Tỷ giá neo cao kỷ lục, cổ phiếu nhóm ngành nào được thị trường kỳ vọng?

Cổ phiếu của những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu chính từ ngoại tệ sẽ được hưởng lợi, nhất là nhóm cổ phiếu thủy sản, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Phiên 3/10, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) bật tăng phi mã, vượt mốc 107, sau khi dữ liệu kinh tế mới một lần nữa ủng hộ quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi

Có thể thấy, trong bối cảnh lập trường chính sách tiền tệ của Fed vẫn rất tích cực, chỉ số DXY đã neo quanh vùng cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay, trên ngưỡng 105 điểm.

Tỷ giá USD/VND ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa)

Tỷ giá USD/VND ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa)

Sự chênh lệch giữa chính sách giảm lãi suất của Việt Nam và duy trì lãi suất cao của Fed đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỷ giá USD/VND gia tăng.

Khảo sát ngày 3/10/2023, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ở mức 24.065 đồng/USD - quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử.

Mirae Asset Securities Vietnam (MASVN) cho rằng diễn biến tỷ giá hiện nay sẽ khiến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vay USD, xuất nhập khẩu có thể gặp sự thay đổi ngay trong quý III/2023.

Thông thường, đối với các doanh nghiệp có nợ vay bằng USD thì khi tỷ giá USD/VND tăng cao đồng nghĩa với việc đồng USD tăng giá sẽ dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Điều này có thể làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD. Tuy nhiên, tùy vào doanh nghiệp cụ thể nếu phát sinh doanh thu từ USD, hoặc hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác từ đó đối ứng, nhằm cân bằng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Theo MASVN, một số doanh nghiệp có thể chịu tác động tiêu cực từ việc tỷ giá tăng, gồm: Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (PGV), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Tập đoàn PC1 (PC1)…

Trong khi đó, những doanh nghiệp xuất khẩu - vốn có nguồn thu chính từ ngoại tệ, sẽ hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện là dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ.

Điểm sáng đầu tiên có thể nhắc tới là các doanh nghiệp dệt may và thủy sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), CTCP Dệt May Thành Công (TCM)… sẽ nhận tác động hai chiều, bởi phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, biến động tỷ giá có thể sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Nam Việt (ANV), CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC)… sẽ hưởng lợi đáng kể khi phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.

“Sóng” sẽ nổi mạnh ở nhóm cổ phiếu xuất khẩu cá tra?

Theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện tại dù yếu nhưng vẫn len lỏi trong nhóm mid & smallcap tìm cơ hội, tâm điểm là 3 nhóm xuất nhập khẩu, đầu tư công, thị trường hàng hóa.

“Một trong những điểm tích cực đáng ghi nhận nhất là tình hình xuất nhập khẩu. Đương nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng có sự cải thiện ở một số nhóm hàng hóa cụ thể”, chuyên gia DSC cho hay.

Thực tế, trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu thủy sản đang phát ra tín hiệu cho thấy thị trường đang đặt kỳ vọng lớn vào nhóm ngành này. Trong đó, cổ phiếu xuất khẩu cá tra được kỳ vọng nổi sóng mạnh khi đón tin vui từ thị trường Mỹ. Được biết, Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm tỷ trọng 22%), sau Trung Quốc.

Cụ thể, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ vừa được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp hơn. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với ngành cá tra Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp được giảm thuế lần này nói riêng trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn trong năm nay.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này được kỳ vọng sẽ phục hồi rõ ràng hơn khi lượng tồn kho đã giảm và chuẩn bị bước vào mùa lễ hội.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 với gần 1,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, cá tra là một trong hai mặt hàng ghi nhận sự hồi phục rõ rệt. Mặc dù doanh số xuất khẩu cá tra 9 tháng năm nay giảm 30,7% nhưng riêng tháng 9 đã tăng 8,9%.

Vĩnh Hoàn hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm thị phần chi phối tại Mỹ, Canada và Anh. Tính đến tháng 6/2023, doanh nghiệp này cho biết doanh thu từ thị trường Mỹ chiếm 30% - 35% tổng doanh thu. Bất chấp tình trạng lạm phát cao, mức tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của nước này nhìn chung ổn định trong nửa đầu năm 2023. Tỷ lệ tồn kho tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình giai đoạn 2007 – 2023 và tương đương với các giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây. Cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại.

Bên cạnh Vĩnh Hoàn, cá tra xuất khẩu cũng là ngành hàng chính của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) và CTCP Nam Việt (ANV). Hai doanh nghiệp này đều chủ yếu cung cấp sản phẩm cá tra cho thị trường Mỹ. Ngoài ra, Nam Việt còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia châu Âu (Anh, Pháp, Bỉ,…), châu Á (Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia,…) và một số nước châu Phi.

Trên thị trường chứng khoán, trong bối cảnh thị trường kỳ vọng tích cực về triển vọng xuất khẩu các tra những tháng cuối năm nay, nhóm cổ phiếu ngành cá tra như cổ phiếu IDI, VHC, ANV… đã ghi nhận đà tăng mạnh từ 11% - 18% chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, cùng với đó là thanh khoản tăng lên đáng kể, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu này đang tăng lên.

Dù vậy, do thủy sản là ngành có chu kỳ khá ngắn nên cổ phiếu ngành này thường có rủi ro khá cao và mức độ biến động lớn, do đó nhà đầu tư cần lưu ý để có chiến lược đầu tư phù hợp và xoay xở kịp thời.

“Ngành thủy sản cũng như nhiều loại ngành hàng nông sản khác đều có tính chu kỳ và thủy sản là ngành có chu kỳ ngắn, đặc trưng bởi sự biến động khá lớn của giá thủy sản nguyên liệu, giá thủy sản xuất khẩu và lượng hàng tồn kho”, ông Trần Tuấn Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính TVI lưu ý.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/ty-gia-neo-cao-ky-luc-co-phieu-nhom-nganh-nao-duoc-thi-truong-ky-vong-1095744.html
Zalo