Tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tải sản trên không gian mạng

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống nhân dân.

Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, có xu hướng tăng về số vụ, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại tương đối lớn. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet làm công cụ, phương tiện phạm tội. Cụ thể:

- Các đối tượng gọi điện thoại tự xưng là Công an yêu cầu công dân chụp ảnh, cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, giấy tờ khác… Lấy lý do để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử, cập nhật hộ khẩu điện tử, không cần đến Công an, các đối tượng xấu yêu cầu người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng qua đường dẫn kẻ xấu cung cấp (thực tế là ứng dụng độc hại do kẻ xấu tạo ra).

- Các đối tượng gọi điện giả danh là nhân viên ngân hàng, liên hệ với khách hàng để hướng dẫn thu thập thông tin xác thực sinh trắc học. Đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh Căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Sau đó, người dân được đề nghị truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.

- Các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ điện lực của Công ty Điện lực, thông báo “Yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng điện lực để thanh toán tiền điện”. Để hoàn thành các bước cài đặt, đăng ký ứng dụng dễ dàng, nhanh chóng, người dân cần làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân bấm vào đường link để tải ứng dụng, điền thông tin cá nhân và chuyển khoản khoản phí tiền điện cho một mã QR lạ.

Sau khi người dùng làm theo yêu cầu, người dân có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro sau: Bị rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân; thông qua đường link lạ, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Để nâng cao cảnh giác và xử lý đối với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, gây rối trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung sau:

1. Thông tin, tuyên truyền đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo.

2. Khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số… cho bất kì ai. Khi gặp các tình huống có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho lực lượng Công an để kịp thời điều tra làm rõ.

Trong trường hợp nghi ngờ điện thoại bị chiếm quyền điều khiển từ xa, người dân phải lập tức xóa các ứng dụng lạ đã cài đặt, khóa tạm thời các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tháo sim điện thoại khỏi máy và khôi phục lại cài đặt gốc của thiết bị hoặc báo ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời hoặc trang dịch vụ hỗ trợ tiếp nhận tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (đính kèm đường link https://thongbaorac.ais.gov.vn).

3. Đề nghị Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang tăng cường thời lượng, tần suất các bài viết, phóng sự liên quan đến những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lên chuyên trang, chuyên mục để người dân nhận diện, ứng phó với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng phạm tội.

4. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện tăng cường thời lượng, tần suất phát các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo trên mạng viễn thông, Internet và cách thức xử lý khi nhận các tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo.

5. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấp hành pháp luật về hoạt động cấp “sim” điện thoại, chuẩn hóa thông tin thuê bao đang hoạt động bảo đảm đầy đủ, chính xác và trùng khớp với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác xác minh, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật.

P.V

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202412/tuyen-truyen-phong-chong-toi-pham-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-1030605/
Zalo