Tuyên truyền công tác nhân quyền tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

Trong 4 ngày (từ ngày 26 - 29/5), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đã tổ chức đoàn công tác các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đi thực tế tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Phóng viên các báo phỏng vấn lãnh dạo huyện Đam Rông trong chuyến công tác

Theo đó, Đoàn công tác các cơ quan báo chí có điều kiện ghi nhận công tác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số (DTTS), đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với tổng dân số hơn 1,5 triệu người, trong đó có hơn 378.000 người DTTS, chiếm tỷ lệ 24,54% dân số toàn tỉnh. Lâm Đồng đang là nơi sinh sống của 47 dân tộc, với các DTTS như K’Ho, Mạ, Chu ru, Nùng, Tày, Hoa, M'nông sống đan xen, với tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

Trong bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 23 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho thanh thiếu niên là người DTTS; hỗ trợ trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, trang thiết bị âm thanh ánh sáng đáp ứng tối thiểu nhu cầu tập luyện, biểu diễn... cho 131 đội văn nghệ truyền thống… nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bà con tại các thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS…

Cụ thể, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nổi bật là việc tổ chức bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, quảng bá tuyên truyền: Phục dựng Lễ hội Nhô Phú (Cầu mùa) tại xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương; Lễ Nhô dơng (cầu mưa) tại xã Đạ Long, huyện Đam Rông; xây dựng 3 mô hình văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Triển lãm, trưng bày bày giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Lâm Đồng “Nét đẹp Di sản Văn hóa Nam Tây Nguyên”; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Lâm Đồng với chủ đề “Không gian giới thiệu âm nhạc - văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng”; tham gia triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) tại tỉnh Điện Biên.

Tham gia Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tham gia trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch và Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” tại Hà Tĩnh, xuất bản 3 cuốn sách: “Văn học dân gian Lâm Đồng - tập 1 - Truyện kể K’ho”, Người K’ho Lâm Đồng - Tiếp cận đa chiều, Văn học dân gian Lâm Đồng - tập 2 - Truyện kể dân tộc Mạ…

Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một: Dân ca dân vũ và nghề thủ công truyền thống (huyện Đam Rông), nghề làm gốm (huyện Đơn Dương), nghề dệt thổ cẩm (huyện Bảo Lâm), lễ hội Nhô R’he - mừng lúa mới (huyện Cát Tiên), lễ hội Nhô Lir bong - Mừng lúa mới (huyện Di Linh).

Cùng với đó, hỗ trợ 12 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trong việc lưu truyền, phổ biến, tổ chức hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo bồi dưỡng những người kế cận. Và tổ chức 4 hội thi thể thao dân gian đồng bào dân tộc thiểu số: 3 hội thi cấp huyện, 1 hội thi cấp tỉnh.

Tổ chức 23 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho thanh thiếu niên là người DTTS tại địa bàn các huyện và thành phố Đà Lạt, 1 lớp truyền dạy chỉnh cồng chiêng của dân tộc K’ho, Mạ, Churu, xây dựng 4 câu lạc sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện: Đam Rông, Đơn Dương và Cát Tiên.

Hỗ trợ hoạt động cho 131 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS (tái trang bị trang phục, đạo cụ, nhạc cụ hoặc mua sắm trang thiết bị âm thanh ánh sáng đáp ứng tối thiểu nhu cầu tập luyện, biểu diễn...). Hỗ trợ 74 bộ trang thiết bị cho mỗi nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào DTTS tại các huyện: Đam Rông, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Đam Rông và thành phố Đà Lạt. Hỗ trợ xây dựng 47 tủ sách cộng đồng cho xã vùng đồng bào DTTS tại các huyện: Đơn Dương, Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và thành phố Đà Lạt. Và hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại 24 nhà văn hóa thôn của 4 huyện: Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông.

Hiện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã và đang triển khai sửa chữa cải tạo 59 nhà văn hóa thôn tại 4 huyện. Hiện nay, đã hoàn thành huyện Đức Trọng (5/18 nhà văn hóa), huyện Di Linh (3/20 nhà văn hóa), huyện Lạc Dương (4/4 nhà văn hóa); Huyện Bảo Lâm (8/17 nhà văn hóa). Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và dự kiến hoàn thành trong quý III/2025, thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn trong quý IV/2025.

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn hỗ trợ đầu tư bảo tồn mỗi một làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS (bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, hỗ trợ phát triển du lịch) tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh.

THỤY TRANG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/tuyen-truyen-cong-tac-nhan-quyen-tai-vung-co-dong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ec66006/
Zalo