Tuyệt kỹ Võ Rồng danh trấn thiên hạ
Trong võ thuật Việt Nam, hình tượng Rồng (Long) được sử dụng khá nhiều bởi sự uy mãnh và uyển chuyển. Trước thềm Xuân Giáp Thìn, xin giới thiệu những công phu 'Võ Rồng' của Võ cổ truyền Việt Nam danh trấn thiên hạ.
Huyền thoại Lôi long đao
Sách "Tây Sơn liệt quang chi binh pháp" ghi lại, thuở nhỏ đô đốc Võ Văn Dũng thường được cha mẹ mời các thầy võ về dạy, đến tuổi đôi mươi thì đã tinh thông võ nghệ. Gia đình theo nghề buôn nên Võ Văn Dũng cũng theo cha bôn tẩu khắp nơi, có dịpgiao lưuvới nhiều anh hùng hào kiệt bấy giờ. Càng lớn Võ Văn Dũng càng chứng kiến cảnh quan lại khắp nơi nhiễu nhương, hà hiếp dân lành. Ông tập hợp hào kiệt, luyện binh rồi tìm đến Nguyễn Nhạc xin tụ nghĩa. Chứng kiến đường đại đao sắc ngọt của Võ Văn Dũng, Nguyễn Nhạc phong ông làm Đô đốc.
Tuyệt kỹ "Lôi long đao" do Đô đốc Võ Văn Dũng nghiên cứu chiêu pháp rồi soạn ra vào mùa thu năm 1768 tại huyện Tây Sơn (Bình Định). Tương truyền, để đường Lôi long đao được nhu nhuyễn, Võ Văn Dũng thường tới thạch đồ ở Hầm Hô để ngày đêm luyện tập. Những thớ đá trơn trượt, rêu phong là điều kiện tốt để ông luyện tấn nhẹ nhàng nhưng vững chãi. Đó cũng là thứ triết lý uyển ảo của võ học Bình Định: Công nhẹ như lá, thủ vững như đá…
Theo võ sư Đông Hải, truyền nhân đời thứ 13 của môn phái Long Hổ Không Hồng cho biết, vào thời vua Lê Trang Tông (thời Hậu Lê), tại kinh thành Thăng Long có một nhà sư rất am tường và giỏi võ nghệ. Bằng sự am tường võ thuật cộng với những gì sưu tầm được, ông soạn ra pho bí kíp Lục Tướng Tằng Vương Phổ Minh Binh Thư Chiêu Pháp. Sau khi hoàn tất pho sách về võ thuật của các danh tướng này, lo sợ bị thất truyền, ông lập ra môn phái Long Hổ Không Hồng. Với ý nghĩa rằng, Long và Hổ tượng trưng cho sự "uy", "mãnh", còn Không Hồng tượng trưng cho ánh mặt trời.
Võ sư Đông Hải kể rằng bài Lôi long đao được tìm thấy trong cuốn "Tây Sơn danh tướng bí kiếp mộ hồn thao" của Nguyễn Trung Như, một danh tướng nhà Tây Sơn, truyền nhân đời thứ 8 của môn phái Long Hổ Không Hồng chép lại. Trải qua nhiều thế kỷ, cuốn cổ thư võ học này được lưu giữ tại chùa Lộc Sơn, huyện An Nhơn (Bình Định), hiện do ông giữ và dịch lại. Năm 1984, ông được cố thượng tọa Thích Tịnh Quang, truyền nhân đời thứ 12 truyền dạy. Sau đó, ông đã dạy lại cho học trò xuất sắc nhất của mình là võ sư Trần Duy Linh. Và cũng chính bài đao này đã mang lại cho võ sư Trần Duy Linh huy chương vàng giải võ cổ truyền toàn quốc vào những năm sau đó.
Theo võ sư Đông Hải, đại đao là loại binh khí mà chỉ có võ tướng tinh thông võ thuật mới dùng. Bởi lẽ đại đao dài, nặng, vừa là loại binh khí lợi hại, vừa thể hiện chất uy dũng của người dùng nó. Bài đại đao này gồm 66 thức với chỉ 8 câu thiệu nhưng đã chuyển tải hết tinh thần sức mạnh và sự linh hoạt của bài võ. Bài võ có lúc rào rạt thị oai đối phương như "Bắc sát kình phong, Nam lôi thanh thế", có khi ảo diệu khiến đối phương trở tay không kịp với chiêu thức "Thần đao đoạn kiếm, Kiếm đoạn thương thần".
