Tỷ giá trước 'cơn bão' thuế quan từ Mỹ
Việc Mỹ áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam có thể gây ra những tác động đáng kể đến tỷ giá USD/VND, tuy nhiên giới phân tích vẫn lạc quan vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và khả năng thích ứng của doanh nghiệp...

Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Việt Nam thuộc nhóm nước chịu thuế đối ứng cao nhất, 46%. Theo thông tin từ phía Mỹ, lý do quan trọng vì Việt Nam là một trong những nước có mức thặng dư thương mại cao với Mỹ.
Ngay sau khi mức thuế quan được công bố, giá USD tăng “dựng đứng” theo những diễn biến mới trên thị trường.
Sang đến ngày 4/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.886 VND/USD, tăng mạnh 32 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.642 - 26.130 VND/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước theo đó cũng tăng lên mức 23.692 - 26.080 VND/USD (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại có diễn biến trái chiều. Vietcombank tăng 30 đồng ở cả hai chiều, niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.630 - 25.990 VND/USD. BIDV và VietinBank điều chỉnh tăng thêm từ 10 đến 15 đồng, đưa giá mua vào dao động từ 25.620 - 25.628 VND/USD, giá bán ra ở mức 25.980 - 25.988 VND/USD.
Tại Techcombank, tỷ giá mua vào giữ nguyên, trong khi giá bán ra giảm 10 đồng, hiện ở mức 25.640 - 25.985 VND/USD. Ngược lại, Eximbank giảm 10 đồng ở chiều mua vào, giữ nguyên giá bán ra, niêm yết tại 25.630 - 25.990 VND/USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD bật tăng mạnh, thêm 86 đồng ở chiều mua vào và 116 đồng ở chiều bán ra, giao dịch quanh mức 25.936 - 26.036 VND/USD.

Nguồn: Dragon Capital
Dưới góc nhìn của bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital, tỷ giá chịu tác động từ hai yếu tố chính.
Trước hết là các yếu tố ngoại cảnh, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các quốc gia khác và chính sách tiền tệ của Mỹ. Sau khi Mỹ công bố mức thuế mới đối với một số quốc gia, chỉ số DXY thậm chí còn suy yếu, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ có xu hướng giảm, bất chấp lo ngại thuế quan có thể làm gia tăng lạm phát.
Điều này cho thấy thị trường đang đặt cược vào kịch bản nền kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái cao hơn, từ đó gia tăng khả năng Fed sẽ phải đẩy nhanh tiến trình cắt giảm lãi suất. Hệ quả là đồng USD mất giá, lợi tức trái phiếu Mỹ đi xuống, qua đó giúp tỷ giá Việt Nam không quá căng thẳng.
Yếu tố thứ hai là nội tại nền kinh tế, đặc biệt là dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức khoảng 80 tỷ USD – không quá dồi dào, trong khi nhu cầu sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, khi xét đến tỷ giá VND/USD, yếu tố mang tính quyết định lại là niềm tin và tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Trong ngắn hạn, tỷ giá có thể biến động mạnh, nhưng xét về trung và dài hạn, nó phản ánh nhiều hơn sức mạnh nội tại của nền kinh tế hơn là những tác động từ bên ngoài. Chính phủ Việt Nam hiện đang đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong nửa cuối năm, với trọng tâm là nâng cao hiệu quả của dòng vốn này nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng việc Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, nếu có hiệu lực vào ngày 9/4/2025, sẽ tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh như xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá, lạm phát và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cụ thể, về xuất khẩu, với mức thuế 46%, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mexico. Các ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng. Ước tính xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh, có thể lên đến 20- 30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chuyển hướng thị trường.
Về nhập khẩu, Việt Nam có thể phải tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại (123,5 tỷ USD năm 2024), nhằm xoa dịu áp lực thuế quan. Tuy nhiên, điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ và nguyên liệu sản xuất.
Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng sẽ khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bị thu hẹp đáng kể, có thể khiến tổng xuất siêu của Việt Nam giảm từ mức 24,77 tỷ USD (2024) xuống thấp hơn, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối, tỷ giá USD/VND có thể tăng 3-5% trong năm 2025. Trong bối cảnh tỷ giá của các thị trường bị áp thuế đồng loạt mất giá, đồng Nhân dân tệ nếu suy yếu để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng làm trầm trọng thêm áp lực tỷ giá, buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều hành linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại hối”, ông Trần Hoàng Sơn nhận định.
Phân tích về áp lực tỷ giá, ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc SSI Research, cho biết VND đã điều chỉnh giảm giá so với USD trong một thời gian dài trước đó, nên đã tạo ra một "bộ đệm" nhất định. Do đó, áp lực điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá mạnh.
“Tỷ giá vẫn là yếu tố cần theo dõi sát, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn có khả năng kiểm soát trong ngắn hạn nhờ các công cụ chính sách hiện có”, ông Hưng nhận định.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc Mỹ áp mức thuế 46% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tác động đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, kéo theo sự sụt giảm nguồn cung USD. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm USD trên thị trường, tạo áp lực đẩy tỷ giá hối đoái tăng cao.
Ông Hiếu cho rằng, sự gia tăng của tỷ giá sẽ gây ra tác động kép đối với cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chi nhiều hơn để mua USD thanh toán cho đối tác nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ bị suy giảm doanh thu do khách hàng Mỹ có thể không chấp nhận mức giá tăng cao.
Dự báo về diễn biến tỷ giá, ông Hiếu nhận định mức tăng có thể dao động từ 5-10% trong năm nay, nhưng vẫn cần theo dõi và điều chỉnh do tình hình thị trường còn nhiều biến động. Việc tỷ giá tăng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông, trong bối cảnh lạm phát vẫn là một thách thức, Fed khó có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất, điều này khiến Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều trở ngại trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại.