Tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn tệ nạn xã hội trong công nhân lao động

Ngoài nhiệm vụ bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong công nhân lao động (CNLĐ), xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Giảng viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tập huấn chế độ chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đối với lao động nữ tại Công ty TNHH Giày Hiệp Tân (thuộc Liên đoàn Lao động huyện Trực Ninh).

Giảng viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tập huấn chế độ chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đối với lao động nữ tại Công ty TNHH Giày Hiệp Tân (thuộc Liên đoàn Lao động huyện Trực Ninh).

Để bảo đảm CNLĐ được tiếp cận với các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, hàng năm Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Công đoàn các cấp đa dạng hóa cả nội dung và hình thức tuyên truyền; chú trọng xây dựng các phong trào, mô hình thi đua; tổ chức cho đoàn viên, người lao động ký cam kết, thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước và nội quy của doanh nghiệp; tổ chức biểu dương, khen thưởng người lao động, tổ chức Công đoàn làm tốt công tác phổ biến pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội… Từ đầu năm 2025 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ Công đoàn, đoàn viên và CNLĐ các nội dung pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội; xây dựng các mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể; phương pháp xử lý, nhận biết thời điểm dễ xảy ra ngừng việc tập thể, dấu hiệu trước khi xảy ra ngừng việc tập thể; các nội dung pháp luật về hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền theo chuyên đề và theo nhu cầu của người lao động như: phối hợp với Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tuyên truyền cho hơn 300 nữ công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định (thuộc LĐLĐ thành phố Nam Định) và Công ty TNHH Giày Hiệp Tân (thuộc LĐLĐ huyện Trực Ninh) các quy định mới về quyền, nghĩa vụ của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, các quy định nhằm bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ lao động nữ, quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ và chia sẻ những kiến về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản, cách phòng chống bạo lực gia đình, tránh các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người lao động biết tự bảo vệ bản thân. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự, phản ánh, chuyên trang, chuyên mục về lao động, công đoàn, quy chế dân chủ ở cơ sở, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng như công an, ngân hàng, tư pháp tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có đông CNLĐ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tuyên truyền sâu rộng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo tính lan tỏa trong các doanh nghiệp đã từng xảy ra đình công, lãn công, ngừng việc tập thể để người lao động và người sử dụng lao động sớm nhận biết những hành vi dẫn đến tệ nạn xã hội. Hàng năm, CĐCS tổ chức cho 100% người lao động tham gia ký kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội… Văn phòng Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) đã tổ chức tư vấn pháp luật tại chỗ cho hơn 100 lượt CNLĐ, LĐLĐ tỉnh tổ chức 3 hội nghị tư vấn pháp luật lưu động cho 580 CNLĐ tại các Công ty: TNHH Giầy Amara, TNHH Senda Việt Nam và Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam.

Thực hiện sự chỉ đạo của Công đoàn cấp trên và căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, các CĐCS đã chủ động tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, người lao động thông qua các hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, trong các buổi tọa đàm; qua loa truyền thanh nội bộ của doanh nghiệp và trên các nền tảng xã hội (zalo, facebook) nội bộ. Trong năm 2024, các CĐCS đã tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền cho hàng chục nghìn lượt CNLĐ các nội dung pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy, cờ bạc, vay nặng lãi…; phát hành hàng nghìn tờ rời, tờ gấp, sách nhỏ; xây dựng các cụm áp phích với nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật đặt tại xưởng sản xuất, nhà ăn, khuôn viên của đơn vị. Chuẩn bị cho Tháng Công nhân năm 2025, nhiều CĐCS đăng ký với Công đoàn cấp trên tổ chức hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, người lao động các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đoàn viên, người lao động như chế độ BHXH, BHYT, ký kết hợp đồng lao động, chế độ lương, thưởng, phụ cấp, khám chữa bệnh, đấu tranh khi doanh nghiệp không thực hiện thỏa ước lao động, vi phạm hợp đồng lao động…

Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, PBGDPL nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên, người lao động, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo và phối hợp với các cấp Công đoàn đẩy mạnh các phong trào, mô hình thi đua như: “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”. Hàng năm, 100% CĐCS phát động phong trào được đông đảo người lao động tham gia. Nhiều CĐCS xây dựng mô hình “Tủ sách Công đoàn” với hàng trăm đầu sách, báo, tạp chí phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đoàn viên, người lao động. Nhiều doanh nghiệp xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cho công nhân như Công ty TNHH Santa Clara (Ý Yên), Công ty Cổ phần May thể thao chuyên nghiệp Giao Yến (Giao Thủy)… xây dựng “Góc thư giãn Công đoàn”; “Không gian xanh” giúp người lao động được thư giãn và phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật.

Thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua mở rộng tổ chức các hội nghị chuyên đề; chú trọng tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi, giới tính. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có đông đoàn viên, người lao động trẻ, doanh nghiệp mới được thành lập tổ chức Công đoàn; tập trung hướng hoạt động về cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có kỹ năng về tuyên truyền pháp luật để kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người lao động.

Bài và ảnh: Ngọc Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/tuyen-truyen-phap-luat-ngan-chan-te-nan-xa-hoi-trong-cong-nhan-lao-dong-12d3756/
Zalo