Tỷ giá dự báo giảm về cuối năm

Nếu các cuộc đàm phán thuế quan đạt được tiến triển và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng USD sẽ suy yếu, từ đó tác động tích cực lên tỷ giá tiền đồng.

USD có khả năng còn suy yếu

Mặc dù trong tháng 6, Fed vẫn giữ nguyên lãi suất, tuy nhiên về trung hạn, thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Trong trường hợp đó, USD có khả năng suy yếu dần trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, do những bất ổn xung quanh các cuộc đàm phán thuế quan, khả năng USD giảm mạnh là khá thấp. Việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế quan, đặc biệt nếu các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump được khôi phục. Vả lại, chính sách thuế hiện tại của ông Trump đang gặp phải phản ứng tiêu cực và sự sụt giảm về tỷ lệ ủng hộ. Điều này đang thúc đẩy nhu cầu đạt được các thỏa thuận thương mại và thực thi chính sách giảm thuế.

Tại cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng 5 và 6/2025, mặc dù chịu áp lực từ chính quyền Trump, Fed vẫn giữ nguyên lãi suất USD, thể hiện lập trường thận trọng trước các rủi ro về lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Sau khi số liệu việc làm được công bố, khả năng Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong tháng 6/2025 sẽ càng tăng. Do ảnh hưởng của việc tích trữ hàng tồn kho, lạm phát có thể sẽ tăng, Fed có thể sẽ không hành động sớm, mà chờ đợi để đánh giá tác động từ chính sách thuế trước khi ra quyết định. Vì vậy, khả năng xảy ra 3 đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm là không cao.

Nếu tiến trình đàm phán thuế quan tiến triển và Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, USD có xu hướng suy yếu. Tuy nhiên, dựa trên tiền lệ từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, ngay cả khi một thỏa thuận thương mại tưởng như đã gần đạt được, vẫn có khả năng bị đảo ngược vào phút chót và điều này có thể kéo tỷ giá tăng trở lại. Nếu cuộc chiến thương mại kéo dài, đồng USD có thể mạnh lên trong ngắn hạn, làm gia tăng biến động trên thị trường tài chính.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc Giao dịch ngoại hối và Phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc Giao dịch ngoại hối và Phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Trong các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Nhật Bản/Hàn Quốc, vấn đề tỷ giá hối đoái đã được đưa lên bàn thương lượng. Tuy nhiên, khác với Hiệp định Plaza (hiệp định trong quá khứ giữa các nền kinh tế lớn với nhau nhằm giảm giá trị đồng USD) trong quá khứ, tôi không cho rằng, các bên sẽ đi đến thống nhất về một mức tỷ giá cố định và điều này cũng không nên xảy ra, bởi nó đi ngược lại với các nguyên tắc hiện tại của kinh tế toàn cầu. Dù vậy, Mỹ đang gây sức ép, yêu cầu các chính phủ giảm trợ cấp và đồng thời thúc đẩy xu hướng đồng USD yếu hơn.

Kể từ khi áp dụng chính sách thuế quan mới, Mỹ đã ghi nhận mức tăng đáng kể trong doanh thu thuế, góp phần làm giảm thâm hụt thương mại và hỗ trợ chính sách giảm thuế của chính quyền Trump. Trong tiến trình đàm phán, Mỹ đang luân phiên sử dụng cả hai chiến lược “đồng đô-la mạnh” và “đồng đô-la yếu” theo hướng có lợi nhất cho mình. Điều này tạo ra kỳ vọng phi thực tế trên thị trường, nhưng phía Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình.

Như đã đề cập, chính sách thuế là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến cả giá trị đồng USD và lộ trình điều hành lãi suất của Fed. Lạm phát do thuế quan có thể khiến Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất USD. Đồng thời, thuế quan cũng có thể góp phần làm giảm thâm hụt thương mại, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu hoặc các biện pháp thuế trả đũa.

Đồng USD được dự báo tiếp tục suy yếu

Đồng USD được dự báo tiếp tục suy yếu

Tác động tích cực lên tỷ giá tiền đồng

Thực tế, giới đầu tư kỳ vọng nhiều hơn về việc Fed sẽ hạ lãi suất sau khi dữ liệu của Mỹ vừa công bố cho thấy, giá sản xuất (PPI) cũng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 đều tăng thấp hơn dự báo. Theo đó, CPI của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 5, thấp hơn so với mức dự báo 0,2% của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2,4%, khớp với dự đoán. CPI lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,1% vào tháng trước đó và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai chỉ tiêu này đều thấp hơn mức dự báo lần lượt là 0,3% và 2,9%. Đây được coi là thước đo lạm phát quan trọng của Fed. Vì vậy, giới đầu tư dự báo xác suất 80% Fed sẽ hạ lãi suất đợt đầu tiên trong năm nay vào tháng 9 và đợt thứ hai sớm nhất vào tháng 10, so với dự báo là tháng 12.

Trên thị trường thế giới, giá trị “đồng bạc xanh” giảm mạnh trước những ảnh hưởng từ kỳ vọng Fed giảm lãi suất, căng thẳng địa chính trị, dữ liệu lạm phát tại Mỹ thấp hơn dự kiến, cũng như diễn biến trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Chỉ số USD-Index giảm xuống 97,86 điểm trong phiên 17/6/2025, mức này giảm hơn 9% so với đầu năm. Sự suy yếu chủ yếu đến từ lo ngại tăng trưởng kinh tế và chính sách thương mại từ Mỹ.

Có nhiều yếu tố đang tác động theo các chiều hướng trái ngược lên đồng USD, nên rất khó để đưa ra một dự báo theo một hướng duy nhất. Tuy nhiên, điều rõ ràng là niềm tin của thị trường vào Mỹ và tài sản định giá bằng đồng USD đang đi xuống. Thế giới bắt đầu hình dung đến việc thiết lập hệ thống thương mại và hợp tác không có sự tham gia của Mỹ. Khi xu thế này lan rộng, giá trị tài sản bằng USD có thể bị phân tán hoặc suy giảm, dẫn đến xu hướng USD yếu hơn trong dài hạn.

Trong trường hợp Fed cắt giảm lãi suất, đây sẽ là cơ hội để các thị trường mới nổi như Việt Nam có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện tại, tỷ giá USD/VND đang tăng và dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 80 tỷ USD. Việc Fed giảm lãi suất có thể giúp ổn định tỷ giá USD/VND, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể vẫn cần duy trì mức lãi suất cao hơn Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Lãi suất cao hơn là yếu tố then chốt để thu hút dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi. Trong quá khứ, khi lãi suất tại Việt Nam thấp hơn Mỹ, đất nước đã phải đối mặt với nhiều bất lợi, bao gồm việc thu hút FDI chậm lại và khó khăn trong việc duy trì ổn định kinh tế trong nước. Trong giả định các cuộc đàm phán thương mại có tiến triển tích cực, ngay cả khi Mỹ thực hiện 1-3 đợt cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm, khả năng cao Việt Nam vẫn sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản. Dù vậy, có thể vẫn sẽ có áp lực từ Chính phủ cho mức lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

Chúng tôi dự báo đến hết quý III/2025, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.600 - 26.000 đồng/USD. Lý do là khi chưa có sự chắc chắn trong vấn đề thuế quan, việc để VND mạnh lên không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, nếu đồng VND tăng giá là một điều kiện thì có thể dẫn đến các đợt giảm mạnh bất ngờ của tỷ giá USD/VND. Sang quý IV/2025, sự chú ý của thị trường có thể chuyển hướng sang việc tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và mức độ căng thẳng thuế quan giảm đi. Khi đó, đồng USD có thể suy yếu và tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng giảm nhẹ. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.000-25.600 đồng/USD trong quý cuối năm nay.

Trên cơ sở dự báo tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm trong nửa cuối năm, chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lên kế hoạch cụ thể cho lịch trình nhận ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu. Việc xác định trước thời điểm nhận tiền sẽ giúp triển khai chiến lược phòng ngừa rủi ro tỷ giá một cách hiệu quả hơn.

Hiện nay, khi thực hiện bán kỳ hạn ngoại tệ (forward sell), các doanh nghiệp có thể cố định tỷ giá bán USD ở mức cao hơn tỷ giá hiện tại với các mức chênh lệch như sau: Kỳ hạn 3 tháng, 0%; kỳ hạn 6 tháng, +0,1%; kỳ hạn 9 tháng, +0,3%; kỳ hạn 12 tháng, +0,4%. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể bán USD trong tương lai với mức giá cao hơn hiện nay, điều này rất có lợi trong bối cảnh tỷ giá được dự báo giảm.

Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nên áp dụng chiến lược bán kỳ hạn USD/VND cho khoảng 30 - 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, thay vì toàn bộ. Chiến lược này vừa giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá, vừa tận dụng hiệu quả tình hình thị trường hiện tại.

Pyon Young Hwan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ty-gia-du-bao-giam-ve-cuoi-nam-post372453.html
Zalo