoạn 17 đến 19 tuổi tại châu Á, trình độ cầu thủ giữa các đội tuyển không mấy khác biệt. Bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra ở nhóm tuổi này. Những đội tuyển nhỏ có lý do để thắng tên tuổi lớn”.
Thực tế bên cạnh trận hòa 1-1 trước U17 Australia, đội U17 nói riêng và bóng đá trẻ Việt Nam nói chung đã và đang có kết quả tích cực trước “nhóm đại gia” Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Iran, Iraq. Đó đương nhiên là tín hiệu khả quan với bóng đá Việt Nam nói riêng. Cũng từ tiềm năng đó, bóng đá Việt Nam phải tự đặt ra câu hỏi mang tính tham vọng hơn. Đó là nếu hoàn thành mục tiêu đến World Cup thì chúng ta cần làm gì kế tiếp?
U17 châu Á hay U17 World Cup sau cùng không chỉ dừng lại ở sân chơi hay điểm đến. Đó còn là “cây cầu” để các cầu thủ trẻ có dịp lọt vào mắt xanh của đội ngũ tuyển trạch trên toàn thế giới. Từ giải đấu này, cánh cửa tới những nền bóng đá lớn hơn sẽ dần mở ra cho dàn cầu thủ trẻ Việt Nam. Đây sẽ là mục tiêu kế tiếp mà bóng đá Việt Nam cần mạnh dạn nghĩ tới, nếu như muốn tập hợp lực lượng mạnh hơn cho ĐTQG, hướng tới VCK World Cup đầu tiên trong lịch sử.
“Có một lời khuyên mà tôi vẫn nói với các cầu thủ. Đó là luôn phải đặt mình ở những môi trường có tính thử thách cao hơn để bản thân nỗ lực phấn đấu. Hãy luôn đặt mình vào những tình huống, môi trường mà bạn phải được thử thách, được phát triển, được học hỏi để bản thân ngày mai giỏi hơn mình của ngày hôm nay”, cựu hậu vệ Patrick nói…
Từng bước tới Nhật Bản
Đội hình U17 Việt Nam hiện tại có một cầu thủ từng được cọ xát ở môi trường nước ngoài. Đó là Nguyễn Văn Bách, gương mặt kiến tạo bàn thắng cho Duy Khang, trong trận hòa 1-1 của U17 Việt Nam trước U17 Australia.
Trong giải Tứ hùng tại Trung Quốc cách đây nửa năm, Nguyễn Văn Bách đã để lại dấu ấn với hai bàn thắng quan trọng vào lưới U17 Uzbekistan và U17 Nhật Bản, qua đó mang về những chiến thắng quý giá cho U17 Việt Nam. Cũng nhờ vậy mà Văn Bách được Trung tâm PVF tạo điều kiện sang Nhật Bản, học tập tại CLB Shonan Bellmare. Đây là đội bóng này có bề dày thành tích với một lần vô địch quốc gia Nhật Bản, ba lần đoạt Cúp Hoàng đế và một lần giành Cúp C2 châu Á, khẳng định vị thế vững chắc trong làng bóng đá châu lục.