Võ sư Đông Hải giải thích, trong chiến đấu, ngọn kiếm, đường thương rất linh hoạt. Tuy nhiên, chiêu thức của Lôi long đao là chế ngự ngay từ đôi tay của người dùng thương, kiếm. Nói cách khác là người dụng đao không dùng lưỡi đao để chế ngự mũi kiếm, đường thương mà sẽ trảm phạt đôi tay của người cầm thương, kiếm. Công phu của Lôi long đao nhiều lúc còn mượn sức đối phương để giết chết đối phương; vận dụng lối đánh bốn phương với tám hướng; đấu (một đánh một), chiến (một đánh với từ hai trở lên), đao trận (một có thể đánh với cả đoàn quân)…
Long hoa đao pháp danh bất hư truyền
Theo lịch sử môn phái, Bình Định Gia lưu truyền trong gia tộc họ Trần ở vùng đất Tây Sơn từ thế kỷ XVIII. Tổ sư sáng lập môn phái là Trần Đại Chí, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa. Võ sư Trần Đại Chí từ nhỏ được gia đình gửi vào chùa Thiếu Lâm học võ, rồi "xuống núi". Bất mãn với sự hà khắc của triều đình Mãn Thanh, ông Chí đưa cả gia quyến xuôi về phương Nam lập nghiệp tại ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định, bốc thuốc và dạy võ. Tương truyền Trần Đại Chí là bạn tâm giao với đô đốc Võ Văn Dũng, cùng bạn thường xuyên trao đổi về võ học, cuối cùng khi lĩnh hội được tinh hoa của nhiều dòng võ, Trần Đại Chí đúc kết, sáng lập môn phái Bình Định Gia, môn phái mang tên vùng đất đã bao dung, bảo bọc gia tộc ông.
Theo võ sư Châu Mẫn (môn phái Bình Định Gia), bài quyền Long hoa đao pháp là một trong Lục bộ tinh của Bình Định Gia: Miêu (Miêu tẩy diện), Long (Long hoa đao pháp), Ngưu (Kim ngưu), Hầu (võ khỉ - Hầu quyền), Xà (Xà quyền), Hổ (Ba Chân Hổ) được giữ gìn, phát huy và kế thừa đến nay đã hơn 200 năm. Tổng 180 động tác trong bài quyền, là một trong những bài quyền dài nhất của hệ thống các bài quyền thảo của môn phái Bình Định Gia. Trong bài chỉ đánh đúng tay long và tay đao, hoàn toàn không sử dụng tay quyền. Khi rồng bay, móng vuốt của chúng giương hết ra, tất cả được thể hiện rõ qua tám chữ "buông, bắt, cấu, giật, chộp, giữ, đẩy, vuốt".
Bài quyền được thể hiện dựa trên hình tượng con Rồng với sức mạnh siêu nhiên cùng các miếng đòn cương nhu uốn lượn nhưng mang tính sát thương cao. Trong bộ chân, long mạnh ở eo lưng và các đường gân tập trung ở móng vuốt. Khí lực và sức mạnh từ các đường gân đó là lưỡng nghi. Khi võ sĩ tập luyện, các đường gân được thể hiện ở tay long và tay đao phải rất căng để đạt đến sức mạnh về sau.
Sức mạnh của Long hoa đao pháp thông qua việc sử dụng bàn tay tấn công nhanh, hiệu quả bằng móng vuốt và những lần phát tay đao đi kèm việc kiểm soát hơi thở khi diễn bài quyền. Nếu trong khí công công phá, phương pháp triển khí tối ưu là hít thở đúng phép. Thở đúng khiến thân thể mềm dẻo, nhẹ nhàng uyển chuyển thì kỹ thuật thở theo Long hoa đao pháp ứng dụng trong thi đấu cũng như tập luyện là kiểu hơi thở gắt đôi khi nhịp thở nhẹ nhàng. Hơi thở đều, nhẹ, tạm nghỉ cho tới khi tung đòn (long, đao) thì bật mạnh ra, phối hợp với sức đánh. Nếu nói các đòn cước là tinh hoa trong từng bài quyền, thì trong Long hoa đao pháp, bàn long cước (đá trực diện vào vùng chấn thủy) cũng là một điểm nhấn khiến sỏi, đá cũng phải tan chảy.