Tuyên truyền để người dân thực hiện phòng, chống bệnh bạch hầu

Nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Nhiều người đến CDC Cần Thơ tìm hiểu thông tin và nghe tư vấn của bác sĩ. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

Nhiều người đến CDC Cần Thơ tìm hiểu thông tin và nghe tư vấn của bác sĩ. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

Thời gian qua, bệnh bạch hầu đã phát hiện ở một số nơi, trong đó có trường hợp tử vong. Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, bệnh bạch hầu có vaccine phòng bệnh được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ năm 1985. Do vậy đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng và làm giảm số mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983 với khoảng 3.500 ca. Nhiều năm gần đây chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác tại các nơi có tiêm chủng do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt được 100% đối tượng tiêm. Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng.

Ngay sau khi có thông tin bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu ở tỉnh Nghệ An và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang có tiếp xúc gần, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã có công văn gửi các đơn vị y tế, bệnh viện tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố Cần Thơ chủ động giám sát, điều tra, lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm khi phát hiện các trường hợp nghi mắc/mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Phú Trường Giang cho biết, ngành Y tế thành phố tiếp tục duy trì đội phản ứng nhanh chống dịch, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời, Sở Y tế giao CDC thành phố Cần Thơ đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động truyền thông; yêu cầu các đơn vị y tế, người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan.

Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, nhiều năm gần đây địa phương không ghi nhận ca mắc bạch hầu và ca tử vong. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thành phố đã thực hiện và đạt trên 95% tỉ lệ miễn dịch cộng đồng, trẻ từ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm 5 trong 1, trong đó có thành phần bạch hầu.

Tại tỉnh Long An, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh, hoặc nơi có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Sở phối hợp, chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kịp thời và thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Đồng thời, bảo đảm hậu cần, thuốc, vaccine, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm "4 tại chỗ".

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu ngành Giáo dục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ tại các cơ sở giáo dục; tổ chức theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời. Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Sở Y tế định hướng các cơ quan báo chí tăng cường thông tin đầy đủ, trung thực về tình hình dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh bạch hầu; đẩy mạnh hơn nữa nội dung truyền thông, trong đó nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của bệnh, đường lây, dấu hiệu phát hiện bệnh sớm và cách phòng bệnh. Đồng thời, các đơn vị, địa phương vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi tiêm. Khi nghi ngờ bị bệnh, người dân cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với mọi người, thông báo cho y tế cơ sở biết, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, theo dõi và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà. Khi bị bệnh, người bệnh tuân thủ triệt để về cách ly và điều trị của cơ quan y tế.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong. Bạch hầu không phải là bệnh mới, đã có vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, khi chẩn đoán dương tính có thuốc kháng sinh và huyết thanh kháng độc tố để điều trị. Bên cạnh đó, các trường hợp tiếp xúc ca dương tính thì được phòng bệnh bằng tiêm liều đơn Penicillin hoặc uống Erythromycine.

Hồng Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/tuyen-truyen-de-nguoi-dan-thuc-hien-phong-chong-benh-bach-hau-20240724152058501.htm
Zalo