Tỷ giá sẽ tiếp tục hạ nhiệt
Thị trường tài chính trên thế giới cũng như Việt Nam đang trông chờ tín hiệu về chính sách lãi suất của Fed. Liệu cơ quan này có giảm lãi suất như đã công bố và tác động của nó đối với tỷ giá, lãi suất của Việt Nam như thế nào. Phóng viên TBNH đã có cuộc trao đổi với ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank về vấn đề này.
Không chỉ cá nhân tôi, mà hiện các định chế tài chính thế giới đều có chung nhận định, nhiều khả năng trong năm nay Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 và có thể giảm thêm một lần nữa vào tháng 11. Gần đây, 90-100% khảo sát của các tổ chức trên thế giới cho rằng, Fed hạ lãi suất vào tháng 9. Điều này cũng đồng nghĩa gần như chắc chắn Fed sẽ hành động.
Thực tế thời gian qua, hầu hết các NHTW các nước lớn (trừ NHTW Nhật Bản tăng lãi suất) đã có hành động trước như NHTW Canada, NHTW châu Âu (ECB), NHTW Thụy Sỹ... giảm lãi suất. Còn thị trường tài sản đã phản ứng kỳ vọng về động thái này của Fed từ cuối năm ngoái khi chứng khoán Mỹ, giá vàng liên tục lập đỉnh... nên xác xuất Fed hạ lãi suất gần như chắc chắn xảy ra. Vấn đề hiện nay các nhà đầu tư đang băn khoăn chỉ là Fed giảm 25 điểm hay là 50 điểm cơ bản.
Việc Fed giảm lãi suất sẽ tác động thế nào đến tỷ giá, thưa ông?
Fed tăng hay hạ lãi suất còn liên quan mật thiết đến chỉ số USD - Index. Chúng ta thấy, nửa đầu năm nay kỳ vọng Fed hạ lãi suất nhưng 7 tháng đầu năm chỉ số USD - Index tăng liên tục, mới giảm trở lại đầu quý III, có nghĩa là kỳ vọng này đã phản ánh vào giá, nên khi Fed hạ lãi suất có thể phản ứng ngược trở lại. Bên cạnh đó, để nắm được xu hướng giá đồng bạc xanh, ngoài quan tâm đến hành động của Fed chúng ta phải theo dõi động thái của các NHTW lớn khác. Nếu Fed hạ lãi suất, nhưng các NHTW lớn lại có tốc độ hạ lãi suất nhanh hơn Fed, đồng USD lại tăng, khi đó sẽ tác động tiêu cực ngược trở lại. Đấy chỉ là tình huống xấu đặt ra.
Còn thực tế giai đoạn gần đây, khi mới chỉ thăm dò động thái một số NHTW châu Âu lớn đã hạ lãi suất, nhưng các tổ chức này cũng thông báo xem xét hành động tiếp theo sẽ không dựa vào động thái từ Fed mà dựa vào số liệu kinh tế. Sau động thái này đồng USD giảm. Điều này tác động tích cực lên tỷ giá. Trong thời gian gần đây tỷ giá liên tục hạ nhiệt, ngày càng rời xa mức đỉnh điểm quanh mốc 26.000 đồng/USD, có thời điểm giảm về quanh 25.000 đồng/USD bằng với mức hồi cuối năm ngoái. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, ngoài lý do đồng USD hạ nhiệt, cơ quan quản lý điều hành tỷ giá rất tốt. Cũng có thời điểm tỷ giá tăng, nhưng so với các đồng ngoại tệ của các nước lớn trên thế giới cũng như trong khu vực thì mức mất giá khá nhỏ. Thực tế, chúng ta thấy các doanh nghiệp rất ít khi than phiền về tỷ giá vì được NHNN điều hành khá tốt.
Theo tôi tỷ giá trong nước trong thời gian tới sẽ bớt nóng do NHNN đã có kinh nghiệm điều hành nên vấn đề này không đáng lo. Điểm tích cực nữa khi Fed hạ lãi suất, tỷ giá giảm nhiệt là tạo thêm dư địa để cơ quan điều hành ổn định mặt bằng lãi suất.
Cũng có ý kiến cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất của các NHTW diễn ra mạnh, báo hiệu thời kỳ tiền rẻ tới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Động thái các NHTW giảm lãi suất là đúng, nhưng chưa thể bước vào kỷ nguyên tiền rẻ được. Bởi lãi suất điều hành của các NHTW tại châu Âu và Mỹ vẫn còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trung tính khoảng 2,5-3%. Đây là mức lãi suất được xem là không quá hỗ trợ nhưng cũng không gây hại cho nền kinh tế. Để kỷ nguyên tiền rẻ bắt đầu, lãi suất của các NHTW phải kéo giảm về dưới mức này - tức phải giảm 50% lãi suất hiện hành. Xác suất xảy ra điều này trong ngắn hạn là rất khó. Do vậy kỳ vọng kỷ nguyên tiền rẻ quay lại để kích hoạt thị trường tài chính, khiến thị trường tài sản “phi như điện”: Chứng khoán Mỹ hàng chục lần lập đỉnh trong năm 2024 hay giá vàng cũng có nhiều phiên tăng... như thời gian vừa qua là rất khó, nhất là trong bối cảnh nhiều lớp tài sản đã thiết lập mặt bằng giá cao như hiện nay. Do vậy, các nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, nhận thức đúng về các ngành nghề, các tài sản thu hút dòng tiền trong thời gian tới.