Tỷ lệ chia cổ tức 'siêu khủng' của Hội chợ Triển lãm

Cuối tuần qua, công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm với mã chứng khoán VEF vừa trình phương án chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với mức 435%, tức là 1 cổ phiếu VEF sẽ được nhận về 43.500 đồng cổ tức. Vậy, cần nhìn nhận như thế nào về tỷ lệ cổ tức siêu khủng này của Hội chợ triển lãm?

Đây là mức cổ tức hiếm thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, hãy nhìn kỹ hơn vào cơ cấu cổ đông của Hội chợ Triển lãm.

Hiện tại, Vingroup đang nắm giữ 83,3% cổ phần, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch giữ khoảng 10%. Có nghĩa, 93,3% cổ phần công ty nằm trong tay hai cổ đông lớn, chỉ khoảng chưa tới 7% còn lại thuộc về các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường.

Do vậy, nếu phương án chia cổ tức 435% được thông qua, Vingroup sẽ ngay lập tức thu về hơn 6.000 tỷ đồng tiền mặt. Quan trọng hơn, đây là tiền thật, được rút trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của Hội chợ Triển lãm, không phải là lợi nhuận “trên giấy”.

Quý I/2025, Hội chợ Triển lãm ghi nhận mức lợi nhuận ròng lên tới 14.900 tỷ đồng – nhờ thương vụ bán sỉ 75 ha trong dự án Vinhomes Cổ Loa cho một đối tác bất động sản lớn. Đây là một phần trong quỹ đất hơn 260 ha mà Hội chợ Triển lãm đang sở hữu tại Đông Anh, Hà Nội.

Bình thường, doanh nghiệp chỉ được chia cổ tức từ lợi nhuận của năm tài chính đã kiểm toán, tức là năm 2024. Nhưng công ty lại trình luôn phương án tạm ứng cổ tức từ lợi nhuận quý I/2025, chưa cần kiểm toán. Không chỉ dùng phần tiền lãi “cũ”, mang cả phần lợi nhuận mới, vừa thu được để chia ngay lập tức.

Theo báo cáo hợp nhất, Vingroup lãi ròng 2.200 tỷ đồng trong quý I. Tuy nhiên, đây là kết quả tổng hợp từ nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Nếu tách riêng mảng sản xuất, cụ thể là xe điện VinFast, tình hình rất đáng lo ngại: Riêng quý I, VinFast lỗ gần 13.000 tỷ đồng. Khoản lỗ đó chưa tính chi phí lãi vay, vốn rất lớn, của VinFast. Năm 2024, VinFast đã phải trả tới 19.100 tỷ đồng tiền lãi vay. Với quy mô tài sản lớn và tốc độ đốt tiền nhanh, mỗi đồng tiền mặt rút ra được từ công ty con như Hội chợ Triển lãm đều là một “phao cứu sinh” quý giá.

Vì vậy, câu chuyện chia cổ tức “xông xênh” không đơn giản là vì công ty làm ăn tốt, hay vì lãnh đạo muốn tri ân cổ đông. Điều này phản ánh nhu cầu thu xếp dòng tiền khẩn cấp ở cấp tập đoàn. Với vị thế cổ đông chi phối, Vingroup hoàn toàn có quyền đề xuất và thông qua phương án chia cổ tức, miễn là vẫn tuân thủ đúng các quy định về tài chính và kế toán.

Tóm lại, siêu cổ tức 435% không phải là một món quà “bất ngờ” cho các cổ đông nhỏ lẻ, mà là một phần trong chiến lược tài chính tổng thể của Vingroup nhằm giải bài toán cân đối dòng tiền trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Để hiểu đúng về con số "siêu khủng" đó, cần đặt nó vào bối cảnh tài chính của toàn hệ sinh thái Hội chợ Triển lãm, là một mắt xích nhỏ nhưng vô cùng quan trọng.

Minh Thư

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ty-le-chia-co-tuc-sieu-khung-cua-hoi-cho-trien-lam-328949.htm
Zalo