Tỷ phú bonsai từ cây ăn quả ở Phúc Thọ
Mít, hồng xiêm, vú sữa, xoài, ổi… là những cây ăn quả có kích thước lớn, nhưng qua đôi tay tài hoa, óc sáng tạo, anh Nguyễn Mạnh Cường ở thôn 5, xã Phúc Hòa (huyện Phúc Thọ) đã tạo thành những chậu bonsai độc đáo, có giá trị kinh tế rất cao...
Ngày cuối đông, khi nắng hắt nhẹ trên những cánh đồng đang phơi ải đất chờ vụ mới, chúng tôi có dịp ghé thăm vườn cây cảnh của anh Nguyễn Mạnh Cường. Ấn tượng nhất là trong số hàng trăm cây cảnh nghệ thuật có nhiều cây ăn quả được tạo dáng, thế độc đáo. Anh Cường chia sẻ, đam mê cây cảnh từ nhỏ nhưng tới năm 2012, khi nghỉ công tác tại một cơ quan nhà nước, anh mới bắt đầu làm kinh tế bằng cách này. Vườn cây ban đầu của anh có diện tích khoảng 300m2 với số cây ít ỏi, nhưng thấy có lãi nên anh nhanh chóng phát triển... Đến nay, anh đang có 2 vườn cây cảnh ở xã Phúc Hòa và thị xã Sơn Tây với hàng nghìn tác phẩm sinh vật cảnh giá trị cao, số vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.
Nói về việc đưa cây ăn quả lên chậu, anh Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ tập trung vào cây truyền thống, như: Sanh si, đa, đề... Nhận thấy nhiều cây ăn quả cũng có hình thù rất đặc biệt, đưa vào chậu được nhiều người yêu thích, có giá trị cao, nên tôi tiến hành làm. Để tìm được những cây độc, lạ, thời gian đầu, tôi sưu tầm khắp cả nước, đi khắp các vùng quê. Có những cây trước đó chỉ nằm ở bờ ao, bụi chuối bình dị, nhưng có dáng độc, lạ là tôi đưa về tạo tác thành cây cảnh, nâng giá trị lên gấp hàng trăm lần". Hiện tại, vườn cây cảnh của gia đình anh Cường quy tụ hơn 10 chủng loại cây ăn quả, như: Hồng xiêm, vú sữa, ổi, xoài, thị, nhãn, sung, trứng gà, mít, chòi mòi, me…
Theo chia sẻ của anh Cường, để đưa cây ăn quả cỡ lớn lên chậu là hành trình không hề dễ dàng. Anh thường sưu tầm hàng ngàn cây trong tự nhiên mới có một vài cây có dáng, thế độc lạ. Tìm được cây rồi, để "đánh" cây về, trồng cây, chăm sóc sao cho cây sống cũng không đơn giản. Mỗi cây có đặc tính khác nhau. Chẳng hạn như cây mít, phải "đánh" vào mùa khô, tránh gặp nước cây xót nhựa chết. Có cây mang về phải phơi vài nắng, cắt bớt rễ, bôi liền sẹo rồi mới trồng. Khi trồng, anh ươm cây trong cát để cây nhanh phát triển bộ rễ, sau đó mới đưa lên chậu. Khi đưa lên chậu cũng phải tính toán sao cho đủ đất, cây mới phát triển. Cũng theo anh Cường, trước đây khi mới "vào nghề", anh làm 10 cây mà được "chắc ăn" 3 cây là đã thành công, nhưng giờ anh làm 10 cây đạt cả 10...
Chỉ tay về phía cây hồng xiêm cổ thụ được trồng trong 1 chậu xi măng lớn, anh Nguyễn Mạnh Cường cho hay, tác phẩm có tên là “Đại hồng phúc”. Cây hồng xiêm có tuổi đời hơn 200 năm được mua lại từ vườn nhà dân ở tỉnh Bình Dương. Sau khi mua về, anh Cường đã tạo tác theo "dáng làng". Cây có phần gốc rễ cổ thụ, xù xì, gân guốc phủ rộng gần kín diện tích chậu trồng; cành tán rất sum suê, nhiều cành tán, phân bố trên cao, tạo sự phong sương...
Không chỉ là thú chơi để thỏa mãn đam mê, cây cảnh đã trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường. Ngoài làm giàu cho gia đình, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động chuyên nhặt cỏ, tưới cây với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng; 2 lái cẩu chuyên chuyển cây có thu nhập 16 triệu đồng/người/tháng và 1 thợ kỹ thuật chuyên tạo tác cho cây có thu nhập 27 triệu đồng/tháng.
Nhận xét về thành quả của anh Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Phúc Thọ Hà Thanh Quế thông tin, Hội Sinh vật cảnh của huyện có 27 hội viên, thì vườn cây cảnh của anh Nguyễn Mạnh Cường có quy mô lớn nhất - nhì trong huyện. Ngoài làm kinh tế gia đình, anh Cường còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ thành viên trong hội về kinh nghiệm, kỹ thuật chăm cây cũng như chia sẻ về thị trường.
"Hội Sinh vật cảnh chúng tôi mong muốn được huyện hỗ trợ tổ chức hội chợ sinh vật cảnh thường xuyên để giúp các nhà vườn của Phúc Thọ kết nối với những người cùng đam mê cây cảnh trong cả nước. Qua đó, chúng tôi được mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển", Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Phúc Thọ Hà Thanh Quế nói.