Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn của Việt Nam ở mức cao

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30.

Ngày 22/9/2024, tại Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (AF HANOI) tổ chức “Hội thảo khoa học lần thứ 5” với sự tham của nhiều chuyên gia sản khoa đầu ngành.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia trình bày những kết quả nghiên cứu mới, cập nhật và chia sẻ kiến thức trong chẩn đoán, phân loại từng trường hợp, từ đó tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Nghiên cứu khoa học trong điều trị vô sinh hiếm muộn nói chung và vô sinh nam nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần mang lại nguồn tri thức mới để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

Nhiều trường hợp trong thực hành lâm sàng, các bác sĩ đã có những phát hiện mới mà trước đây trong các tài liệu y khoa chưa từng ghi nhận, do vậy nghiên cứu khoa học sẽ tạo điều kiện để giới chuyên môn cùng nhau phân tích, thảo luận và tìm câu trả lời cho những vấn đề này.

Thực tế cho thấy có rất nhiều báo cáo nghiên cứu đã được áp dụng thành công trong thăm khám, đem lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh hàng ngày, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học giúp tạo ra những kiến thức mới có độ tin cậy cao; nâng cao chất lượng và an toàn điều trị cho người bệnh, tăng cường hiệu quả với mức chi phí hợp lý.

Không những vậy, nghiên cứu khoa học còn tạo điều kiện cho các bác sỹ, nhân viên y tế không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng khi nhìn nhận vấn đề trong trong công tác chuyên môn với mục tiêu mang đến kết quả tốt nhất cho người bệnh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Điều này cho thấy nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn xuất phát từ hai phía cả nam và nữ. Những năm gần đây nhóm nguyên nhân về vô sinh nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn giai đoạn trước.

Sau quá trình thăm khám và thực tế điều trị cho bệnh nhân các chuyên gia, bác sĩ đã đưa ra các nhóm nguyên nhân có thể gây vô sinh nam như: do bệnh lý (tắc nghẽn đường dẫn tinh; giãn tĩnh mạch thừng tinh; xuất tinh ngược dòng; bệnh lý do nhiễm trùng…); nguyên nhân do yếu tố di truyền; thói quen lối sống không khoa học ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng…

Tình hình vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng gia tăng, các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản ngày càng nhiều, trong khi chi phí điều trị vô sinh hiếm muộn khá cao. Chuyên gia đề xuất bảo hiểm y tế chi trả từng bước điều trị vô sinh hiếm muộn.

Được biết, chi phí điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước, song vẫn là rào cản rất lớn với các bệnh nhân, chuyên gia đề xuất bảo hiểm y tế từng bước chi trả cho bệnh này.

Theo GS-TS.Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, hiện, trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam được đánh giá tương đương các nước trong khu vực, kỹ thuật phát triển rất nhanh.

Nước ta hiện có hơn 50 trung tâm hỗ trợ sinh sản, có thể đáp ứng nhu cầu điều trị của người vô sinh, hiếm muộn. Thực hiện IVF ở Việt Nam đạt mức thành công cao, tới 60% số ca chu kỳ IVF có thai lâm sàng. Tuy nhiên, điều thách thức là giá dịch vụ còn cao so với thu nhập của hầu hết người dân.

Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khao khát có con nhưng không thể thực hiện do vấn đề kinh phí, do vậy bảo hiểm y tế nên hỗ trợ, từng bước đáp ứng nguyện vọng điều trị vô sinh hiếm muộn của người dân, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.

Vị giáo sư đầu ngành sản khoa chỉ ra nghịch lý là bệnh nhân điều trị các bệnh như mổ bóc u xơ mà không có nhu cầu sinh con thì được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng nếu kèm theo điều trị vô sinh thì phải tự thanh toán toàn bộ chi phí.

Bảo hiểm y tế hiện không hỗ trợ bất cứ kỹ thuật nào trong quy trình điều trị hiếm muộn, trong khi nhiều nguyên nhân đến từ các bệnh lý: u buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng trứng...

Trên thế giới, nhiều nước coi hiếm muộn là bệnh lý và dùng bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân. Song ở nước ngoài, mệnh giá đóng bảo hiểm cao nên các dịch vụ này được bảo hiểm y tế chi trả.

Năng lực bảo hiểm của Việt Nam chưa thể bao phủ được một số dịch vụ, trong đó có IVF, với mệnh giá đóng bảo hiểm hiện tại. Vậy nên trước mắt, theo GS.Tiến,bảo hiểm y tế nên chi trả cho cả bệnh nhân hiếm muộn nhưng có bệnh lý giống những người khác. Tương lai, nếu bảo hiểm có khả năng thì cần quan tâm đến đối tượng này.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ty-le-vo-sinh-hiem-muon-cua-viet-nam-o-muc-cao-d225577.html
Zalo