Tỷ lệ lao động trẻ em giảm đáng kể trong những năm qua

Trong 100 trẻ em từ 5 đến 17 tuổi thì có gần 4 em tham gia lao động, tỷ lệ này giảm 5,6 điểm phần trăm so với năm 2018 khi tỷ lệ trẻ em tham gia lao động là 9,1%. Đây là thành tựu đáng ghi nhận về những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo.

Sáng 23/1, Tổng cục Thống kê đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo kết quả chủ yếu về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em của Việt Nam năm 2023.

Cả nước có 731.600 trẻ em tham gia lao động

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dân số Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 100 triệu người, là quốc gia có quy mô dân số lớn thứ 16 trên thế giới.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số từ 15 đến 64 tuổi chiếm 67,4% (cứ 2 người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc). Đây là điều kiện cơ bản, rất quan trọng giúp Việt Nam có đủ nguồn lực về con người để phát triển mạnh mẽ và bền vững. Dân số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi của Việt Nam cũng là con số rất lớn; với khoảng 21 triệu trẻ em, chiếm khoảng 20,6% tổng dân số.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại hội thảo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại hội thảo.

Từ năm 2012 đến năm 2023, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức lao động quốc tế ILO, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đã thực hiện thường xuyên các cuộc điều tra thống kê về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em. Từ kết quả của cuộc điều tra, Việt Nam đã có được một bức tranh toàn diện về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2023.

Theo báo cáo được trình bày tại hội thảo, trong tổng số 20,6 triệu trẻ em 5-17 tuổi ở Việt Nam, có 19,9 triệu trẻ “đang đi học”, chiếm 96,4%, trong đó có 94,8% trẻ em “chỉ đi học” và chỉ có 1,6% trẻ em phải “vừa học vừa làm”.

Toàn quốc có 731,6 nghìn trẻ em tham gia lao động. Đa phần trẻ em tham gia lao động đang cư trú ở khu vực nông thôn (84,6%) và tập trung chủ yếu ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (52,7%). Tỷ lệ trẻ em tham gia lao động là 3,5%, điều này có nghĩa là trong 100 trẻ em từ 5 đến 17 tuổi thì có gần 4 em tham gia lao động, tỷ lệ này giảm 5,6 điểm phần trăm so với năm 2018 khi tỉ lệ trẻ em tham gia lao động là 9,1%.

Đây là những thành tựu đáng ghi nhận về tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc làm, tỷ lệ đi học của trẻ em 5 đến 17 tuổi, giảm đói nghèo của Việt Nam trong những năm qua đã góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ em tham gia lao động.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các em không đi học và phải tham gia lao động. Đáng lưu ý là nguyên nhân phổ biến nhất không phải xuất phát từ các vấn đề kinh tế hoặc các áp lực từ phía gia đình mà chủ yếu là do các em “không thích đi học/học kém”, chiếm 59,9%.

Trong 6 vùng kinh tế xã hội thì Trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ trẻ em tham gia lao động cao nhất cả nước. Ở vùng này, cứ 100 trẻ em thì có khoảng hơn 7 trẻ tham gia lao động. Tiếp theo là Vùng Tây Nguyên với 6,4% trẻ tham gia lao động. Con số này ở vùng Đồng bằng sông Hồng là thấp nhất, chưa đến 1%.

Trẻ em tham gia lao động thường bị hạn chế cơ hội được đi học, đa phần trẻ em tham gia lao động hiện không đi học, trên phạm vi cả nước có 403,2 nghìn trẻ em tham gia lao động không đi học (55,1%).

Gần 94,3 nghìn trẻ em phải làm các công việc gây nguy hại

Điều đáng lo ngại là cả nước có gần 94,3 nghìn trẻ em (chiếm 35,0% tổng số lao động trẻ em) phải làm các công việc có thể gây nguy hại cho chính bản thân các em. Tổng số có khoảng 32,6 nghìn trẻ em gặp phải ít nhất 1 vấn đề về sức khỏe do công việc, chiếm 12,1% lao động trẻ em.

Mức thu nhập bình quân chung của lao động trẻ em là khoảng 3,0 triệu đồng/người/tháng, chưa bằng một phần hai mức thu nhập bình quân của những người lao động từ 15 tuổi trở lên (7,1 triệu đồng/người/ tháng). Điều này cho thấy thu nhập bình quân mà lao động trẻ em tạo ra là thấp trong khi đó việc đi làm đã khiến các em mất đi cơ hội học tập và chuẩn bị các kiến thức tốt hơn cho tương lai.

Không những thế, các công việc mà các em đang làm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của chính các em. Do đó, việc tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em là điều cần thiết, rất quan trọng và cần sự có sự quan tâm từ những nhà quản lý.

Xóa bỏ lao động trẻ em không chỉ bảo vệ quyền trẻ em mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và lực lượng lao động tương lai của đất nước.

Xóa bỏ lao động trẻ em không chỉ bảo vệ quyền trẻ em mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và lực lượng lao động tương lai của đất nước.

Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, khảo sát năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng, với việc Việt Nam lần đầu tiên tích hợp dữ liệu về trẻ em tham gia lao động vào Điều tra Lao động việc làm. Cách tiếp cận này vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, cho phép theo dõi thường xuyên xu hướng lao động trẻ em đồng thời đưa ra một mô hình mà các quốc gia khác có thể học hỏi.

Khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế và hội nhập sâu hơn vào thương mại toàn cầu, xóa bỏ lao động trẻ em sẽ không chỉ bảo vệ quyền trẻ em mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và lực lượng lao động tương lai của đất nước.

Những nỗ lực của Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Việt Nam với tư cách là một Quốc gia tiên phong Liên minh Toàn cầu 8.7 và phù hợp với các mục tiêu quốc tế nhằm xóa bỏ lao động trẻ em.

Mặc dù những tiến bộ đạt được trong năm năm qua rất đáng khích lệ, song bà Ingrid Christensen lưu ý vẫn còn những thách thức. Nhiều trẻ em vẫn phải đối mặt với công việc nguy hiểm, làm việc quá số giờ cho phép và các rủi ro khác, đặc biệt là trong nông nghiệp và công nghiệp.

“Nhìn về phía trước, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục đà phát triển và biến cam kết thành hành động cụ thể. Chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường các nỗ lực hợp tác của mình để đảm bảo rằng tất cả trẻ em, đặc biệt là những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, được bảo vệ khỏi bị bóc lột. Để đạt được điều này, chúng ta cần tạo điều kiện cho gia đình họ có thể ưu tiên lợi ích lâu dài của giáo dục cho con cái họ hơn lợi ích tài chính ngắn hạn của lao động trẻ em”, bà Ingrid Christensen nhấn mạnh./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ty-le-lao-dong-tre-em-giam-dang-ke-trong-nhung-nam-qua-169311.html
Zalo